Bài học nào rút ra từ ba vụ án mạng xảy ra trong cùng một ngày khiến dư luận bàng hoàng

Những vụ án giết người dã man, đặc biệt là do mâu thuẫn cá nhân càng ngày càng nghiêm trọng về mức độ thảm khốc và tăng cao về số lượng trong những năm gần đây.

Cùng một lúc thông tin về ba vụ án giết người xảy ra trong cùng một ngày khiến dư luận bàng hoàng. Vụ thứ nhất xảy ra tại Bắc Ninh vào khoảng 20h ngày 24/10, tại quán cắt tóc gội đầu Vũ Huyền ở phố Nguyễn Gia Thiều. Nghi phạm là Phan Thanh Hoàng, (SN 2003, trú tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang)

Phan Thanh Hoàng đã dùng dao xông vào quán cắt tóc, gội đầu Vũ Huyền, truy sát bạn gái cũ là chị Nguyễn Thị B., (SN 2003, trú ở TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) và bạn trai của chị B. khiến một người tử vong và một người bị nguy kịch.

Vụ thứ hai, cũng trong ngày 24/10, xảy ra tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Nạn nhân là chị L.T.L.D (SN 1993) nghi bị bắn vào đầu, tử vong tại phòng ngủ tầng 2 trong nhà bạn trai là T.H.H. là người đã từng có một đời vợ Bước đầu cơ quan công an xác định H. là nghi phạm đã nổ súng sát hại nạn nhân.

Cảnh sát áp giải đối tượng Phan Thanh Hoàng đi lấy lời khai. Ảnh: IT

Cảnh sát áp giải đối tượng Phan Thanh Hoàng đi lấy lời khai. Ảnh: IT

Cả hai vụ án trên nguyên nhân ban đầu đều được xác định là do mâu thuẫn tình cảm.

Yêu nhau, chia tay, một trong hai có người mới, ghen tuông, cố níu kéo, sát hại nhau, một người suốt đời dung thân ở chốn lao tù thậm chí phải trả mạng, một người vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống khi đang tuổi thanh xuân tràn trề khát vọng… Những câu chuyện có cùng kịch bản na ná như thế đã được rất nhiều hồi chuông gióng lên nhưng sức cảnh tỉnh của nó xem ra vẫn không mấy “linh nghiệm”.

Tình yêu chỉ mang trong nó điều thiện, sự tốt lành chứ không dung chứa cái ác, thói xấu xa. Sự côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật, xâm phạm đến tính mạng của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Đó không phải là tình yêu. Đó chỉ là sự ngộ nhận, là nhân danh tình yêu mà thôi.

Bản chất của tình yêu là tự nguyện và bình đẳng. Mọi người đều có quyền lựa chọn và có quyền… từ chối. Ngay cả khi đã kết hôn, nếu hôn nhân không hạnh phúc, pháp luật vẫn cho phép con người có quyền ly hôn. Rất tiếc, nhiều người không nghiệm ra được điều này, trong đó có Phan Thanh Hoàng. Trước cơ quan điều tra, Hoàng khai có quan hệ tình cảm với chị B. Do mâu thuẫn, cả hai chia tay. Chị B. xuống Bắc Ninh làm việc quen và có tình cảm với người khác. Hoàng ghen tuông, nhắn tin qua lại với B. Bị B. dùng lời lẽ xúc phạm, Hoàng đã ra tay. Ra tay dã man như vậy không phải là yêu mà là sự ích kỷ cá nhân.

Muốn hàn gắn, muốn tiếp tục được yêu thì chinh phục là thứ nghệ thuật cần trình diễn chứ không phải là hành động bạo lực được thực hiện. Tình yêu do khiếp sợ bạo lực nếu có chỉ là thứ tình yêu miễn cưỡng.

Hiện trường vụ nổ súng diễn ra tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh IT

Mâu thuẫn trong cuộc sống

Ngoài mâu thuẫn trong tình yêu, rất nhiều vụ án mạng xảy ra do con người, nhất là giới trẻ dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn trong cuộc sống.

Vụ án thứ ba trong cùng ngày 24/10 xảy ra tại tổ dân phố Yên Mỹ, phường Xuân Hòa, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc nhằm giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Đối tượng nổ súng được xác định tên Cường (Cường râu) lập tức bị bắt giữ. Nạn nhân là một người đàn ông bị trúng đạn được người dân đưa đi cấp cứu.

Theo nhiều nhà chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân khiến con người ngày càng ưa dùng vũ lực để giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống.

Từ sự giáo dục gia đình, các nghiên cứu cho thấy, bạo lực gia đình lên ngôi, nhiều bố mẹ thích dùng nắm đấm để nói chuyện thắng thua ngay trong nhà là một tấm gương xấu cho con cái. Trẻ càng bé càng không đủ sức “đề kháng” trước những hành động xấu của người lớn. Hậu quả là trẻ bị đối xử bạo lực hoặc chứng kiến người lớn bạo lực từ nhỏ, lớn lên sẽ nhạy cảm hơn với các yếu tố thù địch, có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề mà chúng mắc phải.

Về phía xã hội: Áp lực cuộc sống, những sản phẩm bạo lực trên không gian mạng, những tổn thương sức khỏe tâm thần, việc quá dễ dàng tiếp cận các chất kích thích, thậm chí chất cấm… khiến người ta căng thẳng, mất khả năng kiểm soát cơn tức giận.

Gần đây nhiều chuyên gia tâm lý còn cho rằng “văn hóa sĩ diện” của người Việt với hành động bạo lực có mối liên hệ mật thiết với nhau. Sĩ diện thậm chí sĩ diện hão khiến họ không chịu đựng được khi cho rằng mình bị xúc phạm dẫn đến phản ứng gay gắt tức thì. Trường hợp này thường rơi vào những bạn trẻ có một chút tri thức, vị trí nghề nghiệp. TS Ngô Đức Thịnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nhận định: Xã hội văn minh hơn, trình độ cao hơn nhưng có vẻ như con người lại hung hãn hơn.

Hãy thấu hiểu, thông cảm, trò chuyện, giải quyết vấn đề trong ôn hòa. Ảnh: IT

Hãy thấu hiểu, thông cảm, trò chuyện, giải quyết vấn đề trong ôn hòa. Không có cuộc chiến tranh nào kết thúc ngoài chiến trường. Hòa bình luôn luôn đến bằng đàm phán trên bàn hội nghị. So sánh có vẻ hơi khập khiểng một chút nhưng rất đáng để suy ngẫm.

Hành vi cướp đi sinh mạng của người khác bất cứ vì lý do gì cũng sẽ bị pháp luật trừng trị. Chỉ có nỗi đau để lại cho gia đình và người thân của cả hai phía là không thể nguôi ngoai.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/xa-hoi/bai-hoc-nao-rut-ra-tu-ba-vu-an-mang-xay-ra-trong-cung-mot-ngay-khien-du-luan-bang-hoang-167062.html