Bài học kinh nghiệm về tách, nhập tổ dân phố ở Ðà Nẵng

Năm 2012, TP Ðà Nẵng thực hiện chia tách các tổ dân phố (TDP). Ðến năm 2017, Thành ủy Ðà Nẵng chỉ đạo sáp nhập các TDP nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý dân cư, xây dựng đô thị hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, quy mô TDP của thành phố hiện vẫn quá nhỏ so với yêu cầu. Câu chuyện về tách, nhập TDP của TP Ðà Nẵng có lẽ chưa dừng lại ở đây.

Lãnh đạo Ðảng ủy phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) trao đổi ý kiến với các tổ trưởng dân phố về triển khai xây dựng tuyến đường văn minh.

Lãnh đạo Ðảng ủy phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) trao đổi ý kiến với các tổ trưởng dân phố về triển khai xây dựng tuyến đường văn minh.

Năm 2012, TP Ðà Nẵng thực hiện chia tách các tổ dân phố (TDP). Ðến năm 2017, Thành ủy Ðà Nẵng chỉ đạo sáp nhập các TDP nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý dân cư, xây dựng đô thị hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, quy mô TDP của thành phố hiện vẫn quá nhỏ so với yêu cầu. Câu chuyện về tách, nhập TDP của TP Ðà Nẵng có lẽ chưa dừng lại ở đây.

Chủ trương "chia nhỏ để quản lý" TDP được TP Ðà Nẵng triển khai vào năm 2012. Cụ thể, từ ngày 1-11-2012, trung bình mỗi TDP chỉ có 30 hộ gia đình, tối thiểu không dưới 20 hộ và tối đa 40 hộ. TDP có một tổ trưởng và không có tổ phó. Sau khi triển khai chủ trương này, toàn thành phố có 5.749 TDP và 119 thôn. Tổng số tiền chi phụ cấp cho các tổ trưởng TDP lên đến nhiều tỷ đồng.

Sau 5 năm vận hành mô hình TDP quy mô nhỏ, nhiều vấn đề bất cập phát sinh như việc người dân phải điều chỉnh sổ hộ khẩu và các giấy tờ liên quan khác. Những người muốn xuất cảnh gặp nhiều khó khăn khi chứng thực hồ sơ vì phải xác minh lại nơi thường trú ghi trong sổ hộ khẩu. Có nơi như phường An Khê (quận Thanh Khê) có tới 203 TDP, đi họp cũng không đủ ghế cho tổ trưởng, chưa kể đại diện các đoàn thể khu dân cư. Hầu hết các cuộc họp TDP phải mượn địa điểm nhà dân, trường học hoặc cơ quan. Việc huy động lực lượng và nguồn lực đều khó vì số hộ quá ít. Do không có tổ phó cho nên mọi việc lớn, nhỏ tổ trưởng phải làm hết, bởi vậy nhiều người không muốn làm tổ trưởng TDP.

Vì những hạn chế đó, Ban Thường vụ Thành ủy Ðà Nẵng chỉ đạo đồng loạt sáp nhập các TDP từ ngày 1-8-2017. Lần sáp nhập này tăng quy mô TDP lên từ 60 đến 90 hộ gia đình. Quy trình sáp nhập TDP rất coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân. Các đơn vị chỉ tiến hành sáp nhập khi có hơn 50% số hộ dân đồng ý. TDP sau sáp nhập có thêm tổ phó để chia sẻ công việc. Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Nguyễn Thương cho biết: Sau khi sắp xếp lại vào năm 2017, toàn thành phố giảm 2.965 TDP, còn 2.784 TDP, tương ứng giảm 51,6%. Sau sắp xếp, tổng mức phụ cấp hàng tháng đối với cán bộ TDP giảm gần 10 tỷ đồng mỗi năm và mức khoán kinh phí hoạt động giảm gần 300 triệu đồng/năm.

Khảo sát việc sáp nhập TDP tại phường Hòa Khê, quận Thanh Khê cho thấy các TDP hoạt động thuận lợi hơn. Phường có khoảng 20 nghìn dân, trước đây có 145 TDP, sau sáp nhập còn 68 TDP. Ông Nguyễn Quang Lộc, Tổ trưởng TDP 18 kể: Trước đây TDP có 40 hộ, mỗi buổi sinh hoạt chỉ có hai, ba chục hộ tham gia. Trong tình hình ấy phong trào không đẩy lên được. Ðã vậy, tổ trưởng còn phải trao giấy khai sinh, khai tử tại nhà dân theo chủ trương chung của thành phố, công việc rất vất vả.

Việc sắp xếp lại TDP được đội ngũ tổ trưởng TDP rất ủng hộ. Ðồng tình ý kiến này, bà Nguyễn Thị Mười, Tổ trưởng 33 so sánh: TDP 33 có 62 hộ và 235 khẩu, được sáp nhập từ ba TDP. Do số hộ tăng lên cho nên hoạt động tập thể đông vui hơn và việc huy động người dân đóng góp cũng thuận lợi hơn. Tổ 33 nghèo nhất phường, nếu không huy động được sức dân thì công tác xóa nghèo sẽ rất khó khăn. Bà Mười cho rằng quy mô TDP từ 60 đến 200 hộ và thêm một tổ phó là phù hợp.

Bí thư Ðảng ủy phường Nguyễn Thị Bích Vân khẳng định quy trình sáp nhập TDP tại địa phương rất chặt chẽ. Lãnh đạo phường thống nhất phương án sáp nhập, đi thực địa để xem xét địa giới, thành phần dân cư có phù hợp không. Các phường đều điều chỉnh phương án sáp nhập nhiều lần. Hình thức bầu chọn tổ trưởng, tổ phó do người dân quyết định và thực hiện bảo đảm dân chủ, công khai, được sự giám sát của HÐND phường. Sau khi sáp nhập TDP, phường Hòa Khê tập trung củng cố các chi bộ, ra nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng viên ở khu dân cư. Năm 2018, phường tập trung cải cách hành chính, vệ sinh môi trường và xây dựng tuyến đường văn minh. Các hoạt động đều được người dân ủng hộ và đạt kết quả tốt.

Ðồng chí Nguyễn Nam Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê cho biết, sau khi quận thực hiện sáp nhập 1.278 TDP xuống còn 589 TDP, Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại các chi bộ, ban công tác mặt trận, chi hội đoàn thể phù hợp với TDP mới sáp nhập. Các đồng chí bí thư, phó bí thư chi bộ đều kiêm nhiệm tổ trưởng TDP, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng các đoàn thể. Ðến nay, bộ máy tại TDP được đánh giá chung hoạt động đều tay và hiệu quả.

Phường Hòa Xuân thuộc quận Cẩm Lệ là trường hợp khá đặc biệt vì toàn bộ diện tích 1.200 ha đất tự nhiên của phường đều nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng, tất cả các hộ dân trên địa bàn đều phải di dời, nhường lại đất cho thành phố triển khai 11 dự án đô thị. Ðến tháng 7-2018 chỉ còn 13 ha với 76 hộ dân chưa đồng ý di dời. Chủ tịch UBND phường Hồ Thị Cẩm Nhung cho biết: Do có sự thay đổi lớn, phường phải sắp xếp lại các khu dân cư, thành lập các TDP mới bảo đảm tiêu chí của thành phố, giảm từ 109 TDP xuống còn 89 TDP. Hiện nay, diện mạo mới của phường Hòa Xuân đã định hình với hàng trăm tuyến phố mới theo ô bàn cờ, được thiết kế phù hợp kiến trúc đô thị hiện đại.

Cùng với việc sáp nhập TDP, thành phố Ðà Nẵng đã sắp xếp lại người hoạt động không chuyên trách phường, xã, giảm được 204 người. Thành phố đưa ra quy định về trình độ chuyên môn của đội ngũ này theo hướng nâng cao chất lượng và chuẩn hóa trình độ. Theo đó, có 23,8% số người hoạt động không chuyên trách cam kết đi học nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ trong thời gian tới. Nhìn xa hơn, lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố cho rằng mô hình người hoạt động không chuyên trách không còn phù hợp với chính quyền đô thị. Ðể phát triển đô thị hiện đại cần mô hình quản lý phù hợp.

Theo quy định của Bộ Nội vụ tại Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29-12-2017, việc thành lập thôn mới, TDP mới phải bảo đảm có từ 500 hộ gia đình trở lên. Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, TDP tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31-8-2012 của Bộ Nội vụ yêu cầu không chia tách các thôn, TDP đang hoạt động ổn định để thành lập thôn mới, TDP mới, đồng thời khuyến khích việc sáp nhập thôn, TDP để thành lập thôn mới, TDP mới. Như vậy, thời gian tới, TP Ðà Nẵng phải tiếp tục sáp nhập các TDP không đủ tiêu chí theo quy định nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền phường, xã và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của TDP. Tuy nhiên, việc sáp nhập, chia tách TDP, khu dân cư trong thời gian ngắn sẽ lại dẫn đến nhiều xáo trộn, không có lợi cho công tác quản lý, cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp ở địa phương.

Bài học kinh nghiệm của TP Ðà Nẵng chỉ ra rằng, trước khi các địa phương tiến hành sáp nhập, chia tách TDP, khu dân cư, cần lấy ý kiến các chuyên gia về tổ chức chính quyền, ý kiến các bộ, ngành hữu quan cũng như khảo sát ý kiến người dân. Quá trình sáp nhập, chia tách khu dân cư cần thực hiện dân chủ, cẩn trọng, khoa học, bảo đảm sự ổn định lâu dài và phù hợp với xu thế phát triển.

HÀ HỒNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38375902-bai-hoc-kinh-nghiem-ve-tach-nhap-to-dan-pho-o-%C3%B0a-nang.html