Bài học kinh nghiệm từ Ấn Độ trong kết nối mạng lưới kiều bào

TĐO - Trong năm 2018, Ấn Độ tiếp tục duy trì vị trí là nước nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới với 79 tỷ USD. Vậy Ấn Độ đã có những chính sách gì để kết nối mạng lưới kiều bào tài năng và có tầm ảnh hưởng này, để đây thực sự là một nguồn lực quý giá?

Đại sứ Parvathaneni cho rằng cấp thẻ cư trú kiều bào là chính sách thành công nhất để kết nối mạng lưới kiều bào Ấn Độ. Ảnh: CIS

Đại sứ Parvathaneni cho rằng cấp thẻ cư trú kiều bào là chính sách thành công nhất để kết nối mạng lưới kiều bào Ấn Độ. Ảnh: CIS

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni: Mạng lười kiều báo của Ấn Độ hiện rơi vào khoảng 31 triệu người. Một trong những chính sách mà ông đánh giá thành công nhất khi kết nối cộng đồng này đó chính là việc cấp thẻ cư trú kiều bào từ năm 2005.

Với tấm thẻ này, bất cứ kiều bào nào cũng sẽ được hưởng các chế độ phúc lợi gần như tuyệt đối mà công dân Ấn có được: được tự do mua bán bất động sản, đầu tư chứng khoán trong khi mức thuế phải đóng không quá chênh lệch. Tấm thẻ này được cấp hoàn toàn miễn phí.

Ấn Độ cũng đã lập cả 1 Bộ chuyên trách lo các vấn đề về kiều bào.

Hiện nay, Ấn Độ đang dịch chuyển từ quốc gia chuyên đi gia công phần mềm thành trung tâm phát triển phần mềm của thế giới. Cùng với đó, số lượng các Giám đốc gốc Ấn tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Nokia, Google, Microsoft… cũng đang ngày càng tăng. Để đạt được điều này có sự đóng góp rất lớn từ mạng lưới kiều bào.

Đại sứ Parvathaneni cho hay, lời giải cho sự chuyển dịch trên là nguồn nhân lực phải được đào tạo công nghệ thông tin, nâng cao kỹ năng về viết phần mềm. Do vậy, Ấn Độ đã liên tục xây dựng các mạng lưới cựu sinh viên IT học ở các trường Đại học, Cao đẳng quốc tế danh tiếng. Từ đó tập hợp họ, nắm bắt yêu cầu rồi xây dựng các chương trình ưu đãi, “trải thảm đỏ” mời họ trở về giảng dạy hay tiến hành các nghiên cứu khoa học tại các cơ sở đào tạo trong nước.

Tấm thẻ cư trú kiều bào cũng trở nên rất hữu ích khi giúp kiều bào khởi nghiệp dễ dàng hơn tại các trung tâm công nghệ như Bangalore – “Thung lũng Silicon của Ấn Độ”. Có rất nhiều kiều bào gốc Ấn có tầm ảnh hưởng lớn tại các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới. Do vậy Đại sứ Parvathaneni khẳng định việc kết nối họ là công việc không thể bỏ qua.

An Nhi

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/bai-hoc-kinh-nghiem-tu-an-do-trong-ket-noi-mang-luoi-kieu-bao-75119.html