Bài học khó quên

Vào một ngày nghỉ, tôi đến thăm nhà anh bạn mới được điều động về công tác gần nhà. Ngắm nhìn căn nhà cấp 4, lợp ngói 3 gian của gia đình anh đã rêu phong, xập xệ, tôi hỏi: Ông định khi nào làm lại căn nhà này? Anh bạn tôi nhoẻn cười: Ông thấy hơn hai mươi năm công tác xa nhà, lương “ba cọc ba đồng”, vợ ốm con đau, thiếu thốn đủ đường, lấy đâu ra mà xây với sửa?... Nghe vậy tôi thoáng chạnh lòng.

Nhân chuyện nhà cửa, anh bạn tôi “dốc bầu” tâm sự:

Vừa qua để xoay xở chuyển công tác về dưới này, vợ chồng tôi cũng cố thu xếp một món kha khá… để đến gặp “sếp”. Sau khi trò chuyện, hỏi han tình hình gia đình và nghe tôi trình bày nguyện vọng chuyển công tác về một cơ sở gần nhà, “sếp” nói: “Cán bộ trên này đang rất thiếu… để tôi bàn với các anh ấy xem”. Rồi “sếp” bắt tôi mang gói quà về với thái độ kiên quyết. Tôi ngại quá, cố thuyết phục “sếp” nhận và giúp tôi. Không sao từ chối được, “sếp” đành nhận và bảo tôi cứ yên tâm làm việc cho tốt.

Tôi ra về mà lòng vui phấp phỏng. “Sếp” đã nhận là yên tâm. Tôi vừa lặng lẽ chờ đợi, vừa kiên trì làm việc cho tốt.

Bẵng một thời gian, bỗng một hôm “sếp” ghé thăm nhà tôi. Ngồi trò chuyện chút ít, “sếp” thông báo việc chuyển công tác của tôi đã được cấp ủy đồng ý và đã có quyết định. Vừa nói, ông vừa trao lại gói quà mà trước đây tôi đã mang đến biếu. Tôi ngập ngừng, không dám nhận lại, nhưng với thái độ kiên quyết của “sếp”, tôi không thể khác được… “Sếp” căn dặn tôi: Là cán bộ lãnh đạo, tôi rất hiểu hoàn cảnh của anh em cấp dưới. Việc gì giúp được anh em tốt hơn, thuận lợi hơn tôi cũng không ngần ngại gì và không yêu cầu anh em phải vất vả tốn kém. Đó là trách nhiệm của tôi. Cậu cầm lại gói quà này mà thêm thắt sửa sang lại nhà cửa cho chắc chắn...

Nghe xong câu chuyện, tôi thầm vui và ghé sát tai anh bạn: Ông được một bài học rồi đấy… Anh bạn tôi gật đầu: Đúng, bài học nhớ đời không thể nào quên. Cũng còn may, gặp được “sếp” xử lý tế nhị, kín kẽ, chứ nếu vào ông “sếp” khác tính tình cương trực mà gọi cơ quan lên giao gói quà trả lại thì “hết chỗ chui”…

Nhân một buổi sinh hoạt chuyên đề của chi bộ, tôi kể lại câu chuyện anh bạn. Mọi người bàn luận khá sôi nổi. Một số người liên hệ, dẫn chứng ra một số ví dụ tương tự và cho rằng, chính những người như anh bạn tôi đã tự khởi đầu cho những biểu hiện không lành mạnh, tiêu cực trong công tác cán bộ. Nhưng cũng có đảng viên còn phân vân, cho đó là trường hợp hy hữu… Rồi một vài người lại kể ra những biểu hiện tiêu cực từ chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tuổi… đi cửa trước, cửa sau. Có người chạy hết chức này đến chức khác… Có cán bộ lợi dụng vị trí công tác, khi giúp ai việc gì cũng khéo dùng nghệ thuật “rung chài” hoặc cứ phải có “đếm … đếm”.

Buổi sinh hoạt chi bộ trở nên rất sôi nổi. Cuối cùng, các đảng viên cũng đi đến đồng lòng, cho rằng việc làm của ông “sếp” ấy rất đáng được học tập. Còn những biểu hiện tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có anh bạn tôi, thì cần phải nghiêm khắc sửa chữa, nếu không sẽ nhanh chóng dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, rất nguy hiểm.

Qua chuyện này, anh em trong chi bộ tôi càng thấm thía sâu sắc lời dạy của Bác: Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những đức tính tốt ngày càng thêm.

Thiết nghĩ, nếu cán bộ, đảng viên nào cũng tự giác, trung thực học và làm theo lời Bác thì Đảng ta sẽ luôn rất mạnh từ cơ sở./.

Vũ Viết Xô

Nguồn Tạp chí cộng sản: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/sinh-hoat-tu-tuong/-/2018/821007/bai-hoc-kho-quen.aspx