Bài học giáo dục

Nói về vụ việc ông hiệu trưởng một trường phổ thông dân tộc nội trú ở tỉnh Phú Thọ bị tố xâm hại tình dục hàng chục học sinh nam, bị khởi tố, tạm giam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phải xử lý nghiêm, đồng thời đây cũng là bài học xương máu về giáo dục giới tính cho học sinh.

Ngay lập tức, dư luận phản ứng với bài học rút ra này của Bộ trưởng.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Sơn ra Quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can đối với ông Đinh Bằng My. Trong ảnh là ông Đinh Bằng My phát biểu tại buổi ngoại khóa. Nguồn ảnh: Website Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Thanh Sơn.

Bởi lẽ, trước khi Bộ trưởng phát biểu như vậy, báo chí đã công bố thông tin và một bức hình cho thấy chính ông hiệu trưởng này đang “giáo dục” học sinh của trường này, về chuyện này, trước tấm phông lớn ghi dòng chữ “Chương trình tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em 2018”. Như một sự mỉa mai cay đắng nghiệt ngã của mối quan hệ phụ thuộc, yếu thế, thử hỏi học sinh có thể học được gì ngoài sự tuyệt vọng, với ông hiệu trưởng, với nhà trường, ngành giáo dục? Đáng ra, chính những người làm giáo dục và cả xã hội phải tự rút ra cho mình những bài học khi nhìn vào sự câm lặng chịu đựng khủng khiếp của các em nạn nhân trong suốt nhiều năm qua.

Dù sao thì vụ việc đang trong quá trình điều tra, kết luận cụ thể thế nào cần phải đợi. Nhưng, như chính vị Bộ trưởng giả lập tình huống tương tự cũng đang xảy ra ở các nơi khác, phải chăng đã đến lúc xã hội chúng ta cần sống trong trạng thái điều khủng khiếp gì cũng có thể xảy ra ở môi trường giáo dục, sự cảnh giác thay cho niềm tin? Thật đáng sợ khi phải sống trong trạng thái bất bình thường này, nhưng phải chăng báo động đỏ cũng là dạng thức phòng vệ tổng quát? Thầy hiếp dâm, mua dâm trò, sửa điểm, bán điểm, bạo hành, ép học thêm, lạm thu... - những điều “trông thấy mà đau đớn lòng” này đã xảy ra cả rồi còn đâu! Và nó - thực trạng đó - vừa được thừa nhận theo một cách không còn gì đáng mỉa mai hơn từ chính người cũng là thầy giáo ở Hà Tĩnh: dựng chuyện tốt đẹp rằng mình nhặt được tiền, vàng rồi trả lại cho người bị mất để được đưa lên báo, để vì... ngành. Mỉa mai thay cho cái lập luận... vì ngành của ông thầy này: “Thời gian vừa qua, trong ngành giáo dục có nhiều chuyện buồn quá, thất vọng quá nên mới ngồi với mấy người bạn dựng lên câu chuyện đẹp về người thầy...”.

Một câu chuyện đẹp... giả! Phải chăng đây là sự tiếp nối, là hệ quả của căn bệnh thành tích, hình thức trong ngành giáo dục được chính các giáo viên nói ra với Bộ trưởng của mình trong buổi ông “đối thoại” cùng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Yên Bái ngày 17-12, ngay sau những phát biểu của ông về vụ việc ở Phú Thọ? Đó cũng chính là rào cản để đi đến tận cùng những sự thật đáng sợ khác trong ngành giáo dục, mà bằng chứng gần nhất là chuyện hiệu trưởng một trường ở Quảng Bình “xin” báo chí đừng viết ra việc cô giáo trường này ra lệnh cho học trò tát bạn hơn 200 cái vì trường sắp được công nhận là trường chuẩn quốc gia, nếu viết ra thì “công sức của trường sẽ đổ sông đổ biển”. Hiệu trưởng vậy thì không khó hiểu chuyện giáo viên mình quản lý vì “áp lực thi đua” mà dùng đến cả bạo lực.

Tất nhiên, không phải việc gì xấu xa trong ngành giáo dục cũng do bệnh thành tích, hình thức của ngành. Nhưng trong rất nhiều căn bệnh của ngành giáo dục hiện nay, bệnh thành tích là bệnh do ngành tự tạo ra cho mình. Cho nên, cần chủ động, thực tâm chữa bệnh nguyên phát này trước, nếu không, sẽ khó tự chuẩn đoán, chữa trị những bệnh khác như gian dối, yếu kém...

Ngày 18-12, tại cuộc họp giao ban định kỳ với lãnh đạo các cơ quan báo, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã chia sẻ quan điểm của lãnh đạo bộ về một số vụ việc phản sư phạm, thậm chí phạm tội, của một số nhà giáo. Theo đó, “có những nguyên nhân dù là khách quan nhưng chúng tôi nghĩ có yếu tố chủ quan là chủ yếu, bắt đầu từ những cá nhân thiếu tu dưỡng, rèn luyện”. Bà Thứ trưởng nói không sai nhưng dừng ở đó sẽ không giải quyết được vấn đề. Cá nhân không dễ tu dưỡng, rèn luyện thành công, đắc đạo làm thầy trong bầu không khí không cho phép hay tạo điều kiện cho việc đó, mà bệnh thành tích chỉ là một trong các “phân tử” xấu.

Trong vụ việc xảy ra ở Phú Thọ nói trên, dư luận đặt câu hỏi về sự “vô cảm, đồng lõa với tội ác” của hiệu trưởng (nếu có) của các giáo viên trong trường. Bỏ qua bệnh thành tích, trong trường hợp này, quan hệ lính - sếp với quyền uy gần như tuyệt đối thuộc về sếp cũng có thể là rào cản. Đành rằng quan hệ hành chính nào cũng có tính thứ bậc nhất định, nhưng thiết nghĩ, trong môi trường đặc biệt như giáo dục, cần sắp xếp lại hệ thống để người thầy được trả lại tâm thế tự chủ, độc lập thực sự đặng thực hiện “thiên chức” của mình - thiên chức không chỉ dạy kiến thức mà còn yêu thương, dám đấu tranh bảo vệ học trò.

Nguyên Lê

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283117/bai-hoc-giao-duc.html