Bài học để trở thành người lịch thiệp

Đi ăn chung với lãnh đạo, viết thư cảm ơn trong thời 4.0, từ chối lời đề nghị của người khác... là những vấn đề được nêu trong '50 bài học cơ bản để trở thành người lịch thiệp'.

Katherine Flannery luôn dành tình yêu và niềm đam mê cho những cuốn sách. Các vấn đề thường gặp trong trang viết của cô là những bài học thú vị trong cuộc sống dành cho lớp trẻ và nhân viên công sở. 50 bài học cơ bản để trở thành người lịch thiệp nằm trong chủ đề đó.

Cuốn sách trang bị cho chúng ta kiến thức cần thiết, cụ thể với 50 bài học ứng xử trong mọi tình huống, từ trang trọng, thanh lịch đến xã giao, nhất là trong thời đại công nghệ hiện nay.

 Sách 50 bài học cơ bản để trở thành người lịch thiệp. Ảnh: H.T.

Sách 50 bài học cơ bản để trở thành người lịch thiệp. Ảnh: H.T.

Làm thế nào để cư xử lịch thiệp trong thời đại 4.0?

Được đánh giá là người lịch thiệp quả rất hân hạnh, nhưng điều này giúp ích gì cho chúng ta? 50 bài học cơ bản để trở thành người lịch thiệp dành phần đầu để trả lời cho câu hỏi đó.

Tác giả mở đầu cuốn sách bằng việc lý giải tầm quan trọng của các phép lịch sự. Theo cô, đó chính là cách thể hiện bản thân đối với thế giới. Khi nắm được các quy tắc ứng xử văn minh, chúng ta sẽ có thêm tự tin và tỏa sáng trước mặt người khác.

Thay vì lắp bắp, lúng túng suy nghĩ xem nên làm gì và nói gì trong từng trường hợp, phép lịch sự giúp độc giả “thể hiện được phiên bản tốt nhất của mình”, không chỉ ở nơi công sở, mà còn sau khi tan làm, hò hẹn đồng nghiệp, thậm chí là tham dự đám tang.

Trong thời đại công nghệ, hầu hết chúng ta đều phải đọc và trả lời tin nhắn, thông báo, email một cách ngắn gọn, nhanh chóng. Điều đó vô tình làm bản thân “lãng quên” quy tắc lịch sự, hoặc dễ mắc phải lỗi chính tả, lỗi viết tắt.

Internet phát triển cũng kéo theo việc “cắm mặt” vào màn hình điện thoại, laptop khi đang ngồi với bạn bè, đồng nghiệp ngày càng trở thành một thói quen dễ bắt gặp.

Song, cuộc cách mạng lần thứ tư tạo nên một “luồng gió” mới cho các phép tắc ứng xử. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần nằm ở việc soạn thảo những tin nhắn rõ ràng, đủ ý, hay đặt điện thoại xuống và trò chuyện với người đối diện, mà nó còn là cách chúng ta cư xử đối với người bên cạnh.

Với cuốn sách của Katherine Flannery, cụm từ “phép tắc lịch sự” hay “quy tắc ứng xử” không phải những bảng quy tắc dài dòng, cứng nhắc khiến độc giả đau đầu; cũng chẳng phải “những lời dặn dò bất tận từ các bà mẹ chồng cổ hủ với người con dâu mới”. Nó chỉ đơn thuần là tập hợp của những bài học đơn giản về cách xử lý thông thường trước nhiều tình huống dễ gặp trong cuộc sống.

Cuốn sách giúp độc giả trẻ tự tin giao tiếp trong môi trường công sở. Ảnh minh họa: Timviec365.

Những lỗi thường gặp khi ứng xử và cách khắc phục

Điểm thú vị của cuốn sách còn nằm ở việc độc giả sẽ có hai cách để tiếp cận nội dung sách: Đọc tất cả phần mục hoặc cách thứ hai là tìm đọc những phần nào liên quan tình huống mà chúng ta đang trực tiếp gặp phải.

Cuốn sách có thể trở thành người bạn hữu ích để độc giả luôn mang theo bên mình. Chẳng hạn, trước khi loay hoay soạn thảo một email, người đọc nên mở ngay đến chương IV; được sếp mời đi ăn, hãy mở chương V; hay gửi lời chia buồn đến ai đó thì nên lật chương VII...

Nhằm giúp độc giả khắc phục những lỗi ứng xử thường gặp, Katherine Flannery đưa ra 16 câu hỏi tình huống và gợi ý trả lời với những bài học ngắn gọn dựa trên những phân tích logic không hề dài dòng.

Ngày nay, kỹ năng giao tiếp được xem là một nghệ thuật cần rèn luyện hàng ngày. Cuốn sách với 50 bài học cơ bản, dễ gặp giúp người đọc sở hữu những “chiến thuật” nhỏ để trở thành một nhân viên trẻ mẫu mực.

Huế Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-hoc-de-tro-thanh-nguoi-lich-thiep-post1210683.html