Bài học đầu tiên

Hãy nhìn cuộc sống bằng đôi mắt nhân văn và hãy làm báo bằng tình yêu thương và sự trân trọng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà – Nguyên Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (thứ hai từ trái sang) cùng các phóng viên Hoàng Thủy, Thanh Lương, Trần Ngọc Hà - (ảnh chụp năm 2001)

Chị Nguyễn Thị Thu Hà – Nguyên Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (thứ hai từ trái sang) cùng các phóng viên Hoàng Thủy, Thanh Lương, Trần Ngọc Hà - (ảnh chụp năm 2001)

Năm 1998, vừa tốt nghiệp đại học, tôi tham dự kì thi tuyển đầu tiên vào Báo Pháp luật (Bộ Tư pháp) và cùng với 9 đồng nghiệp khác trở thành thế hệ phóng viên thứ hai của Báo Pháp luật - nay là Pháp luật Việt Nam.

Trên tầng 6 trụ sở Báo Pháp luật ở đường Thái Hà, Phòng Phóng viên hình thành, chúng tôi được làm việc ở nơi “view đẹp nhất quận Đống Đa, giơ tay lên là tới trời” – như lời anh Nguyễn Thắng (Trưởng phòng phóng viên lúc đó) nói.

Bên cạnh mảng Quốc tế, bao gồm phần biên dịch thông tin pháp luật quốc tế và hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp, tôi còn được giao làm mảng văn hóa – xã hội. Người dìu dắt chúng tôi những ngày đầu làm mảng việc này là chị Thu Hà – phóng viên kì cựu từ những ngày đầu của Báo Pháp luật.

Đối với hai phóng viên cùng làm mảng văn hóa – xã hội lúc đó, tôi và Lê Thanh Lương, đều vừa mới ra trường, nhìn cuộc sống vô cùng trong trẻo, ngọt ngào. “Phóng viên mảng văn hóa – xã hội nói riêng, phóng viên Báo Pháp luật nói chung, sẽ nhìn lĩnh vực mình phụ trách dưới cái nhìn khác. Không chỉ phản ánh những hiện tượng, sự vật, sự kiện, chúng ta còn có trách nhiệm cùng phân tích, nhận định để tìm hiểu bản chất vấn đề, giúp hoàn thiện cơ chế chính sách góp phần vào công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực” – chị Thu Hà chia sẻ.

Quả thực, thời điểm đó, một cơ quan báo chí chuyên ngành về pháp luật phân tích chuyên sâu những vấn đề trong lĩnh vực văn hóa – xã hội đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này như Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, một số đơn vị phòng chống tội phạm của ngành Công an... Nhiều ý kiến, nhiều nhận định của Báo đã được các cơ quan tiếp nhận, đưa vào các văn bản pháp quy phục vụ quản lý nhà nước. Cũng từ đó, phóng viên Báo Pháp luật không đơn thuần chỉ là người đưa tin, mà đã trở thành người đồng hành thân thiết của các cơ quan trên.

“Tờ báo là một tấm gương, soi cách nhìn của nhà báo, của tờ báo về cuộc sống” – chị Thu Hà chia sẻ với chúng tôi – “Hãy nhìn cuộc sống bằng đôi mắt nhân văn và hãy làm báo bằng tình yêu thương và sự trân trọng”.

Trên những bước đi đầu tiên trên con đường làm báo dài đằng đẵng của mình, những chia sẻ đầu đời của chị Thu Hà và các anh chị đồng nghiệp đi trước đã trở thành hành trang góp phần giúp chúng tôi vững tin trên con đường đã chọn. Trong dịp kỉ niệm 34 năm ngày Báo Pháp luật Việt Nam ra số báo đầu tiên, xin được tri ân các cô chú, anh chị - những đồng nghiệp đầu tiên của tôi trong ngôi nhà Pháp luật Việt Nam.

Hoàng Thủy (Phó Trưởng ban Pháp luật - Bạn đọc)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/bai-hoc-dau-tien-460819.html