Bài học dành cho mọi bà mẹ: Dù thế nào con sẽ luôn trách mẹ?

Dù bạn nuôi dạy con theo cách nào, khi lớn lên, chúng sẽ đều nói "Chính mẹ là người đã hủy hoại cuộc đời con".

Tác giả của câu chuyện này là của Svetlana Khmel, một người phụ nữ Nga, chia sẻ quan điểm về hình mẫu người mẹ lý tưởng. Đây thực sự là bài học dành cho nhiều người trong việc nuôi dạy con cái, khi mà xã hội, sự nghiệp, thực tại đang cuốn con người đi.

Ngày nào đó, khi tôi có một đứa con trai, tôi sẽ cố gắng làm ngược lại những điều người khác đã làm. Khi con lên 3, tôi sẽ luôn nói với con rằng: “Con yêu! Con không cần phải trở thành một kỹ sư. Con cũng không cần phải trở thành một luật sư. Không quan trọng con làm gì khi trưởng thành đâu. Con muốn trở thành nhà nghiên cứu hay bình luận viên bóng đá thì hãy cứ làm! Hay con muốn trở thành một anh hề trong trung tâm thương mại cũng được! Đó là một sự lựa chọn tuyệt vời!”.

Sau đó, vào ngày sinh nhật lần thứ 30 của con, nó sẽ đến bên tôi và nói, với những giọt mồ hôi và phấn trang điểm vẫn còn trên mặt: “Mẹ ơi! Con tròn 30 tuổi rồi và con làm một anh hề tại trung tâm thương mại. Đó có phải là cuộc sống mà mẹ muốn con trở thành không? Mẹ đã nghĩ gì khi mẹ nói rằng bằng cấp cao không quan trọng hả mẹ? Tại sao mẹ lại cho phép con chơi với bạn mà không bắt con làm bài tập toán về nhà?”.

Và tôi sẽ nói: “Con yêu, đơn giản chỉ là mẹ muốn chăm sóc con. Mẹ không muốn gây áp lực cho con về bất cứ điều gì! Mẹ thấy con không thích học toán và rõ ràng con thích chơi với bạn hơn”.

Con trai tôi sẽ trả lời: “Con đã không biết những điều thực sự tốt hơn cho con. Con lúc đó chỉ là một đứa trẻ, con không thể tự quyết định bất kỳ điều gì. Nhưng mẹ, chính mẹ đã hủy hoại toàn bộ cuộc sống của con”.

Và con tôi sẽ lau vết son trang điểm trên môi, nắm tay run rẩy và làm nhọ mặt bằng vết son đó. Sau đó, tôi sẽ đi đến chỗ con, nhìn thẳng vào mắt con để nói: “Nghe mẹ này con trai. Có hai loại người trên thế giới này: một người sẽ sống cuộc đời của chính họ và người kia sẽ sống cuộc đời mà chỉ luôn biết đổ lỗi. Nếu con thể hiểu được điều này, con là một thằng ngốc”.

Con trai tôi sẽ kêu lên: “À” và uể oải ngồi xuống. Tôi sẽ mất thêm 5 năm tiếp theo để tư vấn tâm lý cho con trai mình.

Hoặc có thể xảy ra trường hợp này. Một ngày nào đó, khi tôi có một đứa con trai, tôi sẽ cố gắng làm những điều người khác vẫn làm. Từ khi con 3 tuổi, tôi sẽ liên tục nói với nó rằng: “Đừng cư xử như một thằng ngốc nữa, con hãy nghĩ về tương lai của con đi. Hãy làm bài tập toán về nhà của con đi. Con sẽ không muốn lãng phí cuộc đời với nghề nhân viên tổng đài đâu!”.

Và sau đó, vào ngày sinh nhật thứ 30, con trai tôi sẽ đến bên tôi và nói, với mồ hôi lấp ló sau các nếp nhăn sâu trên khuôn mặt kỹ sư: “Mẹ ơi, con đã 30 tuổi và đang làm việc tại Google. Con đang rất cố gắng làm việc và luôn làm việc 20 giờ mỗi ngày. Mẹ đã nghĩ gì khi mẹ nói với con rằng, một công việc tốt sẽ khiến con hạnh phúc hơn? Mẹ muốn điều gì khi luôn bắt con phải làm đầy đủ bài tập toán?”.

Và tôi sẽ nói rằng: “Con yêu, đơn giản chỉ là mẹ muốn có nền tảng giáo dục tốt. Mẹ muốn chắc chắn rằng, con luôn có nhiều cơ hội tốt”.

Con trai tôi sẽ trả lời: “Những cơ hội tốt chết tiệt mà mẹ nói là gì hả mẹ? Khi mà lúc nào con cũng cảm thấy rất khổ sở. Con đi bộ trong các trung tâm thương mại, con thấy những chú hề và con cảm thấy ghen tị với họ. Họ luôn cảm thấy hạnh phúc và con chỉ ước mình có thể ở vị trí của họ. Nhưng mẹ, chính mẹ đã hủy hoại toàn bộ cuộc sống của con”. Con trai tôi dùng ngón tay run rẩy, chạm vào phần mũi bên dưới gọng kính.

Sau đó, tôi sẽ đi đến chỗ con, nhìn thẳng vào mắt con để nói: “Nghe mẹ này con trai. Có hai loại người trên thế giới này: một người sẽ sống cuộc đời của chính họ và người kia sẽ sống cuộc đời mà chỉ luôn biết đổ lỗi. Nếu con thể hiểu được điều này, con là một thằng ngốc”.

Con trai tôi sẽ kêu lên “À” và uể oải ngồi xuống. Tôi sẽ mất thêm 2 năm tiếp theo để tư vấn tâm lý cho con trai mình.

Sau đó, một lần nữa, mọi chuyện có thể lại khác. Một ngày nào đó, khi tôi có một đứa con trai, tôi sẽ cố gắng làm mọi chuyện theo cách dễ dàng và đơn giản nhất. Khi con tôi 3 tuổi, tôi sẽ luôn nói: “Mẹ không thể ở bên cạnh con mãi để nhắc đi nhắc lại điều này. Mẹ ở đây để yêu thương con. Nếu con muốn tư vấn, con yêu, con hãy đến hỏi ba con. Mẹ không muốn là người đưa ra quyết định cuối cùng”.

Và vào ngày sinh nhật thứ 30, con trai tôi sẽ đến bên tôi và nói, với mồ hôi trên mặt và cái nhìn u sầu của một đạo diễn phim: “Mẹ ơi, con đã 30 tuổi rồi. Con đã luôn cố gắng để mẹ chú ý đến con hơn. Con đã làm 20 bộ phim và 5 vở kịch về mẹ. Con cũng đã viết một cuốn sách về mẹ, mẹ ạ. Nhưng dường như không có điều gì trong số chúng thực sự quan trọng với mẹ. Tại sao mẹ luôn tránh thể hiện ý kiến của mẹ? Tại sao mẹ luôn nói con hãy đi hỏi ý kiến của ba?”.

Và tôi sẽ nói: “Con yêu, mẹ không muốn là người đưa ra quyết định thay con. Đơn giản chỉ mà mẹ muốn dành sự yêu thương cho con mà thôi. Đối với sự tư vấn, ba của con thường tốt hơn mẹ trong một số trường hợp”.

Con trai tôi trả lời: “Lời khuyên của bố có là gì khi con muốn nghe ý kiến của mẹ? Cả cuộc đời con là để cố gắng thu hút sự chú ý của mẹ. Con muốn điều đó. Con sẽ làm mọi điều để biết mẹ thực sự nghĩ gì về con. Chỉ một lần thôi mẹ, một lần thôi mẹ ơi. Nhưng có vẻ điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Sự im lặng của mẹ, sự thờ ơ của mẹ, đó chính là những thứ đã hủy hoại cuộc đời con”.

Và con trai tôi đưa bàn tay run rẩy lên trán.

Sau đó, tôi sẽ đi đến chỗ con, nhìn thẳng vào mắt con để nói: “Nghe mẹ này con trai. Có hai loại người trên thế giới này: một người sẽ sống cuộc đời của chính họ và người kia sẽ sống cuộc đời mà chỉ luôn biết đổ lỗi. Nếu con thể hiểu được điều này, con là một thằng ngốc”.

Con trai tôi sẽ kêu lên: “À” và uể oải ngồi xuống. Tôi sẽ mất thêm 5 năm tiếp theo để tư vấn tâm lý cho con trai mình.

Câu chuyện này là một liều vắc xin tốt để chống lại sự cầu toàn của mẹ - những yêu cầu để trở thành một người mẹ lý tưởng. Chúng ta cần thư giãn. Không quan trọng chúng ta phấn đấu trở thành cha mẹ hoàn hảo như thế nào, khi con chúng ta lớn lên, chúng ta vẫn có một hoặc hai điều giống nhau để nói với chúng.

Bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết tại mục Văn hóa đời sống

Ái Lê

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/bai-hoc-danh-cho-moi-ba-me-du-the-nao-con-se-luon-trach-me-d48091.html