Bài học cuối cùng

Câu nói của George Eliot (1819 – 1880) hết sức giản dị, dễ hiểu và rất đáng kính trọng: 'Chúng ta sống để làm gì, nếu chẳng phải để giúp đỡ cho đời sống của nhau bớt khốn khó đi'.

1. “Bài học cuối cùng” trong đời sống nhân sinh:

- Tại một nghĩa trang lớn dành cho các nhà Trí thức, Văn nghệ sỹ, người ta trang trọng viết đôi câu đối sau đây: “Trăm năm, hai chữ phù sinh / Nghìn năm, hai chữ nghĩa tình còn nguyên”.

Cứ mỗi lần dự tang lễ hay viếng mộ ở nghĩa trang này, từ ông cụ già đến người đầu xanh tuổi trẻ cũng đều có chung một suy nghĩ: Cõi người hư hư thực thực dù cho có cảnh người ăn không hết, người lần không ra thì cũng gặp nhau dưới ba tấc đất. Vua Ngô rất giầu có, có đến 36 cái lọng bằng vàng, chết đi cũng giống hệt Chúa Chổm là người suốt đời đi vay nợ, suốt đời phải chạy trốn chủ nợ. Như thế, cõi người hay đời người hay kiếp người có tồn tại tối đa cũng chỉ đến 100 năm là cùng. Nhưng thực tế cuộc sống từ xưa đến nay lại chứng minh rằng: Cái tình, cái nghĩa, cái ý ăn ý ở mặn nồng, chung thủy, tâm huyết với nhau thì sẽ tồn tại mãi mãi. Cái nợ ân tình, cái duyên nghìn năm mà “đất trời cũng phải ghen tỵ” sẽ tồn tại vĩnh viễn, đến hàng ngàn, hàng vạn năm sau vẫn còn nguyên vẹn.

Một lần, tôi được nghe hai bậc trưởng lão đầu tóc bạc phơ, chỉ lên câu đối “trăm năm, nghìn năm” ấy mà thán phục: “Đúng là góc nhìn trí thức, giỏi, giỏi thật !”.

- Tại một nhà tang lễ hoành tráng ở cấp Trung ương có hàng ngàn người tham dự. Ông chủ tang lễ đọc điếu văn như sau: “Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để chia tay mãi mãi với ông bác sỹ X, người đã dành trọn cuộc đời để làm việc phúc đức là cứu nhân độ thế. Vĩnh biệt ông, chúng ta xin hứa sẽ noi gương ông, hết lòng vì người bệnh, hết lòng vì con người. Chúng ta xin hứa sẽ quyết giữ gìn Y đức, nâng cao suốt đời Y đạo để phục vụ tốt sức khỏe của đồng bào”. Chao ôi, cái giây phút cảm động và thiêng liêng ấy đã lấy đi biết bao nước mắt của các đồng nghiệp, của học trò, của người bệnh mà ông bác sỹ đã suốt một đời gắn bó, yêu thương. Có ai đã nói: “Hổ chết để da, người chết để lại tiếng thơm”. Da hổ bán rất đắt tiền, cái tiếng thơm của người tài, người hiền dù đã khuất núi cũng còn là “Bài học cuối cùng” dạy cho biết bao con người hậu thế hôm nay biết cách chọn cái nhân, cái đức làm lẽ sống chứ không phải chọn con đường vơ vét của cải, tiền bạc, chức tước để tự mình gây họa cho chính cuộc đời mình.

- Tại một nhà tang lễ cấp Quận, số người đi dự đám tang thưa thớt, chỉ thấy mấy vòng hoa nhỏ. Số người đứng túc trực quanh linh cữu người quá cố chỉ độ 5 – 7 người. Nhưng có một điều lạ là hễ ai tiến đến sát quan tài, lúc cắm nén nhang vào bát hương, cũng động lòng thương xót người quá cố mà nước mắt trào ra. Vì sao vậy? Vì người đã khuất đang nằm trong áo quan là một người hiền lành, tử tế, nhưng không may gặp phải cảnh đời éo le, vất vả. Ông nghèo quá, không vợ, không con, lại bị bệnh hiểm nghèo nên trước khi nhắm mắt bị bệnh tật hành hạ mà không có tiền chạy chữa, thuốc thang. Khu phố và bà con lối xóm đã đóng góp để lo cho ông đám tang này. Ai cũng ngậm ngùi khấn thầm: “Thôi, ông ra đi cũng là cách thoát khỏi một kiếp người đau khổ. Xin ông hãy yên giấc ngàn thu”. Ai cũng tự nhủ trong lòng: Có khi cái chết lại là một cách chấm dứt mọi khổ đau, cay đắng, nhọc nhằn mà kiếp người phải gánh chịu.

- Trưa hôm đó, phố Phùng Hưng đông nghẹt người. Tiếng còi ô tô, xe máy, cùng với tiếng than khóc tiếc thương vang một góc trời, làm ồn ào, tắc nghẽn cả một quãng đường dài. Hỏi thăm mới biết người chết là một doanh nghiệp giầu có. Ông có đến 4 – 5 cửa hàng to lớn, hoành tráng ở Hà Nội. Gia sản của ông có đến hàng chục triệu đô la Mỹ. Thế mà ông phải ra đi lúc 53 tuổi vì ung thư gan.

Hàng phố râm ran to nhỏ:

- Đấy, tiền có cứu được mạng người đâu.

- Thì ai chả biết đến câu: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ” (nghĩa là sống chỉ có hạn và chết có thể bất cứ lúc nào).

Hai ông già đứng trên vỉa hè, nhìn nhau ngán ngẩm rồi bình phẩm theo lối Tây học: “Đúng như lời thầy chúng ta khi xưa đã dạy: “Anh muốn đi tới nơi nào tùy ý, nhưng cuối cùng anh sẽ phải chết ở một chỗ đã định sẵn” (Va ōu tu veux, meurs ōu tu dois) ”. Từ câu bình phẩm này của hai ông già ta có thể hiểu “Bài học cuối cùng” nôm na là: Việc sinh tử không phải là việc con người có thể làm theo ý mình được.

Qua một số câu chuyện về “Bài học cuối cùng” đã kể ở trên, có thể tạm sơ kết: Trường Đại học đường đời, như cách nói của Maxim Gorki, là nơi ta phải học hỏi suốt đời, phải học tập mọi khía cạnh của cuộc đời đến hơi thở cuối cùng. Chắc chắn rằng trong số các lớp học của cái trường Đại học đường đời ấy, thế nào cũng phải có các nhà Vĩnh biệt, nhà Tang lễ, Nghĩa trang các cấp từ Xã đến Trung ương, để dạy cho con người những “Bài học cuối cùng”, để bổ sung cho giáo trình “Học làm người” một cách trọn vẹn.

2. Bài học cuối cùng trong văn chương chữ nghĩa:

Nếu ai đã nắm chắc quy luật sinh tử, nắm vững vòng đời “sinh, lão, bệnh, tử” thì họ chấp nhận sự ra đi rất thanh thản, không hề sợ hãi, không hề luyến tiếc. Một nhà thơ nữ Việt Nam đã viết: “Tôi không buồn những buổi chiều / Bởi vì tôi đã sống nhiều ban mai”.

Đáng quý biết bao nhiêu, đáng trân trọng biết bao nhiêu những lứa tuổi thanh xuân, những anh hùng liệt sỹ từ lúc trẻ tuổi đã biết tận tụy, hy sinh cho Tổ quốc, cho đồng bào để “Mãi mãi vẫn là tuổi 20” trong lòng đồng bào, dân tộc.

Đáng quý biết bao nhiêu nhà văn hóa H.Đ.T đã có những vần thơ sau đây để từ biệt con, cháu một cách nhẹ nhàng, thanh thoát: “Gió mát, trăng thanh buổi đẹp trời / Ngủ quên không dậy, việc thường thôi / Các con đừng trách chưa từ biệt / Cháu nhớ ông bà, tháng ngày trôi”.

Cũng qua những dẫn chứng đã nêu về những BHCC, chúng ta càng thấm thía hơn một kết luận: Cuộc sống mà chúng ta đang được hưởng thụ thật tươi đẹp, thật nhiều ý nghĩa nên phải trân trọng, yêu quý cái cuộc sống ấy. Như một bài hát thời Liên Xô đã từng cổ vũ biết bao thế hệ thanh niên trên toàn thế giới tiến lên với điệp khúc tha thiết mà sôi nổi: “Cuộc sống ơi, ta mến yêu người !”.

Như ai đó đã nói: “Quá khứ là điều đã qua, tương lai là bí mật, chỉ có ngày hôm nay là quà tặng của Thượng đế, phải biết cách sống tốt đẹp vì món quà tặng quý giá ấy”.

Người Anh cổ đại đề cao: “Hiện tại và ở đây” (Now and here), là nhắc nhở con người phải bám sát và trân quý cuộc sống quanh ta trong hiện tại, chớ nên suy nghĩ viển vông đến cái tương lai mờ mịt.

Đúng như đại văn hào Anh – Bernard Shaw (1856 – 1950) đã khuyên: “Đừng tiếc cái hôm qua, đừng đợi cái ngày mai và đừng bỏ cái hôm nay”. Đây là một trong những danh ngôn hay nhất của ông.

Còn bậc thầy Jean de la Fontaine (1621 – 1695) đã nói thẳng: “Thà là một người bình thường được sống trên đời còn hơn là một ông vua đã bị chôn vùi dưới đất” (Mieux vaut goujat debout l’empereur enterré). Vì sao như vậy? Vì chỉ có người còn sống, đang sống mới có khả năng sinh con đẻ cái, mới tạo ra được hạt lúa nuôi sống đồng loại, mới xây được cái cầu cho trẻ em hàng ngày cắp sách đến trường. Còn người đã chết thì không!

Cuộc sống vô cùng tươi đẹp, vô cùng có ý nghĩa thì đã rõ. Vấn đề chính là ở con người đang sống. Ai chịu thương, chịu khó, kiên nhẫn, bền bỉ, khiêm tốn học hỏi sẽ thành công, sẽ có cuộc sống có ý nghĩa. Ai tự cao, tự đắc, tự thỏa mãn, chủ quan sẽ thất bại và sinh ra bi quan, chán nản, oán hận cuộc đời.

Jean Jacques Rousseau đáng kính đã từng viết: “Người từng trải nhất không phải là người nhiều tuổi nhất, mà chính là người có kinh nghiệm phán đoán ở đời nhiều nhất. Có kẻ sống đến trăm tuổi mà như đã chết từ lúc lọt lòng” (L’homme qui a le plus vécu n’est pas celui qui a compté le plus d’anneés, mais celui qui a le plus senti de la vie. Tel, s’est fait enterrer ā cent ans qui mourut dès sa naissance).

Chao ôi, cuộc sống đầy gian lao, thử thách với thiên nhiên khắc nghiệt, với miếng ăn hàng ngày vất vả khó khăn, với lòng người đen bạc mà ta vẫn phải vượt qua, thật cũng sớm bạc tóc lắm sao ! Chả thế mà nhà thơ phương Đông – Lý Bạch đã phải thốt lên: “Trời đất là nơi quán trọ của vạn vật / Thời gian kia là khách đi qua của trăm đời / Cuộc phù sinh như giấc mộng / Tìm hoan lạc được là bao”.

Thế mới biết suy nghĩ đúng đắn về cuộc sống, suy nghĩ hợp lẽ về cuộc sống đâu có dễ.

Còn nói về cái mục đích của cuộc sống, tức là trả lời câu hỏi: “Anh sống để làm gì?”. Đã có nhiều lời giải đáp rất hay, rất đạo đức, rất thực tế, rất phong phú, rất uyên bác. Nhưng câu nói sau đây của George Eliot (1819 – 1880) mới thật hết sức giản dị, dễ hiểu và rất đáng kính trọng: “Chúng ta sống để làm gì, nếu chẳng phải để giúp đỡ cho đời sống của nhau bớt khốn khó đi” (What we do live for, if it is not to make lìfe less difficult to each other).

Trần Hữu Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/bai-hoc-cuoi-cung-tintuc412063