Bài học chống lũ lụt nghiêm trọng dựa trên tự nhiên của Trung Quốc

Thiệt hại lớn sau trận lũ lịch sử năm 1998 đã khiến Trung Quốc buộc phải đưa ra một chiến lược đối phó với thiên tai hiệu quả hơn như trồng rừng, phục hồi bãi bồi...

Bài học chống lũ lụt ở Trung Quốc

Mùa mưa ở miền Nam Trung Quốc năm nay kéo dài gần gấp đôi so với mọi năm. Lượng mưa kỷ lục khiến con sông Trường Giang dài nhất Trung Quốc tràn dọc vào bờ, gây ngập lụt cho các vùng trung lưu và hạ lưu sông.

Xiquan Dong, một chuyên gia về thời tiết khắc nghiệt tại Đại học Arizona, cho biết: “Một mùa mưa bình thường kéo dài khoảng 24 ngày, năm nay lên đến 43 ngày”.

Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, trận lũ lụt năm nay không thảm khốc như trận lũ lịch sử năm 1998. Một số chuyên gia môi trường đánh giá các chiến lược giảm nhẹ dựa vào thiên nhiên như trồng cây và khôi phục vùng ngập lũ đã giúp Trung Quốc giảm thiểu tình trạng ngập lụt.

Lũ lụt ở Trung Quốc.

Lũ lụt ở Trung Quốc.

Junguo, giáo sư chủ nhiệm Trường Khoa học và Kỹ thuật Môi trường thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ cho biết: “Năm nay lượng mưa cao hơn nhiều so với năm 1998, nhưng lũ lụt đã ít nghiêm trọng và ít gây thiệt hại hơn”.

Trận lũ lụt năm nay khiến 158 người chết và mất tích, hơn 400.000 ngôi nhà bị phá hủy. Trong khi đó, trận lụt năm 1998 đã giết chết hơn 3.000 người và khiến 15 triệu người mất nhà cửa.

Chính phủ Trung Quốc cho rằng lũ lụt năm 1998 là do những trận mưa lớn bất thường cũng như nạn phá rừng tràn lan và mật độ dân số cao dọc theo sông Trường Giang và các phụ lưu của nó.

Thảm họa năm 1998 đã khiến chính phủ Trung Quốc phải suy nghĩ lại hoàn toàn về việc quản lý lũ lụt. Cách tiếp cận mới được triển khai trong 10 năm sau trận lụt năm 1998 trong khuôn khổ “Chương trình Quốc gia về Biến đổi Khí hậu” đã chuyển trọng tâm sang các giải pháp dựa vào thiên nhiên để quản lý rủi ro lũ lụt.

Ông Liu nói: “Chắc chắn đây là một bước ngoặt rất quan trọng để chính phủ Trung Quốc nghĩ về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên”.

Trong nhiều thế kỷ, chiến lược kiểm soát lũ lụt của Trung Quốc dựa vào các con đê được xây dựng ở rìa bờ sông nhằm ngăn cách nước sông tràn bờ với khu vực người dân sinh sống và canh tác ở phía bên kia. Với hơn 30.000 km đê, Trung Quốc đã có một trong hầu hết các hệ thống đê lớn nhất trên thế giới.

Để khắc phục một số thiệt hại do hệ thống đê điều quá tải gây ra, Trung Quốc đã khởi động một số dự án phục hồi sinh thái lớn, trồng hàng tỷ cây xanh để ngăn dòng chảy ra sông và giữ thêm nước ở thượng nguồn.

“Chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng rất nhiều chương trình phục hồi rừng. Vì vậy, khi chúng ta trồng nhiều cây hơn ở thượng nguồn sẽ có thể làm giảm dòng chảy. Điều này rất hữu ích cho việc giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra” – ông Liu cho hay.

Liu cho hay các nghiên cứu của ông cho thấy tùy thuộc vào bối cảnh, địa hình, việc trồng rừng có thể giúp giảm lũ lụt tới 30%.

Ngoài ra, dự án "thành phố bọt biển" của chính phủ nhằm tăng không gian xanh và vỉa hè có khả năng thấm nước để hấp thụ nhiều nước mưa hơn trong các không gian đô thị dễ bị ngập lụt.

Jeff Opperman, trưởng nhóm khoa học về nước ngọt của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới cho biết kế hoạch mới cũng tập trung vào việc khôi phục các vùng ngập lụt dọc theo sông Trường Giang, những vùng trũng thường xuyên xảy ra lũ lụt.

“Bãi bồi là địa hình tự nhiên. Các con sông có xu hướng dâng cao và chiếm vùng đồng bằng ngập lũ một cách khá thường xuyên. Việc di dời người dân ra khỏi vùng ngập là cách tốt nhất để bảo vệ họ khỏi lũ và cho phép nước sông chảy tự do”.

Opperman cho biết lý tưởng nhất là chính phủ cần có các chính sách ngăn người dân sinh sống với mật độ cao tại những khu vực bãi bồi ngay từ đầu.

Sau trận lũ 1998, Chính phủ đã thuyết phục 2,4 triệu người phải rời khỏi vùng lũ sông Trường Giang, phục hồi hơn 2000km đất bãi bồi. Nếu không có những biện pháp này, thảm họa lũ lụt sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều.

David Shankman, chuyên gia về lũ lụt Trung Quốc tại Đại học Alabama, cho biết thuyết phục hàng chục triệu người di dời khỏi vùng đồng bằng ngập lũ sông Trường Giang gần như không thể vì đó là trung tâm vùng trồng lúa của Trung Quốc.

Nhiều gia đình đã sống ở đó qua nhiều thế hệ và không muốn từ bỏ nghề nông. Shankman cho biết, bất chấp những nỗ lực khuyến khích người dân rời khỏi vùng ngập lũ, dân số vẫn tiếp tục gia tăng khiến các khu vực chứa nước lũ thiết yếu bị thu hẹp, điều đó khiến tình trạng ngập lụt trở nên tồi tệ hơn.

Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc xây dựng các con đập trên sông Trường Giang và các nhánh của nó để giúp điều tiết nước lũ. Đập Tam Hiệp được hoàn thành vào năm 2006 đã giúp điều tiết lưu lượng nước trong năm nay hơn 30%. Dự án đã gây tranh cãi vì nó yêu cầu di dời 1,3 triệu người.

Đập Tam Hiệp.

Chuyên gia Xiquan Dong từ Đại học Arizona cho biết biến đổi khí hậu sẽ khiến tình trạng lượng mưa vượt ngưỡng trung bình trở nên phổ biến dọc sông Trường Giang.

“Với sự thay đổi khí hậu, nhiệt độ đại dương tăng lên khiến hơi nước hình thành nhiều hơn ở miền nam Trung Quốc. Các hiện tượng cực đoan như lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên hơn trước” – ông nói.

Các nước nên chuẩn bị sẵn sàng cho một thế giới mà ở đó những trận lụt dữ dội hơn sẽ xảy ra. Thách thức sẽ chỉ càng trở nên khó khăn hơn khi thế giới ngày một nóng lên. Lũ lụt sẽ không biến mất. Bạn phải lên kế hoạch cho nó vì đó sẽ là điều bình thường mới.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/bai-hoc-chong-lu-lut-nghiem-trong-dua-tren-tu-nhien-cua-trung-quoc-d162653.html