Bài học cho tuyển Việt Nam sau trận thua Trung Quốc

Đội tuyển Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung đã thấy những bài học sau kết quả có phần nghiệt ngã trước Trung Quốc.

Trên sân Sharjah rạng sáng 8/10 (giờ Hà Nội), HLV Li Tie đã phần nào gây bất ngờ trong đội hình xuất phát, khi Li Binbin cùng Zhang Yuning đá chính, còn tiền vệ cầm nhịp Jin Jingdao ngồi dự bị.

Sơ đồ 4-4-2 được ĐT Trung Quốc áp dụng. Binbin đá trong vai trò tiền vệ trái sở trường, còn Yuning bắt cặp với Elkeson trong vai trò tiền đạo.

Trung Quốc vận hành lạ, nhưng không hiệu quả

Không ngạc nhiên khi các cầu thủ áo đỏ cầm bóng nhiều hơn và qua đó cầm nhịp trận đấu. Điều đáng ngạc nhiên là ông Li Tie yêu cầu các cầu thủ thực hiện một hệ thống vị trí khá lạ mắt.

Trong bài phân tích trước trận, chúng ta đã nắm rõ về cách chọn vị trí có tính bất đối xứng ở hai cánh của Trung Quốc. Tiền vệ cánh trái thường ôm sát đường biên, còn tiền vệ phải Wu Lei lại chọn vị trí ở bên trong.

Hậu vệ biên ở hai cánh cũng vì thế mà hoạt động khá khác nhau. Wang Shenchao ở bên trái là một cầu thủ thuận chân phải và ít có những pha chồng biên, thay vào đó anh tham gia làm bóng nhiều từ vị trí tuyến dưới. Còn bên đối diện luôn là một gương mặt thiên hướng tấn công, đứng cao và sẵn sàng băng tốc độ theo chiều dọc, trong trận này đó là Wang Gang.

 Hệ thống vị trí của Trung Quốc trước Việt Nam.

Hệ thống vị trí của Trung Quốc trước Việt Nam.

Điểm nhấn lạ nằm ở số 10 Zhang Xizhe. Trên lý thuyết, đây là cầu thủ đá cặp tiền vệ trung tâm với đội trưởng Wu Xi. Còn thực tế là anh thường xuyên di chuyển mở rộng ra tới tận đường biên ngang bên trái.

Ngoài ra, với việc Yuning chơi cao nhất, tiền đạo nhập tịch Al Kesen thường có xu hướng chọn vị trí ở bên trong bên trái khá rõ, gần như đối lập với Wu Lei. Cách chọn vị trí này khiến cho ở nhiều thời điểm khi Xizhe có mặt ở trung lộ, Trung Quốc gần như chơi với một sơ đồ 3-4-3 để triển khai tấn công.

Hệ thống tạo hình như 3-4-3 của Trung Quốc.

Sơ đồ 4-4-2 nghiêng về bên trái, và tới 54,5% các pha bóng của Trung Quốc được triển khai theo hướng này. Đồ họa: the-afc.com..

Dù vậy, sự lạ mắt này hầu như không mang tới hiệu quả quá rõ ràng, vì một lý do quan trọng: cách sử dụng trái bóng.

Trung Quốc vẫn thực hiện rất nhiều các tình huống câu bổng nhắm vào sau lưng hàng hậu vệ của Việt Nam. Trong khi đó, để tận dụng tốt một hệ thống vị trí như họ đã làm thì cần nhiều hơn các tình huống phối hợp với trái bóng lăn trên mặt cỏ, cùng các tình huống tấn công vào khu vực giữa hai tuyến phòng ngự. Họ chỉ làm được điều này một lần duy nhất ở phút 27 của trận đấu.

Việt Nam "bất ngờ" khi được cầm bóng

Trên thực tế, nhìn lại hiệp một của trận đấu, Trung Quốc chỉ có 5 cú dứt điểm, ít hơn Việt Nam tới 2 lần. Ngoài pha đệm bóng hụt của Yuning ở phút thứ hai của trận đấu, 4 lần còn lại đều chỉ đến từ tình huống cố định.

Đã có những thời điểm ngay ở hiệp một, Việt Nam đã có không gian và thời gian rõ ràng để cầm bóng. Thế nhưng, điều này dường như đã làm cho chúng ta bất ngờ, thậm chí có phần... bối rối.

Sự bối rối có thể nhìn thấy rõ nhất ở Quế Ngọc Hải. Chàng thủ quân đã có một hiệp thi đấu tương đối đáng quên về mặt triển khai bóng, khi có những thời điểm anh thực hiện những cú phất dài không dành cho ai, dẫn tới việc quyền kiểm soát dễ dàng quay về với Trung Quốc.

Bản đồ chuyền bóng của Quế Ngọc Hải trong hiệp một - Đồ họa: the-afc.com.

Dù vậy, vẫn có những điểm sáng như Vũ Văn Thanh, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tuấn Anh và đặc biệt là Nguyễn Hoàng Đức. Họ đã chủ động cầm bóng, đập nhả, rê dắt qua người để tạo ra những điểm sáng.

Những sai lầm của Việt Nam

Trung Quốc không đẩy lên áp sát từ xa thường xuyên ở trận đấu này, và đó là một phần lý do giúp chúng ta cầm bóng được nhiều hơn. Thậm chí, chính các cầu thủ Việt Nam đã đẩy lên áp sát đối thủ tới tận vòng cấm địa ở đầu hiệp hai. Tiếc rằng, cách chơi này là điểm sai lầm thứ nhất.

Có thể nghe thấy khá rõ tiếng chỉ đạo yêu cầu dâng lên của ban huấn luyện ĐT Việt Nam. Và cũng từ pha bóng đầu tiên ở phút thứ 46, ngay lập tức dấu hiệu không lành đã xuất hiện.

Pha áp sát thiếu đồng bộ đầu tiên của Việt Nam.

Dễ thấy trong pha bóng này, đường chuyền tầm trung của Trung Quốc đã khiến Tuấn Anh khó khăn với Wu Lei. Trong khi đó, Duy Mạnh gặp bối rối vì không thể bám theo Wu Lei vì đối thủ đã bỏ đi quá xa, cùng lúc anh đã để lại khoảng trống ở vị trí của mình.

Việc áp sát từ xa đòi hỏi ba điều. Thứ nhất, nhóm các cầu thủ áp sát trên cao phải đồng bộ và quyết liệt. Thứ hai, nhóm các cầu thủ tuyến sau phải có hệ thống chống phản công sau lớp áp lực. Thứ ba, các hậu vệ dưới cùng phải sẵn sàng đón rủi ro nếu bóng lọt qua được hai lớp nói trên, hay nói cách khác phải mang đến được sự tự tin về tranh chấp tay đổi và càn quét.

Cả ba yếu tố kể trên đều không được thể hiện rõ. Tuyến trên để đối thủ có cơ hội chuyền lên, khu vực hai gần như vắng bóng, còn các hậu vệ dưới cùng khó có thể xem là đủ tự tin để đối đầu với những "máy chạy" như Wu Lei, Yuning hoặc có thể tranh bóng bổng tốt với Elkeson.

Pha bóng ở phút thứ 48 tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh cho Việt Nam, lần này là cú phất dài.

Tuyến trên áp sát không đủ quyết liệt, một số cầu thủ đã đi bộ.

Trong pha bóng này, khi Yuning lùi sâu để đón bóng bằng đầu, Quế Ngọc Hải cũng đã không theo hết. Sự hỗ trợ của Wu Lei và Al Kesen sau đó đã dẫn tới pha bóng mà Trung Quốc tiến vào vòng cấm địa của Việt Nam.

Bàn mở tỷ số đến đúng từ kịch bản này. Từ một đường chuyền hỏng của Tiến Linh ở phút thứ 52, Việt Nam bám theo bóng để áp sát tận vòng cấm địa của đối thủ. Tuy nhiên, không có gương mặt nào ở hệ thống tuyến hai nào để phụ trách cú phất dài lên vị trí Al Kesen. Duy Mạnh đã phải bỏ vị trí lao lên, và cũng chính khu vực của anh là nơi bị xuyên phá.

Pha bóng dẫn đến bàn mở tỉ số cho Trung Quốc.

Còn ở 2 bàn thua cuối, thật đáng tiếc cho cầu thủ trẻ Nguyễn Thanh Bình, người đã có một năm 2021 không thể tốt hơn. Từ vị thế một cầu thủ trẻ, Bình đã có cơ hội đá chính thường xuyên sau chấn thương của các đàn anh tại CLB Viettel, từ đó được triệu tập lên ĐTQG.

Việc Thanh Bình được lựa chọn vào sân chứ không phải Bùi Hoàng Việt Anh, một cầu thủ cùng lứa nhưng đã "ăn cơm tuyển" từ lâu trước Bình, đã cho thấy sự tin tưởng của BHL.

3 lần liên tiếp Thanh Bình bị Wu Lei chạy sau lưng vượt lên để ghi 2 bàn.

Thế nhưng, đúng như ông Park Hang Seo đã nói trong cuộc họp báo sau trận: Nếu có trách, hãy trách HLV, chứ không nên trách các cầu thủ, bởi sai lầm của Bình không phải sai lầm duy nhất trong trận đấu này.

Bài học cho cả tương lai

Việc Trung Quốc không cầm trịch trận đấu trong phần lớn thời gian là một điểm tương đối bất ngờ. Trên thực tế, sự đa dạng của bóng đá đồng nghĩa rằng đã, đang và sẽ luôn có những thế trận như vậy, khi đội được đánh giá mạnh hơn phải chia sẻ quyền kiểm soát với đội yếu hơn.

Hãy nghĩ tới những điều chúng ta có khả năng, có thể làm được. Hình ảnh Tuấn Anh, Văn Thanh đập nhả tự tin là một yếu tố. Hình ảnh Hoàng Đức chủ động điều tiết nhịp độ, xin bóng từ các đàn anh tuyến dưới để luân chuyển thay vì né tránh và dẫn tới những cú phất dài. Và đặc biệt là, hình ảnh bàn thắng của Tiến Linh.

Tình huống phối hợp dẫn tới bàn gỡ hòa 2-2.

Bàn gỡ hòa ấy diễn ra trong bối cảnh đội hình của Việt Nam cùng nhau tiến về phía trước bằng các pha luân chuyển ngắn, thế nên dù dâng cao, cự ly đội hình được giữ rất tốt. Hồ Tấn Tài và Nguyễn Văn Toàn đóng vai trò ôm sát hai đường biên dọc, từ đó kéo giãn đối thủ và tạo ra các khoảng trống, các khe trung lộ.

Hoàng Đức chuyền xuyên tuyến tìm thấy Công Phượng ở giữa hai hàng ngang áo đỏ. Phượng cầm bóng chắc chắn, xoay lên và lại một đường chuyền tấn công vào không gian giữa hai tuyến.

Quang Hải vẫn là một bậc thầy như thường lệ, nhịp khống chế bóng vừa đủ để khiến đối thủ bị thu hút, vừa đủ để vào đà chọc khe. Tiến Linh di chuyển hoàn toàn đúng nhịp, và pha làm bàn như một đường chuyền vào góc lưới chứ không phải cú dứt điểm băm bổ thiếu bình tĩnh, thiếu tính toán nào đó.

Việt Nam không cần cầm bóng 70%, không cần áp đảo, không cần chiến thắng mọi pha kề vai đọ cơ bắp. Chúng ta cần chơi bóng theo cách phù hợp với mình. Chúng ta cần sự chủ động.

Bàn thắng của Tiến Linh diễn ra trong bối cảnh Việt Nam bám đuổi tỷ số, gần như là một quãng thời gian "liều".

Đã đến lúc BHL của đội tuyển nói riêng và nền bóng đá Việt Nam nói chung nghĩ kỹ về thực tế. Có lẽ, chúng ta đủ khả năng để chơi bóng một cách chủ động hơn.

Tuyển Việt Nam sở hữu thống kê có phần nhỉnh hơn Trung Quốc nhưng lại thất bại bởi bàn thua vào phút chót. Đồ họa: Minh Phúc.

Highlights tuyển Trung Quốc 3-2 Việt Nam: Bàn thua phút 90+5 Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo để thua ở những giây cuối cùng trong trận gặp Trung Quốc tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 diễn ra rạng sáng 8/10 (giờ Hà Nội).

Dũng Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-hoc-cho-tuyen-viet-nam-sau-tran-thua-trung-quoc-post1269293.html