Bài học cho những 'anh hùng bàn phím'

Nguyên tắc hàng đầu trên toàn thế giới của những người làm báo, những người ghi nhận phản ánh thông tin là trung thực, chính xác, dấn thân.

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Ở Việt Nam, nguyên tắc đó có thể tóm gọn trong thành ngữ “lời nói, đọi máu”. Mỗi lời nói đưa ra, người nói phải coi trọng, phải có trách nhiệm kèm theo nặng nề quý giá như những bát (đọi) máu; mỗi lời nói mình đưa ra phải cẩn trọng cân nhắc hệ lụy, hậu quả; mỗi thông tin mình phản ánh phải kiểm chứng rõ ràng để tránh trả giá bằng những “đọi máu” cho mình hay xã hội.

Ở thời “cuồng” mạng xã hội, thời nhiều người hiểu sai nghiêm trọng về khái niệm “nhà báo – công dân”, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội đã mù tịt nguyên tắc tối quan trọng đó. Thế nên mới có chuyện chỉ trong vài ngày, cơ quan chức năng đã xử phạt hàng trăm người tung tin đồn nhảm về dịch do virus Corona gây ra. Mức xử phạt theo quy định không nhỏ, lên tới hàng chục triệu đồng.

Nhìn những bức ảnh chụp cảnh những đối tượng vi phạm ký biên bản tại cơ quan công an, vừa thấy thương, vừa thấy giận. Thương vì đó là những thanh niên, công nhân, nghệ sĩ phải chịu chế tài, bị phạt số tiền có thể bằng vài tháng lương, chỉ vì đơn thuần thiếu hiểu biết, “nghiện” mạng xã hội, muốn chứng tỏ mình “thạo tin”, hay muốn “câu view”… Giận vì đó là những đối tượng đã có hành vi khiến dư luận hoang mang.

Hệ lụy của hành vi tung tin đồn nhảm trong dịch bệnh là rất nặng nề, đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ thường kỳ đã chỉ đạo rõ, nhấn mạnh: “Phải xử lý nghiêm các trường hợp tung tin thất thiệt về dịch bệnh”.

Có thể nói chưa khi nào Chính phủ cương quyết xử lý mạnh tay những đối tượng tung tin đồn nhảm như hiện nay. Âu cũng là một bài học đắt giá cho mọi người trong thời @, thời internet. Xu thế báo chí công dân là bất biến trên toàn thế giới, nhưng đừng nhầm tưởng hiểu sai về khái niệm “nhà báo – công dân” rồi gây hại cho xã hội.

Tất cả các nghiên cứu đã khẳng định mạng xã hội có thể “nhanh nhảu” thông tin những việc rất cụ thể, nhưng “hổ lốn”, không sàng lọc. Báo chí thì ở một đẳng cấp khác, không chỉ phản ánh có kiểm chứng, mà phải dấn thân để ghi nhận sự thật, phản ánh sự việc ở nhiều góc độ khác nhau, có tính định hướng theo chuẩn mực xã hội và luôn nằm lòng nguyên tắc “lời nói, đọi máu”.

Việc Chính phủ cương quyết xử lý mạnh tay những đối tượng tung tin đồn nhảm, cũng là một động thái để bất kỳ người nào sử dụng mạng internet càng phải hiểu được quy định pháp luật đã rất rõ ràng: Mạng không “ảo”, thông tin không thể thiếu trách nhiệm, những lời bịa đặt sẽ không dễ bị “gió bay”.

Hà Ánh Bình

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/bai-hoc-cho-nhung-anh-hung-ban-phim-492859.html