Bài học cảnh tỉnh

Sinh thời, Bác Hồ dạy 'Làm công an không phải làm 'quan cách mạng'. Làm công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân'. Chữ 'quan cách mạng' trong câu nói của Bác Hồ có ý nghĩa thời sự với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt chú ý đến hành vi sai phạm liên quan đến 3 cán bộ, chiến sĩ CAND. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thi hành kỷ luật giáng cấp bậc hàm, cho ra khỏi ngành đối với Đại úy Lê Thị Hiền, cán bộ Công an quận Đống Đa, Hà Nội; giáng cấp bậc hàm, cho ra khỏi ngành đối với Thượng úy Nguyễn Xô Việt, cán bộ Công an thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên; tước danh hiệu CAND đối với Thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu. Đây là 3 vụ việc gây dư luận xấu trong thời gian qua, báo chí, mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết, bình luận, clip phê phán, chỉ trích...

Trong 3 vụ việc trên thì 2 trường hợp liên quan đến hành vi, ứng xử của người cán bộ, chiến sĩ CAND; riêng vụ việc ông Thái Đình Hoài sử dụng bằng cấp giả, cơ quan chức năng đã thẩm tra, kết luận, xử lý theo quy định Luật Cán bộ, viên chức và các văn bản pháp luật liên quan.

Hành vi của nguyên Thượng úy Nguyễn Xô Việt và nguyên Đại úy Lê Thị Hiền là giao tiếp, ứng xử nơi công cộng, được ghi lại bằng clip và sau đó phát tán trên mạng xã hội, báo chí với tốc độ lan truyền chóng mặt, ảnh hưởng đến hình ảnh người chiến sĩ CAND. Do đó, vấn đề này cần được đánh giá, nhìn nhận thấu đáo và là bài học thời sự cảnh tỉnh mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND.

Xét về hành vi của nguyên Đại úy Lê Thị Hiền và nguyên Thượng úy Nguyễn Xô Việt là vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật. Trong CAND cũng quy định rất rõ hành vi, chuẩn mực ứng xử, trong đó có cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Hành vi của nguyên Đại úy Lê Thị Hiền chửi mắng bằng lời lẽ miệt thị, thậm chí thô tục ngay tại sân bay không những xúc phạm người khác mà còn gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự người CAND.

Đối với hành vi của nguyên Thượng úy Nguyễn Xô Việt (cho con lấy xúc xích, không trả tiền, khi bị nhân viên bán hàng nhắc nhở thì tỏ ra thách đố, lăng mạ và ném xúc xích vào nhân viên, hành hung bảo vệ), cho thấy ý thức đạo đức rất kém, xúc phạm người khác và gây rối, hành hung tại nơi công cộng. Cả hai hành vi trên đều được ghi lại bằng clip và gây bức xúc trong dư luận.

Ở đây, cần xét: Hành vi mang tính nhất thời hay bộc lộ bản chất? Việc chửi mắng, trong cuộc sống, chúng ta khó tránh khỏi, nhất là khi bức xúc nhất thời. Nhưng, trong hai trường hợp này không còn là sự nóng giận tức thời mà thể hiện ý thức kém, bộc lộ bản chất, lối sống sai lệch, thiếu tu dưỡng rèn luyện mà dẫn tới ứng xử như trên.

Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” đem lại ý nghĩa thiết thực, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân.

Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” đem lại ý nghĩa thiết thực, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân.

Sinh thời, Bác Hồ dạy “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”. Chữ “quan cách mạng” trong câu nói của Bác Hồ có ý nghĩa thời sự với mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND. Công an được pháp luật giao những quyền năng đặc biệt mà ngành khác không có, người cán bộ, chiến sĩ công an khi đảm nhận quyền năng đó phải ý thức được trách nhiệm và quyền hạn của mình.

Hãy luôn nhớ rằng: Quyền hạn là luật pháp giao thì phải làm đúng hành lang luật pháp và quyền hạn đó là để phục vụ công việc, phục vụ nhân dân. Nếu ai đó nhận thức rằng, vì quyền năng đó mà mình lớn hơn, oai hơn, ghê gớm hơn, phải thể hiện cho người khác “biết mình là ai”, lợi dụng quyền năng đó để mưu lợi cá nhân thì đó là nhận thức sai lầm, chính là biểu hiện của tư tưởng “quan cách mạng”. Khi xem những clip này, chúng ta ai cũng buồn lòng với cách ứng xử không đạt mức cơ bản. Đó là hành vi thể hiện thái độ coi thường người khác, ngộ nhận về vị trí của mình “là công an thì phải thế này, thế kia”!

Trong công việc, trong cuộc sống, nếu ai đang có suy nghĩ đó, quan điểm đó thì hẳn đây là bài học hữu ích cho mình, bài học của người mà cảnh tỉnh chính mình. Nếu nghĩ mình “quan cách mạng” thì sẽ hành động sai lệch, sai không ở nơi này thì nơi khác, lúc này hay lúc khác.

Cần thấy rằng, sai phạm ở đây là về hành vi, ứng xử với người dân, nơi công cộng, không phải trong khi thi hành nhiệm vụ. Vụ việc một cá nhân hiển nhiên không thể đánh đồng thành tập thể, càng không suy diễn vấn đề chung của lực lượng. Vừa qua đã có những bài viết trên mạng internet, phát biểu đặt vấn đề theo hướng này, nhìn nhận thành việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của lực lượng CAND “có vấn đề”.

Việc hướng lái, suy diễn như vậy là sai lệch, gây dư luận không tốt, dễ bị thế lực xấu lợi dụng, đẩy vụ việc sang hướng khác. Chúng ta không thể lấy hiện tượng để nói bản chất, không lấy cá nhân để quy chụp đến uy tín, danh dự lực lượng.

Thực tế, qua các vụ việc trên cho thấy quan điểm xử lý khách quan, nghiêm minh của Bộ Công an và công an các địa phương, được dư luận ghi nhận, đánh giá cao. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc Bộ Công an xử lý nghiêm khắc, kịp thời 3 cán bộ có hành vi vi phạm, gây bức xúc dư luận thể hiện tính nghiêm minh của lực lượng bảo vệ pháp luật.

“Tôi cho rằng cách thức xử lý đó không chỉ là răn đe mà thể hiện tính kỷ luật cao. Lực lượng vũ trang không cho phép những cán bộ, chiến sĩ như vậy. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương xảy ra những cán bộ có hành vi vi phạm rất kịp thời, rất nghiêm túc và cương quyết, thể hiện quyết tâm rất cao để xây dựng lực lượng công an của chúng ta trong sạch, vững mạnh” - đại biểu khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thì cho rằng, những cán bộ như Lê Thị Hiền, Nguyễn Xô Việt... chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Việc Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương xử lý nghiêm khắc với 3 cán bộ công an có sai phạm này được dư luận đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với lực lượng CAND, khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an, công an các địa phương trong việc làm trong sạch lực lượng, củng cố hình ảnh của người chiến sĩ công an trong xã hội.

Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng thể hiện rõ tinh thần này, mục đích là xử nghiêm sai phạm không chỉ nhằm xử phạt cá nhân vi phạm mà ý nghĩa lớn hơn để giữ nghiêm kỷ cương phép tắc nhằm giáo dục, phòng ngừa chung, cảnh tỉnh, răn đe chung. Lâu nay, bằng nhiều biện pháp, lực lượng CAND đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 04/CT-BCA của Bộ Công an.

Cuộc vận động này đã giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, chiến sĩ CAND nhận thức sâu sắc về tình hình, nguyên nhân, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tự soi mình, tự sửa chữa khuyết điểm; vai trò gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị được đề cao; khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Chúng ta đang sống trong môi trường mạng không còn ảo mà là thật. Nhiều người nói: Nếu vụ việc đó xảy ra như ngày xưa, không camera, không mạng internet thì hẳn kết cục đã khác. Và nếu vụ việc không được camera ghi lại, đưa lên mạng internet, sự thể cũng sẽ không như vậy. Về vấn đề này, chúng tôi thấy rằng, phải đặt mình trong bối cảnh hiện tại để sống và hành động, ứng xử sao cho đúng, cho chuẩn mực.

Hành vi sai phạm xảy ra nơi công cộng, tác động tiêu cực của nó lớn hơn nhiều và khi đưa lên mạng internet, sự lan truyền còn gấp bội. Khi xét kỷ luật, cơ quan chức năng tính đến yếu tố hậu quả, tác hại của hành vi. Cùng là hành vi sai phạm nhưng khi clip sai phạm bị đưa lên mạng sẽ gây dư luận xấu, mức độ ảnh hưởng, tác hại của nó rất ghê gớm, không thể lường và người có hành vi sai phạm phải chịu trách nhiệm về hậu quả đó. Mỗi người phải ý thức được điều đó để điều chỉnh ý thức, hành vi.

Trong thời đại ngày nay, camera, mạng internet khiến sự giám sát của người dân, của xã hội đối với hành vi con người ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn; điều đó phát huy quyền giám sát của người dân với cán bộ ở mức cao, đồng thời đòi hỏi cán bộ phải tu chỉnh, phải ý thức rèn luyện cao hơn. Chính dư luận mạnh mẽ cũng khiến cơ quan chức trách vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và hành động cương quyết hơn. Tác động đó là biện chứng hai phía. Song, cũng cần thấy rằng, môi trường mạng khiến chúng ta bị cuốn vào hành vi, sự việc theo góc chiếu tiêu cực nhiều khi quá đà, quá mức.

Như các vụ việc trên, dư luận, báo chí, mạng xã hội nói nhiều, phê phán, chỉ trích mạnh mẽ, trong khi thực tiễn cuộc sống, có bao nhiêu hành động đẹp, ứng xử đẹp của người cán bộ, đảng viên, của người chiến sĩ CAND dù được thông tin đậm trên báo chí nhưng chưa tạo sự lan tỏa, quan tâm của dư luận. Điều đó hẳn vì đặc điểm tâm lý tò mò chuyện xấu, dửng dưng chuyện tốt trong bộ phận không nhỏ người Việt Nam ta.

An Nhi

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/bai-hoc-canh-tinh-571480/