Bài hát 'Tiến về Sài Gòn' ra đời khi nào?

Là người Việt Nam, có lẽ không ai không biết bài hát 'Tiến về Sài Gòn' của Huỳnh Minh Siêng - một bút danh khác của nhạc sỹ nổi tiếng Lưu Hữu Phước gắn với những ca khúc cách mạng được ra đời trước ngày giải phóng miền Nam.

Nếu ai đó không thuộc cả bài hát thì ít nhất cũng nhiều lần được nghe và nhập tâm một câu như tiếng reo vang của khúc khải hoàn ca: “Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây!". Đây là một trong những ca khúc mẫu mực nhất cho thể chính ca (viết về những sự kiện chính trị đang diễn ra), loại ca khúc quần chúng (chanson populaire).

Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) là hầu như khắp nơi trên đất nước ta lại vang những âm điệu cực kỳ hào sảng khiến lòng người vô cùng náo nức, phấn khích với những lời ca giàu sức biểu cảm: “Nơi thành đô trong ánh điện quang, tiếng nấc nghẹn câu cười/ Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày/ Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người/ Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây!”.

Nghe những lời hát trên, lại gắn với sự kiện long trời lở đất diễn ra vào ngày 30/4/1975, ai cũng nghĩ bài hát được tác giả viết ra ngay sau thời điểm lịch sử trọng đại ấy. Bản thân tôi cũng từng đinh ninh như vậy. Trong nhiều chương trình biểu diễn những ca khúc cách mạng liên quan đến mốc thời gian trên, công chúng đều được nghe người dẫn chương trình (MC) giới thiệu là bài hát ra đời sau ngày lịch sử vĩ đại đó.

Cố nhạc sỹ Lưu Hữu Phước và cố NSƯT Quang Hưng.

Cố nhạc sỹ Lưu Hữu Phước và cố NSƯT Quang Hưng.

Một số tập sách sưu tầm, tuyển chọn những ca khúc cách mạng được sắp xếp theo thứ tự thời gian cũng xếp “Tiến về Sài Gòn” của Lưu Hữu Phước ở phần ra đời sau ngày 30/4/1975. Có cuốn còn nói rõ thời điểm ra đời là tháng 5/1975 – tức ngay sau ngày giải phóng miền Nam để cho tác phẩm thêm tính… sốt dẻo (!).

Nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy. Khi Lữu Hữu Phước chưa qua đời, trong một lần gặp ông, tôi được ông nói rõ về sự ra đời cũng như số phận đặc biệt của bài hát này. Theo đó, ngay sau ngày Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập vào ngày 20/12/1960 – là kết quả của phong trào đồng khởi khi đó được đẩy lên rất cao mà tiêu biểu là ở tỉnh Bến Tre vào những năm 1959 -1960, tiếp theo thành công rực rỡ của bài “Giải phóng miền Nam” là bài hát chính thức của tổ chức này (“Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước/ Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước…”), nhạc sỹ có ý định viết tiếp một bài hát hướng đến ngày cụ thể là giải phóng Sài Gòn để cổ vũ, khích lệ quần chúng khắp miền Nam đứng lên lật đổ chính quyền của Mỹ - ngụy, giành độc lập tự do một cách triệt để (Lưu Hữu Phước rất sở trường sáng tác thể loại chính ca với hàng loạt bài đã ra đời trở nên nổi tiếng trước đó như “Lên đàng”, “Xếp bút nghiên”, đặc biệt là bài “Tiếng gọi thanh niên” - chính quyền của Bảo Đại rồi sau đó là Ngô Đình Diệm lấy làm quốc ca cho chính thể của họ) và đỉnh cao là “Giải phóng miền Nam” vừa nói.

Nhưng những năm tháng này, ông bận quá nhiều công việc nên đã không thể dồn tâm trí để viết nên bài hát. Đến năm 1966, phong trào chống Mỹ cứu nước ở khắp hai miền Nam, Bắc mỗi lúc mỗi phát triển mạnh hơn, càng thôi thúc Lưu Hữu Phước. Ông cho biết, mặc dù đã gặt hái được những thành công trong quá khứ ở thể chính ca nhưng vẫn “bí” bởi muốn đạt được hiệu quả cao nhất và phải thoát ra được cái bóng của chính mình. Rất nhiều chủ đề âm nhạc được hình thành nhưng không thể phát triển tiếp. Có bài ông đã viết được hết đoạn A nhưng hát đi hát lại thấy chưa ưng ý, đã bỏ đi không thương tiếc.

Sau phải đến mấy tháng tìm tòi ý tứ, khai thác chất liệu âm nhạc, lựa chọn khúc thức rồi sửa chữa, tu chỉnh, cuối cùng “Tiến về Sài Gòn” ra đời. Sợ mình chủ quan, ông hát cho nhiều anh em trong cơ quan nghe để xin ý kiến của họ. Tất thảy đều tán thưởng, nhanh thuộc và say sưa hát, ông mới “chốt” bài hát và yên tâm về đứa con tinh thần mới của mình với hy vọng sẽ có sức sống tốt.

Một năm sau -1967 - trong lần ra Bắc công tác, Lưu Hữu Phước trao bài hát cho Quang Hưng, là ca sỹ của Đoàn Văn công Quân giải phóng và đang chuẩn bị cùng một đoàn nghệ thuật Việt Nam sang biểu diễn ở 8 nước XHCN. Với giọng hát Nam Bộ, lại không phải là ca sỹ, Lưu Hữu Phước hát qua cho ca sỹ nghe. Quang Hưng nghe một lần đã “cảm” bài hát và tỏ ra rất vui khi được nhạc sỹ tin tưởng trao gửi tác phẩm nơi mình. Nhạc sỹ nói với ca sỹ:

- Mình nhờ Hưng hát giúp bài này nhưng đây không phải là một lần tập rồi thu âm bình thường, mà là rất đặc biệt. Và thu xong, không phát bài hát ngay như thông lệ mà để dành. Còn để dành đến bao giờ thì phụ thuộc vào diễn tiến công cuộc kháng chiến của chúng ta.

Quang Hưng hiểu ý và thấy rất hồi hộp.

Nhạc sỹ nói tiếp:

- Hưng sẽ thu thành 2 giọng cho mình, một Bắc, một Nam để tiện sử dụng.

Sau đó, Quang Hưng tiến hành tập bài hát. Việc thâm nhập vào tác phẩm đối với một ca sỹ được đào tạo thanh nhạc chính quy ở nước ngoài không khó. Nhưng hát cho ra giọng Nam Bộ thì không đơn giản. Sinh thời, ca sỹ cho biết, thời gian đó, suốt ngày ông mở đài nghe các buổi phát thanh của Đài Giải phóng để nghe giọng nói của các phát thanh viên bởi họ đọc các bản tin nghe rất rõ lời và rất “chuẩn”.

Cứ cất lời nói với vợ con trong nhà là ông lại nói tiếng Nam Bộ để mọi người nghe thử xem sao. Đến khi họ nhận xét là được thì ông lại tập hát. Nhưng tập hát khó hơn nhiều vì phải tuân thủ giai điệu. Người nhà kêu rằng có chỗ vẫn còn lộ rõ tiếng Bắc, chưa giống tiếng Nam Bộ như khi nói. Quang Hưng lại phải kỳ công tập thêm.

Cuối cùng, chỉ đến khi Lưu Hữu Phước nghe và chấp nhận, ca sỹ mới yên tâm bước vào phòng thu thanh. Nhưng buổi thu bị kéo dài vì Quang Hưng phải thu đi thu lại nhiều lần do có những tiếng phát âm vẫn lộ giọng Bắc. Tuy nhiên, cuối cùng, do sự kiên trì, nỗ lực vượt bậc, đã thành công. Ai nghe thử cũng trầm trồ tán thưởng cái giọng “giả Nam Bộ” của Quang Hưng rất giống người dân "chính hiệu nơi đây.

Có được hai băng bài hát trong tay, Lưu Hữu Phước cất rất cẩn thận bản tiếng Bắc. Bản còn lại - tiếng Nam Bộ - ông trở vào miền Nam trao cho người chịu trách nhiệm chỉ huy một tốp chiến sỹ có trách nhiệm tiến vào đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn trong dịp quân ta nổi dậy, tổng tiến công vào mùa xuân Mậu Thân (1968). Nhưng trận đánh này cuối cùng không thành công. Các chiến sỹ đã hy sinh. Và cuốn băng cũng bị thất lạc.

Sau khi thu thanh bài hát, Quang Hưng đã bổ sung vào danh sách những tiết mục sẽ biểu diễn ở nước ngoài trong lần ông cùng đoàn nghệ thuật sang biểu diễn ở 8 nước XHCN ngay sau đó. Hát ở đâu, “Tiến về Sài Gòn” cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Rất nhiều người ở các nước đó đã xin bài hát và nhờ Quang Hưng dạy.

Tại Cuba, Chủ tịch Fidel Castro đặc biệt ưa thích bài hát này do Quang Hưng đã hát rất thành công tại Festival mang tên “Ca khúc phản kháng” do Fidel thành lập. Cũng tại đây, một nghệ sỹ người Anh có tên Ewan Maccoll đã tập bài hát này và đổi lại, dạy Quang Hưng hát bài “Bài ca Hồ Chí Minh”. Về nước, ông đã thu thanh bài hát này trên Đài Tiếng nói Việt Nam và biểu diễn ở khắp nơi khiến công chúng rất ưa thích.

Mùa xuân năm 1975, sức tấn công của chúng ta như vũ bão. Không gì có thể ngăn cản bước tiến thần tốc của những cánh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Lưu Hữu Phước lại như lần trước - mùa xuân năm 1968 - trao băng thu âm bài hát còn lại (tiếng Bắc) cho người chỉ huy đội quân tiến vào Sài Gòn tiếp quản Đài phát thanh. Lần này, cuộc tổng tiến quân của ta đã thắng lợi mỹ mãn. Chế độ ngụy sụp đổ. Toàn miền Nam được giải phóng. Đất nước thống nhất, thu về một mối.

Trưa 30/4/1975, khi trên Đài Sài Gòn mới vừa còn phát những bài hát sướt mướt, nỉ non thì liền sau đó là lời Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chế độ Việt Nam cộng hòa khi đó - tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng vô điều kiện. Và khi tiếng viên tướng này vừa dứt thì ngay lập tức vang lên âm điệu hùng tráng, hào sảng của bài hát “Tiến về Sài Gòn” qua giọng hát của Quang Hưng.

Thật đúng lúc. Bài hát vang lên vô cùng ý nghĩa. Người dân cả Sài Gòn đổ hết ra đường đón mừng chiến thắng. Bài hát được phát đi phát lại nhiều lần khiến nhiều người dân đã thuộc. Chỉ hơi tiếc là cuốn băng thu tiếng Nam Bộ của Quang Hưng đã bị mất hồi mùa xuân năm 1968 như đã nói. Giá mà cuốn băng này được vang lên thì càng gần gũi, thân thuộc hơn với bà con Sài Gòn biết chừng nào!

Nguyên cớ và thời điểm ra đời chính xác của ca khúc bất hủ “Tiến về Sài Gòn” là như thế. Rất mong từ nay về sau, mọi phương tiện truyền thông cũng như các nhà nghiên cứu, lưu giữ tư liệu về âm nhạc không còn nhầm lẫn như trước.

Nguyễn Đình San

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/bai-hat-tien-ve-sai-gon-ra-doi-khi-nao-547237/