Bài hát ca ngợi Bác Hồ của người con Gia Rai ưu tú

Trong một lần tìm những kỷ vật phục vụ cho khu trưng bày các hiện vật lịch sử, chị Trần Thị Mỹ Hiền, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin H. Krông Pa (Gia Lai) đã tìm thấy bản viết tay của cố Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Ksor Ní (1925-2019). Đó là bài hát bằng song ngữ Gia Rai – Việt ca ngợi Bác Hồ do ông Ksor Ní sáng tác từ năm 1946.

Trong một lần tìm những kỷ vật phục vụ cho khu trưng bày các hiện vật lịch sử, chị Trần Thị Mỹ Hiền, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin H. Krông Pa (Gia Lai) đã tìm thấy bản viết tay của cố Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Ksor Ní (1925-2019). Đó là bài hát bằng song ngữ Gia Rai – Việt ca ngợi Bác Hồ do ông Ksor Ní sáng tác từ năm 1946.

Bài hát “Ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thủ bút của ông Ksor Ní được lưu giữ tại Khu lưu niệm (xã Đất Bằng, H. Krông Pa, Gia Lai).

Bài hát “Ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thủ bút của ông Ksor Ní được lưu giữ tại Khu lưu niệm (xã Đất Bằng, H. Krông Pa, Gia Lai).

Nhà cách mạng lão thành Ksor Ní (tên thường gọi là Ama HNhan), sinh ngày 10-2-1925 tại bôn Tham (xã Ia Trốk, H. Ia Pa. Gia Lai). Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác quan trọng, đóng góp to lớn cho cách mạng và địa phương. Ông là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (1974-1975), năm 1976, ông là Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – Kon Tum… Ngày 15-12-1946, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với cuộc đời của ông: tham gia Đại hội các dân tộc thiểu số (DTTS) miền Nam tại Pleiku, được ra Hà Nội gặp Bác Hồ…

Theo tài liệu của Sở VH-TT&DL Gia Lai, bài hát song ngữ Gia Rai – Việt ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt vào năm 1946. Tại những bút tích của chính ông Ksor Ní để lại cho thấy: là chàng trai Gia Rai giác ngộ cách mạng từ sớm, thế nên vào những tháng đầu năm 1946, khi ông đi vận động bà con ở các làng Gia Rai tại vùng Cheo Reo đứng lên đánh thực dân Pháp nhưng vẫn còn nhiều bà con hoang mang, hoài nghi. Bởi, nhiều người dân nơi đây vẫn lo ngại Pháp có máy bay, có súng pháo trong khi lúc này ta chỉ có 2 bàn tay trắng. Biết cái bụng bà con ghét, thù thằng Pháp nhưng vẫn còn lo sợ, chàng trai Ksor Ní vẫn cố gắng thuyết phục nhưng không phải mọi sự thuyết phục vào lúc đó đều có kết quả.

Đến cuối tháng 3-1946, ông được nhận giấy mời tham dự Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku (19-4-1946). Cùng với hơn 1.000 đại biểu các dân tộc Tây Nguyên và miền núi các tỉnh đồng bằng Nam Trung Bộ, chàng trai người Gia Rai đã về khu vực Ủy ban hành chính tỉnh Gia Lai lắng nghe thư gửi Đại hội của Bác Hồ. Qua lời phiên dịch của Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Nay Phin, chàng trai Ksor Ní lắng nghe từng lời trong lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi từ Hà Nội vào. Từng lời của Bác đã thấm vào máu của chàng trai Gia Rai lúc ấy: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xơ đăng hay Ba Na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Chàng trai Ksor Ní càng thấm thía lời căn dặn của Người: “Chúng ta phải yêu thương nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

Sau ngày Đại hội, tuân theo lời của Bác, các đại biểu đã về các bôn, làng vận động bà con, tổ chức các buổi liên hoan, lễ hội ăn thề theo phong tục, bày tỏ niềm tin tuyệt đối của đồng bào Tây Nguyên vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ. Và trong tâm trạng hân hoan, yêu quý và tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chàng trai Ksor Ní đã viết lời bài hát ca ngợi Người bằng tiếng Gia Rai, sau này được dịch ra tiếng Việt. Theo bút tích của ông, bài hát “Ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh” trên được viết theo điệu “Tuốt gươm thiêng” của đồng bào Gia Rai, mỗi phần tiếng Gia Rai và tiếng Việt đều có 13 dòng. Bài hát có đoạn: “Hồ Chí Minh là người tài giỏi phi thường. Đẹp biết bao những điều Người nói, dạy điều hay nói điều tốt đẹp. Đừng quên tên Người – người mang cái tên quý như vàng, như ngọc… Vinh quang như thần, chói lọi cả bầu trời… Để Người sống mãi… Hồ Chí Minh sống mãi muôn đời… Chính người là vị lãnh tụ của người Tây Nguyên… Đất nước Việt Nam tự do mãi muôn đời”. Theo một số tài liệu, bài hát đã được chính tác giả hát cho Bác nghe năm 1946 khi ông ra Hà Nội làm việc tại Nhà Dân tộc Trung ương.

Thư Bác Hồ gửi Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku được khắc trên đá lưu giữ tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku, Gia Lai).

Bài hát về Bác đã vang xa, lưu truyền rộng rãi từ làng này sang làng khác, bôn này sang bôn khác và khắp trong cộng đồng DTTS. Trong bối cảnh lịch sử khó khăn những năm tháng đó, bài hát “Ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh” không chỉ tạo nên khí thế cách mạng mà còn thành công về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Qua bài hát, người Gia Rai hay đến bà con các dân tộc Tây Nguyên khác càng thêm tin tưởng vào Bác Hồ và sự nghiệp cách mạng.

74 năm sau sự kiện trọng đại Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku, ghi dấu mốc đoàn kết dân tộc, chứa đựng tình cảm thiêng liêng của Người đối với mảnh đất và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Dù chưa xác định bản gốc được ông sáng tác vào thời điểm đó và còn lưu giữ đến nay hay không nhưng với thủ bút của chính ông Ksor Ní để lại đã thể hiện niềm tin yêu, quý trọng của bà con Tây Nguyên với Bác Hồ. Hiện thủ bút bài hát của ông đã được lưu giữ trang trọng tại nhà trưng bày lịch sử thuộc Khu lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại H. Krông Pa (xã Đất Bằng, H. Krông Pa, Gia Lai) và Khu lưu niệm này sẽ được khánh thành vào ngày 2-9-2020. Bài hát sẽ còn vang vọng mãi về tấm lòng của bà con các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác cũng như phát huy giá trị để thế hệ mai sau biết thêm chi tiết về cuộc đời hoạt động cách mạng của một người con Gia Rai ưu tú.

M.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_230835_bai-hat-ca-ngoi-bac-ho-cua-nguoi-con-gia-rai-uu-tu.aspx