Bài giải cho chất lượng nước và chất thải tại các đô thị

'Hơn 40 năm Phần Lan cung cấp ODA cho Việt Nam, trong đó 30 năm hợp tác đã dành cho ngành cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị. Những thành tựu của ngành cấp thoát nước và vệ sinh môi trường Việt Nam đã đạt được, gắn liền với sự hợp tác và hỗ trợ có hiệu quả của Bộ Ngoại giao Phần Lan, Đại sứ quán Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam. Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã được thụ hưởng từ các chương trình và dự án cấp thoát nước và vệ sinh môi trường do Phần Lan tài trợ', PGS.TS Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng cho biết tại Hội thảo hợp tác Phần Lan - Việt Nam trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn mới diễn ra tại TP. HCM.

PGS.TS Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật khẳng định vai trò của Chính Phủ Phần Lan trong quá trình đô thị hóa của Việt Nam.

Báo cáo từ Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng cho biết: Hiện nay cả nước có hơn 500 hệ thống cấp nước đô thị với tổng công suất 8,0 triệu m³/ngày đêm, trong đó, 84,5% dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung và chỉ 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h. Theo kế hoạch đặt ra từ nay đến năm 2020, tổng nhu cầu nước sạch đô thị cần 9,4 - 9,6 triệu m³/ngđ.

Hiện trạng thoát nước thải được Chính phủ ưu tiên cho thoát nước và ngập ứng đô thị, nhưng 92% mạng lưới thoát nước chung, phát triển theo giai đoạn, không theo quy hoạch từ đầu với phương thức: tự chảy + cưỡng bức, kết hợp với hồ điều hòa thông qua mạng lưới truyền tải. Trong khi đó, tỷ lệ đường ống trên đầu người còn thấp so với các đô thị trên thế giới, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý chỉ khoảng 14%.

Với thực trạng như vậy, hệ thống nước thải đô thị đã được đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt được 70% phạm vi hoạt động; 15 - 20% tổng lượng nước thải được xử lý trước khi xả thải ra môi trường; 100% các tuyến đường chính trong đô thị đều có hệ thống thoát nước mưa; giảm 50% tình trạng ngập úng ở các đô thị loại II trở lên.

Từ mục tiêu đã mở ra cơ hội đầu tư thoát nước nước và xử lý nước thải tại 3 lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - sông Đáy và sông Cầu được đề xuất 94 dự án xử lý nước thải với công suất khoảng 3,9 triệu m³/ngđ, ước tính vốn đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Từ 2020 - 2030, tại lưu vực của 3 sông này được đề xuất 102 dự án với công suất xử lý nước thải khoảng 6 triệu m³/ngđ, với khoảng vốn đầu tư 200.000 tỷ đồng.

Với chất thải rắn sinh hoạt đô thị, theo quy hoạch thì cần đầu tư thêm 497 cơ sở xử lý, trong đó, 43% là bãi chôn lấp; 24% cơ sở xử lý khác và 33% là khu liên hợp.

Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm - Phần Lan - tin tưởng sự hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan.

Trước nhu cầu lớn về thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị, Dự án “Phát triển ngành nước và vệ sinh tại Việt Nam thông qua các quan hệ hợp tác mới” do Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Diễn đàn Ngành nước Phần Lan (FWF) thực hiện và được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Phần Lan và Diễn đàn Ngành nước Phần Lan với trị giá hơn 454.000 EUR. Dự án được khởi động từ tháng 1/2017.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết: Mục tiêu của dự án Phát triển ngành nước và vệ sinh tại Việt Nam thông qua các quan hệ hợp tác mới là nâng cao năng lực của VWSA trong bối cảnh cổ phần hóa ngành nước; mở rộng mạng lưới quan hệ hợp tác của VWSA và các đơn vị hội viên; xây dựng và hướng dẫn hỗ trợ các đơn vị thành viên, thông qua chương trình thí điểm phát triển năng lực hội viên; cải thiện các chỉ số vận hành và nâng cao chất lượng dịch vụ của hội viên VWSA.

9 tháng sau khi khởi động, Dự án đã thực hiện được những công việc cơ bản ban đầu như tập huấn cho hội viên về các văn bản mới ban hành, chuẩn bị và tổ chức Vietwater 2017 tại TP HCM… trong kế hoạch của Dự án, sẽ còn rất nhiều hoạt động sẽ được diễn ra trong 2 năm tiếp theo như tổ chức các sự kiện truyền thông về CPH doanh nghiệp cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Phần Lan trong việc phát triển mạng lưới bảo vệ nguồn nước với các thành viên của VWSA…

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại diện các tỉnh thành và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước.

Cùng với Dự án “Phát triển ngành nước và vệ sinh tại Việt Nam thông qua các quan hệ hợp tác mới” thì Diễn đàn nước Phần Lan đã thực hiện nhiều dự án khác như “Dự án cấp nước an toàn quốc gia Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025” nhằm thu thập dự liệu nguồn nước, công nghệ cấp nước và tình trạng hoạt động của 25 doanh nghiệp cấp nước cũng như kế hoạch cấp nước an toàn của các đơn vị.

Ứng dụng quản lý cấp nước an toàn tại các tỉnh thành… Từ đó, các đơn vị cấp nước sẽ nâng cao năng lực quản lý rủi ro, khắc phục các sự cố tác động tiêu cực nhằm đảm bảo cấp nước liên tục, đầu đủ, an toàn, đạt chất lượng cho người dân tại các đô thị.

Tại Hội thảo Hội thảo hợp tác Phần Lan - Việt Nam trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn, ông Petri Peltonen - Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Việc làm - Phần Lan khẳng định: Trong lĩnh vực nước, Phần Lan đã nổi tiếng hàng thập kỷ nhờ những thành tựu đạt được trong hợp tác phát triển ở Việt Nam.

Quá trình đô thị hóa và phát triển nhanh các KCN ở Việt Nam đem đến nhiều cơ hội hợp tác mới. Các Cty Phần Lan có kiến thức và công nghệ cao có thể giúp các đô thị Việt Nam đang phát triển nhanh giải quyết những thách thức lớn liên quan đến quản lý nước, nước thải và chất lượng nước.

Mai Thanh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/bai-giai-cho-chat-luong-nuoc-va-chat-thai-tai-cac-do-thi.html