Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Từ món dưa hành

Tết này bạn cho cặp bánh chưng và một lọ dưa hành, tôi thầm nghĩ vui vui; thế là bạn đã lo cho... nửa cái Tết rồi! Nhớ câu đối được nghe từ lâu, từ thời nhà nào cũng được đốt pháo đón Tết, đón giao thừa: 'Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh'. Đó là những cái Tết, hồn Tết, hương vị Tết mà tôi được biết, được cảm và luôn nhớ về.

Thời đói kém đó, Tết về cứ được ăn thịt (tôi nghĩ thịt mỡ là mỡ heo nhưng cũng có ý chỉ chung thịt heo có phần mỡ nhiều, mỡ béo, vị ngon của Tết xưa)... là nghe thấy ngay niềm sung sướng trong việc ăn uống, ăn Tết. Mùi vị béo ngậy ngật thơm ngon của bát cơm có miếng thịt heo nhiều mỡ... chẳng mấy khi có được, và đến như ngày Tết cũng chỉ có vừa vừa... như đỡ thèm thôi.

 Ảnh: IT.

Ảnh: IT.

Ngày nay cái vị của miếng thịt heo ngon có nạc lẫn mỡ mà luộc, nướng, chiên... chấm nước mắm ngon rắc tiêu, vẫn là món hấp dẫn, lâu không ăn lại nhớ, thèm, và cứ hễ thèm là có ngay. Còn ngày xưa nghèo khổ thiếu đói nên nó là thức quý hiếm.

Ngày bé ở quê nội tôi từng thấy họ mổ heo rồi chia nhau, thế là Tết được ăn thịt heo. Miếng Tết ngon, mùi vị thơm ngon nhất trên mâm cơm Tết ngày trước mà tôi biết nhất định đó là... “thịt mỡ” như trong câu đối.

Bây giờ Tết, có lẽ cũng tùy cảnh nhà, tùy vùng quê mà họ dọn mâm Tết. Từ thịt heo, bò, gà, cá... mà chế biến ra nhiều món, lắm mùi vị, và hương vị Tết phong phú hơn xưa nhiều.

Tuy nhiên bây giờ, nếu ai không muốn làm Tết rình rang phức tạp, nếu ai không có nhiều điều kiện, nghèo khó thì vẫn có thể ăn Tết một cách đơn giản nhất là thịt mỡ (heo), dưa hành, bánh chưng.

Giữa bao cao lương mĩ vị, bao món tẩm ướp, chế biến phức tạp dành cho Tết... giờ những ai muốn đơn giản với Tết? Ai không có Tết? Không cả thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng?

Tết tiết kiệm (sức lực, thời gian, tiền của), tối giản, tôi thích và hết sức làm theo quan niệm, xu hướng này.

Nhớ hôm mua sắm Tết bỗng nhiên nhớ lại và có hứng thú với món thịt heo luộc như Tết thủa bé, tôi chọn miếng ngon có phần mỡ, phần nạc vừa ý, và tính thịt heo luộc, hông xôi là đã có ngay món truyền thống gọn nhẹ trên mâm Tết cúng tổ tiên, trời đất, đón rước tân niên.

Có những lúc, có những độ tuổi giúp người ta biết thật nhớ, thật yêu, thật trân trọng những gì đã từng một thời bình dị, đẹp đẽ, ngon ngọt... những gì mà theo năm tháng dù nó vẫn tồn tại nhưng bị lãng quên, bị xem nhẹ.

Tôi dọn mâm Tết, tôi thích món dưa hành của bạn, hành muối vừa độ chín, ngon, hương vị không chê vào đâu được, chua, cay, mặn vừa vặn.

Muối dưa hành ngon và biết ăn dưa hành cũng cần đến... tuổi. Còn trẻ con, thậm chí cả tuổi thiếu niên, tôi không thích dưa hành. Nhiều cái Tết tôi không quan trọng món dưa hành, mãi sau mới biết, với các bố mẹ, ông bà thì đó là món làm nên hương vị Tết, hương vị của mâm cỗ, mâm cơm Tết, là món vị không thể thiếu khi thưởng thức Tết.

Thật là cũng phải đến ngày, đến tuổi nào đó ta mới tinh tế với mùi vị, biết thưởng thức món, và có mong muốn tự làm cho ngon, cho tốt, lưu giữ được khí vị hương sắc.

Dưa hành, hoặc có vùng là dưa củ kiệu, là món quan trọng làm nên hương vị Tết. Người nội trợ đảm đang khéo léo vẫn cẩn thận để có món dưa hành, dưa củ kiệu thật ngon, đáng nhớ cho ngày Tết. Món vị Tết, mua về cũng được, nhưng nếu làm được món gì ngon, khỏi phải mua, ấy cũng là làm thêm mùi vị Tết cho mình, cho gia đình.

Bánh chưng bạn tự gói rồi nấu, dưa hành bạn muối... tất cả đều rất ngon, rất đáng nhớ. Cảm ơn bạn đã giỏi giang và thơm thảo!

Món dưa hành của bạn làm cho những bữa cơm Tết ngon miệng, thêm hứng thú ăn uống và chính nó khiến tôi nhớ nhiều tới những cái tết thủa bé ở quê nội; cứ càng sát Tết thì cả làng quê càng lo nhổ hành, cà rốt, bắp cải, su hào... để bán Tết.

Cả năm làng quê có một vụ rau trông chờ vào ngày Tết để bán, ai cũng chạy đua với Tết, rộn rịch những xe đạp thồ những sọt cải bắp, xu hào, cà chua, hành... thức khuya dậy sớm trong giá lạnh đi chợ xa, vào thành phố, lên miền ngược.

Còn bà tôi khi bán chợ gần, khi gửi nhờ anh em con cháu bán kèm hộ, khi bán cho xe ô tô.

Đó là những cái Tết đậm mùi rau củ; mùi hăng hăng của hành, lẫn mùi của su hào bắp cải từ vườn, đến sân, vô cả giường ngủ cứ như ai cũng lo chuyện rau củ mà chẳng lo gì cho Tết cả. Nhưng dù thế thì Tết vẫn đến, ăn Tết vẫn có thịt mỡ, bánh chưng, kẹo, được chơi Tết, vui đùa, được mừng tuổi.

Tết nào cũng có nhiều dẫn dắt nhớ về ông bà, cha mẹ, những người thân yêu, nhớ về những miền quê từng gắn bó, nhớ nhiều thứ mất hút không thể nào có lại.

HỒ THỊ NGỌC HOÀI
(TP.HCM)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-tu-mon-dua-hanh-157835.html