Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Thơm thơm hương lá dong rừng

Ngày nhỏ, khi thời gian chuyển mình qua tháng Chạp, mỗi chiều anh em tôi chạy ra đầu ngõ mong ngóng dáng cha đạp xe từ phía rừng về. Đó là công việc của cha vào mùa Tết, cha tôi cùng mấy người hàng xóm lên rừng lấy lá dong, sáng sớm tinh mơ đi, chiều tối lại về.

Những ngày đó, mẹ tôi dậy thật sớm, nấu cho cha một nồi cơm nhỏ rồi đùm vào chiếc mo cau no mà tôi thường lê la đi nhặt khắp sân nhà. Mẹ lần nào cũng nén cơm thật chặt, buộc lại bằng lạt tre mà ông nội đã vuốt sẵn treo trên gác bếp.

Cơm đùm xong, mẹ gói thêm con mắm mặn và vài quả cà muối, “sang” lắm có thêm quả trứng gà luộc. Mẹ bảo, cha đi lấy lá dong trên rừng rất mệt, cơm phải nén thật nhiều để cha có sức mà làm. Còn cha thì cười, nói để lại cho bốn anh em tôi một ít, “cha lên rừng cá suối thiếu gì”.

Thu hoạch lá dong. Ảnh: IT.

Bốn anh em tôi cứ đứng đầu làng trông chờ mãi, mỗi lần thấy bóng dáng ai đi tới là thấp thỏm. Có hôm cha về thật muộn, vì xe đạp đứt xích, nhưng cha vẫn luôn cười rồi dúi vào tay chúng tôi phần cơm đùm còn hơn phân nửa. Đó chính là món quà mà anh em tôi chờ đợi, phần cơm đùm của cha thơm mùi mo cau non, lẫn vị mắm mặn và đôi khi thoang thoảng hương lá dong rừng! Chúng tôi lấy dao cắt ra từng miếng thật đều, nhai ngấu nghiến. Có hôm cả bốn anh em ăn no nê, thay cho bữa cơm tối.

Mỗi chuyến lên rừng lấy lá dong của cha nếu gặp may, trúng bụi lớn sẽ lấy về cả ngàn lá, có hôm ít hơn, và một số hôm thì về tay trắng. Khi mang lá dong về, công việc tiếp theo là của bà nội và mẹ: rửa lá dong, đem giữ tươi để mang ra chợ bán.

Vào độ ngoài 20 Tết, mẹ bắt đầu gánh những bó lá dong rừng ra chợ làng. Đó là ngôi chợ Nổ cách nhà tôi hơn 5 cây số mà cha hay đùa “chỗ nợ”. Mẹ không “thuộc diện” thuê sạp bán vì thế phải bán ngay đầu đường, những lần đó tôi thường được mẹ cho theo, vì như lời của mẹ, tôi “số đỏ” - đứng trông sẽ đắt hàng.

Ngày ấy, giá dong rừng chừng 100 đồng một lá, đó là một con số “được giá” như lời của mẹ. Phải năm nào hiếm người đi lấy lá dong mới được giá như thế, còn năm nào nhiều người đi, từ đầu chí cuối toàn hàng lá dong thì xem như ế, mẹ gánh về, ngày mai đi chợ khác, xa nhà hơn.

Tôi theo mẹ suốt những phiên chợ Tết như thế, bên gánh hàng chỉ có những bó lá dong rừng. Năm nào bán đắt, cả chục chuyến lên rừng của cha tính thành tiền chỉ mấy trăm ngàn đồng, nhưng đủ cho ba ngày Tết ấm cúng. Những lần đó mẹ vui lắm, kéo tôi đi sắm Tết, tôi lăng xăng chạy theo xách chiếc làn màu đỏ thắm nặng trịch những củ su hào, cá và thịt. Nhưng có những năm lá dong cha lấy về ế, nằm chơ vơ ở góc sân, cha mẹ nhìn nhau buồn. Ngày 29, 30 Tết cha lại đạp xe đi, lúc về dúi vào tay mẹ mấy tờ xanh đỏ. Sau này tôi mới biết, cha đi mượn tiền!

Năm tôi lớp 7, cha mất, từ đó những chuyến lá dong rừng không còn để anh em chúng tôi đợi chờ nữa. Mẹ tôi vẫn chạy chợ, nhưng hai bên gánh thay bằng những bó chè xanh và mớ rau trong vườn.

Lá dong xuống phố. Ảnh: IT.

Thoáng chốc, mười mấy năm trôi qua, anh em chúng tôi lớn lên rồi đi tứ xứ. Tôi vào Sài Gòn quen với cuộc sống nhộp nhịp với rất nhiều mùi hương của xứ hiện đại, nhưng chưa bao giờ mùi của phố thị thay thế được mùi quê hương trong tôi. Từ trong sâu thẳm, những ký ức ngày Tết thoảng hương lá dong rừng vẫn còn đó, và khi thời gian chuyển mình qua tháng Chạp thứ hương ấy lại giục giã tôi trở về.

KHÁNH HƯNG
(Thủ Đức, TP.HCM)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-thom-thom-huong-la-dong-rung-154727.html