Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Tết thơm mùi ấm áp

Tôi nhớ, ngày còn nhỏ, trước giờ giao thừa, cả nhà ai nấy đều có một mùi giống nhau vì được tắm cùng một thứ nước.

Nói thật, tôi chả thích lắm cái mùi ấy. Tôi nằng nặc không chịu tắm, có khi khóc thét lên khi biết sắp bị bắt ngồi vào trong cái chậu nước rau âm ấm, loại rau mà tôi phải dày công gảy từng cọng trong bát miến Tết. Ấy thế mà với lòng tin của một đứa trẻ về may mắn, về gạt bỏ vận xui khi mẹ kể chuyện giải thích, tôi cũng chấp nhận vừa bịt mũi vừa háo hức năm sau được vui hơn năm trước. Đến giờ, nhà tôi không còn giữ cái thói quen ấy nữa, đôi khi, tôi thấy nhớ. Nhớ cái mùi vẫn còn thoang thoảng hơi ấm khi đã bịt tịt cả mũi, cái mùi mà mẹ trao hi vọng tắm xong là được may mắn ngay tức khắc.

 Tắm nước lá mùi già vào ngày tất niên được cho là nét đẹp văn hóa vẫn được nhiều gia đình duy trì đến nay. Ảnh: IT.

Tắm nước lá mùi già vào ngày tất niên được cho là nét đẹp văn hóa vẫn được nhiều gia đình duy trì đến nay. Ảnh: IT.

Tôi nhớ những mâm cơm Tết, đồ ăn lúc nào cũng đầy ắp, trông ngon hơn hẳn ngày bình thường. Mẹ bận bịu chuẩn bị làm mâm cơm tất niên và vì thế tôi nghiễm nhiêm trở thành chân sai vặt của mẹ. Tôi thường phải chạy vội lên nhà nội bằng con đường tắt qua ngõ nhỏ để đưa bát dưa hành mẹ muối, đưa khoanh giò ngoại biếu, có khi cả quả bưởi vàng ươm đã được rửa kĩ bằng rượu trắng. Tất cả phải trước lúc giao thừa, âu là để tránh điều cấm kị đầu năm cho này xin kia.

Lúc ấy mùi dưa hành, mùi giò mùi nem, mùi quả bưởi thơm lừng còn hăng hơi rượu khiến suốt quãng đường đi tôi cứ háo hức một cách kì lạ, như cái hân hoan biết trước rằng nội sẽ rất vui.

Tết chia sẻ từng món ăn ngày ấy thế là Tết no đủ. Giờ không cần đợi đến Tết nhà nào nhà nấy có khi ngày thường đã sẵn no đủ, đó có lẽ cũng là một điều vui. Nhưng cũng bởi vậy Tết có cho nhau quà này quà kia to lắm nhưng mà có nhỡ quên thứ gia vị tình cảm, Tết no đủ lại thành ra Tết... dư thừa. Tôi nhớ cái thiếu thốn được lấp đầy, làm ấm lòng người ấy.

Tôi nhớ, sau khi người lớn thắp hương thờ cúng tổ tiên, mẹ thường cắt cử tôi và anh trai châm hương đợt tiếp theo, trước khi đợt hương trầm trước kịp tắt. Tôi của ngày đó cứ nghĩ việc ấy là việc của người lớn nhưng nếu có được cắt cử đứng trước bàn thờ tổ tiên, tôi cũng hồi hộp mà nghiêm trang lắm. Đến giờ mới hiểu, thắp hương là việc không của riêng ai, đó là việc bày tỏ thành kính thì phận làm con cháu ai cũng nên làm. Mùi hương trầm không phải đến Tết mới có, nhưng vì nó thơm cả mùi trang nghiêm với trải nghiệm thực của tôi nên mùi hương Tết trở nên đặc biệt. Nhất là mấy ngày Tết trời mà se lạnh, cái lạnh làm người phải co rúm lại mà làn khói hương thoang thoảng dễ dàng khiến cơ thể thả lòng mà đón nhận một cái mùi thật ấm.

Ảnh: IT.

Tôi nhớ, nhớ lắm, không quên cả mùi bánh chưng đặc biệt vừa mới vớt, nóng thật nóng có khi cầm không cẩn thận là bỏng cả tay. Mấy ngày cận Tết, cả nhà quây quần gói bánh chưng, tôi và anh tôi gấp lá còn việc gói thật đẹp thật vuông là chuyện của bố và mẹ. Thường thì hai anh em vẫn đòi bố mẹ nấu luôn cả mấy chiếc bánh nhỏ mà tụi tôi học lỏm tự gói, như một chiến công sau cả buổi ngồi gấp từng cái lá. Rồi đợi chờ bên dưới ánh than hồng mong ngóng sau nhiều tiếng đồng hồ để tận mắt thấy được chiếc bánh nhỏ xinh của mình được vớt ra có hình thù biến dạng thế nào. Mùi thơm của gạo nếp lẫn mùi lá dong, chiếc bánh chưng vẫn còn bốc hơi nghi ngút, quả thực khó có thể quên.

Cảm giác được cầm trên tay đồ mình tự làm thì tự hào lắm, hít hà thật lâu, có khi cứ đứng đợi lúc lâu để được bố hay mẹ khen khéo tay cũng nên. Thời bé tôi cũng ưa nịnh như vậy. Có được càng nhiều câu khen, đón Tết lại càng háo hức hẳn.

Với những người từng trải qua nhiều cái Tết, có lẽ, cũng giống tôi, yêu nhất những gì còn đọng lại bên mũi mỗi khi nhắm mắt tượng tượng về cái mùi Tết. Trẻ con cảm nhận mà lưu giữ lại những gì nó thấy "ấm". Tôi nhớ, tất cả những mùi âm ấm trong ngày se lạnh ấy, lẫn cả mùi ấm áp khó diễn tả của Tết xưa.

BÙI HOÀNG LONG
(TP.HCM)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-tet-thom-mui-am-ap-156873.html