Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Tết sao mà ngắn cũn

Dân công sở hân hoan kỳ nghỉ Tết kéo dài đến hơn cả tuần lễ. Đám học trò vui mừng mong Tết được xả hơi. Tôi, đã từng là học trò và giờ cũng là dân công sở nhưng chẳng bao giờ thấy Tết được thảnh thơi và cứ ngắn cũn. Người ta bảo ba ngày Tết. Thậm chí Tết của tôi cũng chẳng được ba ngày nữa.

Ngày còn là thuở học trò, nghỉ Tết, bạn bè được thảnh thơi đi chợ Tết sắm đồ. Còn tôi cũng… đi chợ Tết nhưng phụ bán hàng cho mẹ. Mẹ tôi trước thì chỉ làm ruộng, nhưng mấy tháng giáp Tết là ra ngồi chợ buôn rau, củ, quả. Cũng tại nghèo quá mà! Phải làm thêm để nuôi mấy miệng ăn ra giêng, qua mùa giáp hạt…

Bên sạp rau tôi phụ mẹ lấy túi bóng, thối tiền lẻ cho khách và, nếu đông khách thì trực tiếp bán hàng. Học trên lớp ngồi ê mông nhưng còn có giờ ra chơi thảnh thơi. Còn ở chợ, phải ngồi từ sáng tới tối mịt trên cái ghế cỏn con không có chỗ tựa. Rau dịp Tết người ta mua rất đông, cũng đồng nghĩa tôi lết mông ở đó từ sáng cho tới tận tối. Ăn uống xong, mắt tôi thiêm thiếp chực díp lại ngủ.

Phụ mẹ bán hàng ngày Tết. Ảnh: IT.

Chiều 30 Tết mẹ mới nghỉ chợ. Tôi phụ bố gói bánh chưng, đun bánh, quét dọn nhà cửa, kì cọ ấm chén, lư hương bàn thờ, cắm hoa. Loay quay mấy đợt nước trong nồi bánh sôi là trời tối sầm. Mâm cơm chiều 30 ngả xuống, tôi mới thấy thực sự là Tết. Chao ôi, cái khoảnh khắc ấy thật nhẽ nhõm làm sao. Mặc kệ còn những việc đang còn dang dở, cả nhà quây quần dùng bữa ấm cúng. Bố nói chuyện đụng lợn năm nay phần nạc rõ nhiều, mẹ chê nếp giống mới không được dẻo.

Đó là tối duy nhất tôi thấy mẹ thảnh thơi. Tự nhiên lòng lại ước, giá như ngày nào cũng là đêm 30 Tết để mẹ khỏi phải loay hoay với đống rau củ quả. Cũng có lúc thủ thỉ với mẹ, làm ít đi nhưng mẹ mắng cái tội lười nhác chảy thây ra cứ bàn lùi. Tôi tắm nồi nước lá mẹ nấu, gội dầu bồ kết. Tôi ngồi bên mẹ, chải mớ tóc khô cho bà thấy lấm chấm sợi trắng xen lẫn sợi đen rồi đùa: “Sang năm nhuộm tóc cho trẻ ra nha mẹ?”. Mẹ gạt, già rồi thì có tóc trắng là lẽ tự nhiên.

Đêm trừ tịch, tôi nằm cuộn tròn chăn đánh một giấc từ đầu hôm cho đã con mắt. Chẳng buồn “hóng” pháo “tịt” hàng xóm nổ. Nghe đì đoàng mẹ tỉnh dậy, thắp thêm nén hương trầm thoang thoảng. Tôi lại mơ màng tới hương xuân, những mầm non ngoài kia đang tách vỏ dưới làn mưa bụi mỏng êm như nhung.

Sáng mùng Một chuẩn bị mâm cơm cúng đầu năm cho ba, tôi theo mẹ lên chùa. Tôi thích cái không khí buổi sáng đầu năm ở chùa. Sự tĩnh lặng bình yêu đến lạ! Chẳng có những tất bật giữa lòng thành phố, mùi nhang thơm lan tỏa khắp nơi và lòng người cũng rộng đầy những xúc cảm yêu thương. Mẹ cầu nguyện sức khỏe cho cả nhà, chuyện làm ăn buôn bán được suôn sẻ. Tôi cũng chấp tay cầu khấn trước Phật, mong học hành tiến bộ, hanh thông.

Sau đó, mẹ cùng tôi ghé thăm một số người thân họ hàng trong xóm. Trưa về chiều lại lục đục đong muối đi bán lấy may đầu năm cho mọi người. Thường thì mỗi lần tôi theo mẹ lại nhận thêm được đôi phong bao lì xì. Tết ra con lợn nhựa của tôi cũng béo thêm chút ít. Và tôi biết, mùa xuân đã khép lại ngay từ gánh muối của mẹ cất lên vai.

Hai chị em chúng tôi giờ đã lớn, có công việc nhưng mấy chục năm qua mẹ tôi vẫn lặp đi lặp lại cái lập trình cũ. Tôi biết chẳng thể nào khuyên mẹ được và, chỉ có cách về thật sớm, đỡ dần cho mẹ khỏe được ngày nào hay ngày ấy!

HOÀNG PHI
(Vinh, Nghệ An)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-tet-sao-ma-ngan-cun-157271.html