Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Tết ngập mùi ký ức

Khi những cây bàng lá đã đỏ và rụng xuống trơ ra những cành cây gầy khẳng khiu, đan vào như đang nắm lấy tay nhau, những hàng cây khắp phố bắt đầu trơ cành chờ những ngày nắng ấm của mùa xuân trở lại để đâm chồi nảy lộc, lúc ấy thấy Tết đến rất gần rồi.

Nhưng xứ Huế, Tết về, mưa vẫn không ngừng rơi, trời vẫn lạnh, chỉ có gian bếp là ấm áp với bếp than vẫn đỏ rực để những mẹ, những chị xào xào nấu nấu. Mùi thức ăn của mâm cúng tất niên, mùi khói bếp hòa quyện vào nhau tạo nên một thứ hương vị không lẫn vào đâu được.
Bếp than vẫn hồng để mẹ tôi "ngào mứt". Món mứt gừng để uống với trà, mùi đường, mùi gừng quyện hòa vào nhau, cả gian bếp trở nên ngào ngạt và ấm cúng hơn bao giờ hết, mặc ngoài kia mưa vẫn rơi phùn phùn.

Và, cũng bếp than ấy, khói nghi ngút bốc lên từ chóp một chiếc nón lá cũ mà ba tôi dùng để làm nắp nồi đậy nồi bánh chưng. Mùi lá chuối, mùi nếp, mùi đậu hòa vào nhau để làm cho những cặp bánh chưng, những đòn bánh tét trở nên trọn vị hơn bao giờ hết.

Ảnh: Đào Thanh Tuyền.

Tôi không thể quên được mùi chao. Cái thứ mùi thum thủm của đậu hũ thúi ấy. Đó là món tủ của mẹ tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy ai làm chao giống mẹ. Chao Huế là loại chao khô, nặng mùi và khá thấm vị.

Cứ mỗi độ Tết sắp về, năm nào trên chạn bếp cũng có một hũ chao mẹ làm. Món chao mẹ tôi làm trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, nào là ủ tro cho đậu chín vàng trên giàn bếp, rồi đến đoạn ủ gia vị, rồi mẹ phi kiệu, nấu cơm chắt lấy nước, rồi mẹ dùng cả rượu gạo…

Tất cả những gia vị ấy mẹ tôi ướp vào những miếng đậu hũ được ủ chín vàng một cách vừa vặn nhất, để biến cái mùi thum thủm thành một mùi thơm đậm đà. Món chao được ăn thường xuyên trong mấy ngày Tết, ăn kèm với bánh chưng, với xôi cho ngày mồng một ăn chay. Còn sang những ngày tiếp theo thì sẽ dùng để kẹp rau sống hay trộn với xì dầu chấm rau củ ăn chống ngán.

Với tôi, cho tới bây giờ, dù đã ăn món chao của nhiều vùng miền khác nhau, vẫn không thể tìm thấy cái mùi, cái vị mà mẹ tôi làm ngày xưa, với Huế, với gia đình tôi, mùi chao cũng là mùi Tết.

Và ngoài vườn, mùi hoa mai đã thoang thoảng trong mưa, để tôi khắc khoải nhớ về một thời đã từng rảnh rỗi ngồi đếm từng cánh hoa mai trên cành, và vui mừng khi thấy một bông hoa có sáu cánh, bởi ba tôi bảo "mai sáu cánh là may mắn lắm".

Mùi Tết, còn là mùi tiền mới mà người lớn "lì xì" cho lũ trẻ con chúng tôi để mừng tuổi mới. Ngày xưa, những tờ tiền giấy mới cứng, thơm tho. Mệnh giá chỉ một trăm, hai trăm đồng, nhớ nhất là tờ "cua xanh" năm nghìn đồng. Ai lì xì cho năm nghìn đồng là oai lắm.

Thời gian cứ vậy mà lần lượt trôi qua. Chúng ta từ trẻ con, trưởng thành, rồi già đi. Xuân vẫn đến và Tết vẫn về dù cho chúng ta có ngóng trông hay không, càng lớn, thấy cuộc đời có nhiều thứ phải lo toan, để gánh gồng, để một lúc nào đó, có khi mệt mỏi quá, ngồi xuống và mơ ước, thèm nhớ một thời đã qua như là hương vị Tết quê nhà từ những ngày xa xưa đó.

Ảnh: Đào Thanh Tuyền.

Mùi Tết, với tôi còn là mùi... thuốc pháo. Ngày xưa, khi pháo chưa bị cấm như sau này, Tết nghèo khó thế nào cũng phải cố gắng có một phong pháo để nổ đì đùng với người ta. Người lớn thì mua phong pháo trống, treo ngay giữa sân hoặc ngoài ngõ, cứ từ gần giao thừa tới sáng, quanh vùng cứ nghe pháo nổ đì đùng. Sáng ra, đến nhà nào cũng thấy xác pháo đỏ cả sân. Đám trẻ con chúng tôi thời ấy còn có nguồn vui đi nhặt những viên pháo chưa kịp cháy để về đốt lại. Thời ấy, người lớn đốt pháo to, còn bọn con nít cũng có pháo... tép. Pháo tép chỉ nổ lách tách nhưng với bọn trẻ con chúng tôi, như thế cũng đã ghê gớm lắm rồi.

Và mùi Tết, còn là mùi nhang khói. Những người con xa quê, trở về nhà ăn Tết, việc đầu tiên vẫn là thắp lên bàn thờ tổ tiên, cha mẹ một nén nhang. Mùi nhang khói cay xè đôi mắt như một lời tạ tội với người đã khuất rằng lâu rồi mới có dịp về thăm. Dường như, vào dịp Tết, con người ta đốt nhang nhiều hơn, bởi sau những ngày cuồng quay với cuộc sống mưu sinh, người ta có những ngày Tết để thăm viếng, để gặp gỡ và để hoài niệm nữa.

Sáng mồng một Tết, nhà tôi thường lên chùa thắp nhang cúng Phật trước tiên, sau đó là đi thăm mộ những người thân trong gia đình đã mất. Ra nghĩa địa, màu và mùi nhang khói mịt mù. Chỉ vào dịp Tết mới thấy khói nhang nghi ngút như thế mà thôi.

Tết dường như đã đến gần lắm rồi. Ở chợ, những thứ mứt bánh làm sẵn đã được bày bán. Ở làng hoa, những chậu hoa cúc đã bắt đầu trổ bông, đợi dịp được mang đến chợ hoa khoe sắc cho những ai hữu duyên mang về nhà mình. Còn tôi, ngồi nhìn trời mưa, hít hà hương hoa mộc trong một khu vườn yên tĩnh và nhớ về những ngày xa xưa, bao nhiêu hương vị Tết ngập đầy ký ức, chạnh lòng bởi có những điều đã thật sự ở lại với ngày xưa. Xa lăng lắc.

NAM GIAO
(Huế)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-tet-ngap-mui-ky-uc-156041.html