Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Mùi 'xưởng' đu đủ chua của má

Lúc này đây, có thể chờ để ngày Tết để 'đầu hàng', để thấy má ngồi pha giấm trong 'xưởng' đủ đủ chua, được ấn thật mạnh cái cây lau nhà để chùi cái 'xưởng' nhiều mùi rít rắm đó… lại trở thành một điều xa xôi.

Chiều, tôi bước bộ trên con đường nhấp nhô trong công viên Rahjabat, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Những hàng cây supanniga khẳng khiu đang mùa rụng bông. Nhưng sao hôm nay bông supanniga vàng rực rỡ. Cả con đường cũng được tráng một lớp ánh vàng ửng nâu đỏ như màu hoàng hôn. Câu trả lời nằm ngay ở trên đầu. Tôi ngước lên trên trời, trăng đã tròn to và vàng, màu vàng đậm đà như màu bánh tráng nướng chín rượm gần cháy trên than củi.

Thì ra đã rằm tháng Chạp rồi. Tháng Chạp năm nay, tôi thôi chộn rộn về Tết vì đang ở một đất nước khác, một đất nước không Tết âm lịch.

Mùa trăng tháng Chạp năm 2010, lúc học trường An ninh, tôi cũng một lần ăn Tết xa nhà vì tham gia phong trào “Vui xuân không quên nhiệm vụ”. Hồi đó, nhớ nhà nhưng cũng là lần hiếm hoi không tham chiến trong cuộc “chiến tranh” tại “xưởng” đu đủ chua…

 Cả nhà cùng làm củ kiệu. Ảnh: IT.

Cả nhà cùng làm củ kiệu. Ảnh: IT.

“Chiến tranh” bắt đầu được châm ngòi từ rằm tháng Chạp. Lúc đó, má hay xách xe máy đi chơi xế chiều, mà về rất chạng vạng. Mỗi chuyến đi chơi chiều là phía sau một bao và phía trước một giỏ đu đủ đi theo về. Lúc đó má đi chợ rất lâu, lâu vì người ta bắt đầu bán củ cải, tai heo, củ kiệu... Khi trở về thì gác trước, ràng sau các bao rau củ để mở “xưởng” đu đủ chua. Dưới bếp chật nên má thường dọn hết đồ trong một phòng ở nhà trên, “giải phòng mặt bằng” để làm “xưởng”, mặc kệ đồ đạc có thể bỏ ngổn ngang khắp nhà trong dịp Tết.

Trăng tháng Chạp càng vàng là không khí của “xưởng” đu đủ chua càng náo nhiệt. Nguyên liệu thô “nhập xưởng” không bao giờ thiếu. Tiếng vang “cô Mười đồ chua” đã lan xa hơn chục năm, thành thử Tết là “xưởng” lúc nào cũng có người bưng đu đủ, củ cải, củ kiệu, đường, tỏi, ớt, muối, phèn, giấm… đến nhờ má làm dùm, nườm nượp. Má làm theo bí quyết Vĩnh Long của bà ngoại (không phơi, ép chắt nước) và tỷ lệ pha đường, giấm, ớt tỏi tinh tế nên đủ đủ chua và các món củ cải, củ kiệu, tai heo đều giòn rụm ngon lành, để mấy tháng không hư. Còn các chị làm thì thường nổi bọt, hoặc chua lét, hoặc nồng nặc mùi rượu…

Mấy anh chị em tôi chia nhau dọn dẹp nhà cửa, kho măng, kho thịt vì má đã bận bịu với “xưởng” đu đủ chua và đắm chìm trong “sự nghiệp” riêng ngày Tết.

“Chiến tranh” nổ ra khi thấy má suốt ngày cứ lọ mọ thức đêm vì mấy cái hũ đồ chua. Trong khi nhà thì có sáu cái miệng ăn… Tết thôi. Tết nhất mà đầu tóc má thì rối, người má thì lúc nào cũng lấm lem mùi phèn giấm.

Nhiều năm, giao thừa đã gần đến mà má đi biếu đu đủ chua vẫn chưa về. Vậy mà khi về tới, tay chân vẫn rít chịt nước đường, có năm còn mang thêm về ít củ cải của người chị bán rau bị ế cuối năm, nói là mua về tết làm, ra giêng ăn…

Củ cải, củ kiệu chua không thể thiếu trong ngày Tết. Ảnh: IT.

Năm nào, rằm tháng Chạp cũng năn nỉ: “Năm nay má bớt đam mê đồ chua nha”. Nhưng “hiệp định đình chiến” không bao giờ được ký… Nhiều lúc, thấy má lụm cụm, thì mình cũng không thể đi ngủ được, đành phải phụ. Tết nào cũng xách nước, lặt tỏi, ép đu đủ… muốn rục tay. Tôi cũng tranh thủ ý kiến của người “có uy tín” để khuyên răn rằng cái “xưởng” đồ chua không cần thiết: “Làm in ít đủ ăn trong mấy ngày tết thôi cô Mười ơi”. Nhưng tất cả chỉ nhận lại những câu trả lời đanh thép: “Má làm để ra giêng cho anh với ba có đi rẫy ăn”, “Má làm để cho con Doanh nó đi biếu nhà trường”, “Má làm để trời động (biển động không có cá) ăn với mắm”, “Bà con chòm xóm có miếng đồ chua ăn Tết cho vui nhà vui cửa”…

Có năm, dù đu đủ chua má làm là ngon nhất xứ, nhưng nhất quyết “tuyệt thực”, để sang năm má không phải cực để làm vì lý do: “Tại má thấy con thèm ăn đu đủ chua với măng kho”…

“Chiến tranh” nổ ra cao trào lúc dọn dẹp “cái xưởng”… Nền gạch bông lúc nào cũng đốm đen đốm xám. Nước đường, nước muối cứ rít chịt trên từng kẽ gạch. Mùi tỏi, mùi ớt, mùi phèn hòa chung càng gây cảm giác nhọc nhằn. Hằng năm, phải lau dọn cái “xưởng” gấp bốn lần công sức và xà bông lau nhà. Cái mùi vừa khó ngửi, vừa ngột ngạt như đi vào từng hóc mũi suốt mấy ngày Tết. Chưa kể cái mùi rít rắm còn lưu lại trên thau, trên rổ, chùi rửa cũng cực hơn. Những cảnh này lặp đi lặp lại, ngày Tết trong người thấm mệt, cái nóng “bộc phá”. Tết đến mà hay buồn vì nổi quạu với má.

Lúc này đây, có thể chờ để ngày Tết để “đầu hàng”, để thấy má ngồi pha giấm trong “xưởng” đủ đủ chua, được ấn thật mạnh cái cây lau nhà để chùi cái “xưởng” nhiều mùi rít rắm đó… lại trở thành một điều xa xôi.

Xa xôi vì má mang cả bí quyết làm đu đủ chua đi mất khỏi kiếp người…

“Chiến tranh” ở “xưởng” đu đủ chua kết thúc vĩnh viễn, đã “hòa bình” nhưng không còn có má. Như hòa bình nhưng không còn người lính.

TRẦN MINH HỢP
(TP.HCM)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-mui-xuong-du-du-chua-cua-ma-157762.html