Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Còn thương áo Tết

Giữa bộn bề cuộc sống, kí ức ngày xưa như một khoảng nhớ riêng dành. Không sôi nổi ồn ào nhưng lại say lòng, da diết. Ngày xưa có lẽ luôn là một điều quý giá khi mà thời gian không mang ai trở lại quá khứ bao giờ. Có chăng là những dòng hồi tưởng miên man chạy dọc dài nỗi nhớ về một bến đỗ mang tên: 'ngày xưa'. Nơi bến đỗ êm đềm ấy, có một đoạn kí ức riêng dành cho những chiếc áo ngày tết.

Ngày ấy chưa có điều kiện như bây giờ, chỉ lo mỗi cái ăn đã phải cân nhắc, đong đếm nên việc mua sắm quần áo dường như chỉ khi nào thật cần. Mà đặc biệt nhất có lẽ là tết, những đứa trẻ luôn háo hức được quần áo đẹp để đi chơi xuân. Cảm giác ấy bắt đầu từ những ngày đầu tháng chạp, khi ngọn gió đã se lạnh, man mác. Lũ trẻ nhận ra mùa gió bằng những điều thật giản dị như cánh đồng cỏ lau cạnh bờ sông bung hoa nở trắng hay giàn đậu rồng bên hiên đung đưa những chùm quả xanh um. Gió tràn ra đồng, buổi sớm mai mẹ khoác thêm một lớp áo xuống ruộng khi sương đêm còn đọng trên những chùm hoa cỏ may nhỏ nhắn.

Cảm giác nôn nao bắt đầu lớn dần lên khi những tờ lịch trên tường cứ vơi dần, vơi dần…

Về quê. Ảnh: IT.

Cho đến một hôm người lớn trong nhà bảo hôm sau sẽ đi sắm sửa quần áo thì những đứa trẻ vỡ òa sung sướng. Tôi cũng có một kỉ niệm mà sau này lớn lên vẫn luôn đi theo bên mình. Trong một lần ra khơi, ba tôi đã không trở về. Tôi lớn lên quen dần với ngôi nhà không có bóng dáng người đàn ông. Thương mẹ, tôi luôn cố gắng học hành và sống tiết kiệm, không hề phung phí, đua đòi. Cái tết năm lên lớp 6, cột mốc đánh dấu tôi từ trường làng ra ngoài thị xã. Mùa xuân năm đó cũng như mọi năm, tôi với mẹ vẫn loay hoay trong công việc cho đến những ngày cận tết.

Tôi có chuẩn bị cho mẹ một món quà bất ngờ, dẫu nó không lớn lao nhưng có lẽ đó là món quà đầu tiên mà tôi tặng - chiếc áo len tôi tự tay móc những đêm chờ mẹ đã ngủ say. Chiếc áo màu xanh rêu có đôi chỗ còn sai nốt nhưng mẹ rưng rưng nước mắt khi cầm. Chiếc áo ấy bây giờ mẹ vẫn treo trong tủ như kỉ niệm cho mùa xuân của những năm khốn khó. Năm ấy tôi cũng cực kì bất ngờ vì mình cũng được một món quà. Dì tôi ở thành phố về thăm ngoại nên mua đủ thứ bánh kẹo, quần áo cho mấy đứa con cháu. Trong đó tôi được hai chiếc đầm nhung mềm mại, một màu cam, một màu hồng đều có phần váy bồng bềnh, phần cổ ren màu trắng. Tôi đã đem cho một cô bạn cùng, đó là người tôi chơi rất thân sống với bà ngoại vì bố mẹ đã li dị. Tôi vẫn nhớ ánh mắt bồ câu tròn xoe long lanh, ngân ngấn nước mắt của cô bạn khi mân mê chiếc váy màu hồng dịu ngọt. Lòng tôi bỗng thấy ấm áp lạ kì.

Bây giờ cuộc sống đã có phần đủ đầy, cái cảm giác chờ sắm quần áo tết không còn nô nức vỡ òa như xưa bởi không phải đợi đến tết người lớn mới đi sắm đồ cho bọn trẻ. Nhưng trẻ con ở thời điểm nào cũng thích đồ mới, đôi khi không phải vì món đồ mà vì chúng biết được sự yêu thương của người lớn gửi vào từng món đồ ấy.

Ngày cuối năm mọi người tụ họp về nhà ông bà, khoảng sân trước nhà được kê thêm hai chiếc giường tre để gói bánh tét. Bà cụ hàng xóm năm nay cũng đã già vẫn qua phụ, nụ cười móm mém hiền hậu đến là thương. Mỗi người một công đoạn, ba thì chẻ tre, chuốt lạt để gióng và buột vòng quanh bánh. Người thì lo phần nhân bánh như ướp chuối, ướp nhân thịt mỡ. Tôi ngồi lau từng tờ lá chuối cho sạch sẽ. Những đứa trẻ xúng xính váy áo mới chạy chơi trên khoảng sân ngập nắng. Tôi lại nhớ đến “đứa trẻ” tôi ngày nào cũng hồn nhiên trong mùi thơm áo mới khi xuân về. Gió xuân thi thoảng thổi ngang từng đợt mát rượi, những câu chuyện kể vui buồn năm cũ, những lời hỏi thăm nhau cứ rỉ rả theo từng đòn bánh.

Mùa xuân về trong miên man ngọn gió. Gió bình yên qua những cánh đồng trải dài tít tắp, len vào những cội mai già trước ngõ. Gió khẽ chạm cánh cửa thời gian, khép dần năm cũ và hân hoan đón chào năm mới lại về trong vui tươi rộn rã. Những cây mai sau bao ngày tích lũy âm thầm dòng nhựa trong thân bắt đầu cho ra những chùm hoa vàng rực. Sắc vàng lung linh như màu nắng mùa xuân làm cho ngày tết thêm đậm đà, dâng tràn trong lòng bao cảm xúc. Những nụ cười hồn nhiên tuổi hoa rộn ràng trong tà áo mới, trong tiếng guốc mộc trầm trầm mà thân thương quá đỗi.

PHONG DƯƠNG
(Cần Thơ)

Qua địa chỉ nhotet@thegioitiepthi.vn, Ban tổ chức cuộc thi viết "Nhớ thương mùi Tết", Thế Giới Tiếp Thị Online tiếp tục nhận bài đến ngày 15/2/2019. Chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của quý bạn đọc.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bai-du-thi-nho-thuong-mui-tet-con-thuong-ao-tet-156418.html