Bài dự thi 'Ký ức mùa Hè của tôi': Tuổi thơ nào chăn vịt nhặt trứng trên đồng

Sáng vịt thường đói. Tôi phải dùng cây sào lùa chúng lại, rải mớ chuối đã băm sẵn. Sau đó, tôi rủ đồng bọn của mình đi chơi.

Mùa Hè, nghỉ học, chúng tôi xếp sách vở, chuẩn bị vui chơi. Ở quê, lũ trẻ tha hồ sáng tạo như bắn ống ná, bắt chuồn chuồn, bắt ve. Tôi được bố giao một nhiệm vụ đặc biệt nữa đó là chăn vịt.

Tầm sáu giờ sáng, bố gọi tôi dậy dặn:

“Bố mở sẵn chuồng, ở nhà chơi nhưng tối về đủ vịt và đủ số trứng nghe.”

Tôi dạ, lồm cồm bò dậy, đánh răng, rửa mặt, chạy ra cầm cây sào xua vịt xuống mương, đếm đủ vịt rồi chạy vào ăn sáng. Bố để sẵn một chén cơm với quả trứng luộc. Sáng vịt thường đói. Tôi phải dùng cây sào lùa chúng lại, rải mớ chuối đã băm sẵn. Sau đó, tôi rủ đồng bọn của mình đi chơi. Nhè lúc chúng đang vui nên gạ mò ốc, bắt châu chấu. Chơi mấy trò để cuối ngày có ít mồi cho vịt. Có chất tanh như ốc, vịt đẻ trứng đều.

Mùa Hè năm ấy, bố dặn tôi chăm đàn vịt. (Ảnh minh họa: Phim "Khi Con Là Nhà")

Tôi dặn mấy đứa:

“Chăm chỉ, hôm nào tao xin bố cho chúng mày mỗi đứa một quả trứng về ấp.”

Mấy đứa vui lắm. Riêng cái Hoa, nó biết vịt ấp như thế nào, bĩu môi:

“Xời, cho trứng để ăn thì được chứ ấp phải có vịt mẹ chứ.”

Tôi quạu: “Kệ, thích thì ấp, mà thích ăn thì ăn.”

Rồi chúng tôi thành lập tổ chăn vịt. Tôi phân công thằng Huy và thằng Đạt đứng đầu con mương canh cho vịt không ra cánh đồng. Cái Sen, cái Tú đứng cuối mương. Tôi, Lành, Châu và An chịu trách nhiệm đi tìm mồi. Thỉnh thoảng chúng tôi đổi ca cho nhau. Mấy hôm đầu, công việc diễn ra khá suôn sẻ, cứ chiều chiều vịt về chuồng có thức ăn nên con nào cũng no. Sáng, tôi nhặt trứng cho vào giỏ cất. Bố tôi có vẻ cũng hài lòng.

Tôi cùng lũ bạn ùa ra đồng, vừa chơi vừa bắt cào cào châu chấu cho bầy vịt. (Ảnh minh họa: Phim "Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh")

Ngày tiếp, nắng, gió Lào quất nên tụi bạn thi nhau chui vào chỗ mát chơi. Tôi mò ốc, tìm châu chấu mệt quá, quay lại, đàn vịt chạy đi đâu hết. Tôi cuống cuồng chạy đi tìm, lũ bạn thì sợ quá, chúng bỏ về nhà hết. Còn tôi với cái Hoa đội nón ra ngoài đồng tìm cả trưa nhưng không đủ. Còn tám con, tách đàn mà hai đứa tìm mãi chẳng thấy, tôi suýt khóc chạy về nhà. Tới nhà thấy bác Hoàng bảo vệ đang ở trong, bác quát om sòm:

“Chăn vịt kiểu gì mà để nó chạy ra đồng ăn lúa, phá tan tành hết của nhà người ta.”

Tiếng mẹ tôi nhỏ nhẹ:

“Bác bình tĩnh, là lỗi của gia đình em, ngày mai em dặn bố nó nhốt chúng cẩn thận ạ.”

Bác Hoàng bỏ một lồng vịt trước cửa nhà tôi, tám con vịt sợ hãi kêu quàng quạc. Bác bỏ đi còn dọa:

Nếu còn để vịt ra đồng, tôi bẻ cổ hết!”

Bầy vịt ùa ra đồng đương mùa lúa trổ, một phen nhớ đời... (Ảnh minh họa: Phim "Khi Con Là Nhà")

Tối đó, tôi bị bố cho một trận tơi bời. Vịt đẻ thưa hơn. Mẹ tôi buồn rầu cho vào giỏ rồi dặn bố để vịt ở trong chuồng vài ngày. Tôi chăm chỉ đi mò ốc về làm cho chúng nhưng không được ra ngoài, lũ vịt kêu suốt ngày, chỉ đẻ được mấy quả trứng. Tôi lo quá, xin bố cho lũ vịt ra ngoài và hứa chăm sóc chúng cẩn thận. Chiều đó, cả bầy vịt về nhà và trông có vẻ mập mạp sau một ngày tự do. Nhưng sáng ra, trong chuồng không có trứng. Mẹ và tôi hốt hoảng đi tìm. Thấy chúng đẻ dưới bụi chuối. Tôi vừa canh vừa làm tổ cho lũ vịt đẻ ở ngoài và gom trứng về nhà.

Xong vụ mùa, lũ vịt được thoải mái tung tăng. Chúng thỏa thích đớp những bông lúa còn sót. Tôi có thời gian hơn để đi chơi cùng bạn bè và chỉ việc lùa chúng về khi trời xâm xẩm tối.

Buổi tối đó, bố tôi vui mừng thông báo:

“Nhà mình đã bán được trứng vịt đủ tiền mua sách vở cho các con trong năm học mới rồi đó.”

Em Nhân của tôi nhõng nhẽo:

“Thế có bộ quần áo mới không hả bố?”

Bố xoa đầu chúng tôi:

“Có chứ, vì chúng ta đã vất vả suốt mùa Hè mà.”

Mẹ cũng cười dịu dàng, mâm cơm có trứng, có thêm thịt nữa.

Tình bạn và mái ấm gia đình là còn mãi đọng trong ký ức tôi. (Ảnh minh họa: Phim "Khi Con Là Nhà")

Để tham gia cuộc thi viết "Ký ức mùa Hè của tôi", bạn có thể gửi bài dự thi đến truyennganh2t@gmail.com với tiêu đề email "Ký ức mùa Hè của tôi + Tên bài viết". Bạn có thể đọc thêm thể lệ cuộc thi ở đây.

NGÔ NỮ THÙY LINH

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/bai-du-thi-ky-uc-mua-he-cua-toi-tuoi-tho-nao-chan-vit-nhat-trung-tren-dong-post1326977.tpo