Bài diễn văn ngày 1/5/1975 và cành ô liu từ Hà Nội

Bài diễn văn đọc tại Lễ mít tinh mừng ngày Quốc tế lao động 1/5/1975 có một điểm đặc biệt mà hầu như ít ai được biết. Cuộc mít tinh thật đặc biệt bởi được tổ chức ngay sau thắng lợi vĩ đại ngày 30/4. Ông Nguyễn Túc - nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, năm nay 82 tuổi, người trực tiếp tham gia chấp bút bài diễn văn của buổi lễ đó - nhớ lại…

Chúng tôi lúc đó trong tổ giúp việc cho đồng chí Hoàng Quốc Việt, khi ấy là Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Hôm đó là buổi trưa ngày 30/4//1975.

Lúc này mấy anh em chúng tôi trong nhóm thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt (tôi là phụ trách nhóm thư ký) đang chuẩn bị ăn trưa thì bỗng có tiếng chuông điện thoại reo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi chạy vội lại nghe thì đầu dây bên kia có một giọng hỏi rất lính, rất hách dịch:

- Đồng chí là ai?

Hơi bực mình nhưng tôi vẫn bình tĩnh trả lời:

- Tôi là Nguyễn Túc, thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt.

Vẫn chất giọng như lúc đầu, tiếng người đầu dây bên kia nói:

- Tôi là Bí thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi yêu cầu đồng chí báo cáo với Thủ trưởng là quân ta đã giải phóng Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng! Hết!

Ông Nguyễn Túc - nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Sau một vài giây lặng đi vì ngỡ ngàng, tôi trấn tĩnh lại và đáp:

- Thông tin quan trọng quá. Đề nghị đồng chí đọc chậm để tôi ghi chép.

Tin vui đến bất ngờ, anh em trong tổ thư ký chúng tôi ai nấy đều như muốn hét lên. Không ai nghĩ chiến thắng lại đến nhanh như thế.

Bỏ lại bữa cơm trưa, anh em chúng tôi sang phòng của đồng chí Hoàng Quốc Việt để báo cáo tin chiến thắng với thủ trưởng. Từng kinh qua bao thử thách của cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt cũng không kìm nén được niềm vui trước thông tin chiến thắng.

Rồi đồng chí gọi cả gia đình cùng anh em thư ký và bảo vệ đến phòng khách để liên hoan đột xuất mừng đại thắng. Liên hoan rất giản dị là những ly rượu thuốc ngâm gấc do Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ T.Ư cung cấp.

Nâng ly rượu mừng đồng chí Hoàng Quốc Việt thốt lên: “Thế là ý chí thống nhất đất nước, khát vọng hòa bình của nhân dân ta đã thành hiện thực”.

Theo chương trình, buổi chiều hôm đó sẽ diễn ra mít tinh chào mừng ngày Quốc tế lao động 1/5/1975. Theo thông lệ, nội dung bài diễn văn của Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam sẽ được trình lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư duyệt trước đó 1 tuần và người chịu trách nhiệm duyệt cuối cùng là đồng chí Trường Chinh - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phụ trách công tác tư tưởng lý luận của Đảng.

Bài diễn văn của Chủ tịch Hoàng Quốc Việt dự định đọc tại cuộc mít tinh chiều 30/4/1975 cũng vẫn theo thông lệ đó. Tôi bỗng nhiên nhận ra vấn đề: Giờ đây, những ngôn từ của diễn văn dự định đọc chiều hôm đó, phần nói về cuộc chiến đấu chống Mỹ - Thiệu vẫn theo hướng quen thuộc là lên án mạnh mẽ cùng những ngôn từ vô cùng cứng rắn.

Rõ ràng, điều đó không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay và cần có những thông điệp phù hợp với thực tế.

Nhấp xong ly rượu gấc tôi chủ động nêu vấn đề với đồng chí Hoàng Quốc Việt.

Nghe tôi trình bày xong, Chủ tịch Hoàng Quốc Việt đồng ý và nói: “Nhà đồng chí Trường Chinh ngay đây. Chúng ta cùng đi bộ sang”.

Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Trường Chinh trầm ngâm nói: “Vấn đề này lớn quá, lại đến đột ngột, cá nhân tôi không quyết định được. Theo tôi, nên sang xin ý kiến anh Ba. Nhà anh Ba cũng gần ngay đây”.

Anh Ba là đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Chỉ mấy phút sau, 3 đồng chí lãnh đạo cao cấp đã gặp nhau. Chứng kiến cảnh 3 nhà cách mạng kỳ cựu mừng vui khôn xiết trong giờ phút chiến thắng huy hoàng của đất nước, của dân tộc, anh em thư ký và bảo vệ chúng tôi ai cũng ứa nước mắt.

Sau khi nghe báo cáo, anh Ba nói: “Tôi đã triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chiều nay để bàn một số nội dung, trong đó có nội dung bài diễn văn anh Việt vừa nêu. Chiều nay anh sang dự họp cùng để nắm nội dung”.

Sau cuộc họp Bộ Chính trị chiều hôm đó, cuộc mít tinh được dời sang sáng hôm sau (1/5/1975). Phần nói về Mỹ -Thiệu và cách xử sự với Mỹ trong khung cảnh mới đã được thay bằng nội dung như sau: “Với thắng lợi này, nhân dân Việt Nam gửi lời chào hữu nghị đến nhân dân Mỹ; nhân dân Việt Nam cảm ơn những người Mỹ có lương tri đã đồng tình ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và mong rằng từ nay quan hệ giữa hai nước bước sang một trang sử mới”.

Thông điệp quan trọng đó được đọc lên tại cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội sáng 1/5/1975. Cũng tại cuộc mít tinh đó trong phần mở đầu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã công bố thông điệp hòa bình khi ông nói, “chúng ta gửi lời chào hữu nghị đến nhân dân Mỹ”.

Việt Nam đã chìa cành ô liu ra với Mỹ.

Tiếc rằng trong khung cảnh khi ấy, thiện chí đó đã không được đáp lại. Nhưng logic lịch sử vẫn là logic cho dù phải đợi đến đúng 20 năm sau, Việt Nam và Mỹ mới bình thường hóa quan hệ để tiến tới thiết lập bang giao hữu nghị, khép lại quá khứ để đưa mối quan hệ sang trang mới như ngày hôm nay và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Kể đến đây, ông Nguyễn Túc sôi nổi nói: “Câu chuyện trên cho thấy lãnh đạo cấp cao của chúng ta lúc đó có thể nói là vô cùng sáng suốt. Chúng ta chiến đấu vì độc lập tự do, chiến đấu cho chiến thắng nhưng không khiến người khác mất mặt”.

“Điều này cũng cho thấy sự tiếp nối liền mạch của Đảng ta trong việc thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc cũng như hòa hiếu giữa các quốc gia và tiếp nối truyền thống nhân nghĩa của ông cha ta. Đúng như người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo sau thắng lợi 10 năm gian khổ của cuộc kháng chiến chống quân nhà Minh: “Sửa hòa hiếu cho hai nước/Tắt muôn đời chiến tranh” - ông Nguyễn Túc chia sẻ.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-dien-van-ngay-151975-va-canh-o-liu-tu-ha-noi-118861.html