Bài cuối: Truyền thuyết và ngôi mộ bí ẩn của vị Đốc binh một thời lừng lẫy

'Cho đến nay, không ai xác định được vị trí ngôi mộ thật của cụ Đốc binh Kiều. Ngôi mộ hiện hữu được người dân xây dựng, thờ cúng, xuất phát từ những điềm báo rất kỳ lạ', ông Tư Bảo cho biết.

Mộ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều quanh năm đều có người thành kính nhang khói - Ảnh: Thanh Anh

Mộ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều quanh năm đều có người thành kính nhang khói - Ảnh: Thanh Anh

Huyền thoại Thiên hộ Dương - Đốc binh Kiều

Ông Tư Bảo nói, hiện nay trong quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp có đền thờ 2 vị Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều được xếp hạng di tích Quốc gia. Trước đây, trong khu này chỉ có 1 ngôi đền được người dân xây dựng vào năm 1958, thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Đến năm 1993, ngôi đền được sửa chữa lại và thờ thêm Thiên hộ Võ Duy Dương. Sau khi khu Gò Tháp được công nhận là khu di tích Quốc gia đặc biệt thì 1 ngôi đền Thiên hộ Dương đã được xây dựng mới, thờ riêng ông.

Theo tư liệu lịch sử, Thiên hộ Võ Duy Dương sinh năm 1827, là người gốc ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1857, ông vượt biển vào Nam, đến vùng đất Ba Giồng ven Đồng Tháp Mười thiết lập mối quan hệ với các nông dân, điền chủ, danh nho, mở cuộc chiêu dân, khai hoang lập ấp.

Ông được triều đình nhà Nguyễn phong hàm Chánh bát phẩm Thiên hộ vào năm 1860, nên người dân mới gọi ông là Thiên hộ Dương. Từ tháng 2.1859 đến tháng 7.1864, Thiên hộ Dương liên kết với các sĩ phu yêu nước ở miền Tây Nam Bộ như Bình Tây đại nguyên soái Trương Định ở Gò Công, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân ở Mỹ Tho, Trần Xuân Hòa ở Thuộc Nhiêu… kháng chiến chống Pháp.

Năm 1864, Thủ khoa Huân bị bắt, Trương Định hy sinh, yếu thế nên Thiên hộ Dương rút quân vào khu Gò Tháp, liên kết với Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tiếp tục lập căn cứ kháng chiến. Tháng 4.1866 Thủy sư đô đốc người Pháp là De Lagrandìere tổng tấn công triệt hạ Gò Tháp, Thiên hộ Dương phải rút lui khỏi căn cứ. Tháng 11 năm đó, ông vượt biển về Huế, nhưng bị cướp biển giết chết ở cửa biển Thần Mẫu (cửa Cần Giờ ngày nay).

Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều không ai rõ năm sinh, chỉ biết ông hy sinh năm 1866. Ông là người miền Trung di cư vào Nam lập nghiệp, tham gia khai hoang lập ấp. Khi liên kết với Thiên hộ Dương lập căn cứ kháng chiến, Đốc binh Kiều được phong làm Phó Tướng. Giỏi võ nghệ, có tài thao lược, nhiều mưu trí sáng kiến trong trận mạc, nên Đốc binh Kiều được người dân gọi là Quan lớn Thượng.

Chính ông là người chọn Gò Tháp làm căn cứ kháng chiến chống Pháp, bởi nhận thấy địa hình nơi đây trũng thấp, được bảo vệ bằng rừng tràm, lau sậy, đầm lầy, không có đường giao thông bộ và có sự hỗ trợ đắc lực của các sinh vật mà người Pháp kinh sợ như đỉa, muỗi, rắn, rít. Đốc binh Kiều hy sinh vào tháng 4.1866, trong lúc đang thị sát trận tấn công của quân Pháp vào căn cứ Gò Tháp.

Theo lời ông Tư Bảo, chính Đốc binh Kiều là người nghĩ ra và cùng nghĩa quân huấn luyện những đội quân đặc biệt, làm quân Pháp nhiều phen khiếp vía. Đó là các đội quân ong vò vẻ, quân rắn độc, quân trâu… Những đội quân ong vò vẻ, rắn độc được Đốc binh Kiều bày binh bố trận khắp các lối mòn, bụi rậm ở các vùng ngoại vi căn cứ và chỉ có người trong chiến khu mới biết rõ vị trí. Vì vậy mỗi lần quân Pháp tấn công vào căn cứ, chưa vào được bên trong thì đã bị ong, rắn tấn công túi bụi, phải tháo chạy.

“Nhưng đội quân trâu của “Quan lớn Thượng” mới là điều đặc biệt nhất. Phát hiện quanh vùng có rất nhiều điền chủ nuôi trâu với số lượng lớn, ngài đã mời các điền chủ đưa hàng trăm con trâu vào chiến khu để… tập đánh trận.

Hàng ngày, Đốc binh Kiều và nghĩa quân tổ chức huấn luyện trâu theo hiệu lệnh: gõ 1 tiếng mõ tre trâu nằm sát đất, phủ phục trong lau sậy, im hơi lặng tiếng mai phục; gõ 2 tiếng mõ cả đàn trâu hàng trăm con nhất tề đứng dậy cúi đầu hạ sừng xuống, gõ tiếng mõ thứ 3 toàn bộ đàn trâu ào ạt lao lên xung phong càn quét vào đội hình của giặc. Do đàn trâu quá đông nên giặc bắn không xuể, hò nhau bỏ chạy tán loạn”, ông Tư Bảo kể.

Ly kỳ chuyện xác định mộ của cụ Đốc binh

Theo ông Tư Bảo, sau khi Đốc binh Kiều hy sinh, xung quanh nơi an nghỉ của cụ có rất nhiều giả thiết, giai thoại, nhưng không ai biết rõ thực hư. Có nhiều ý kiến cho rằng, sau khi bị thương nặng Đốc binh Kiều được nghĩa quân chở về khu vực xã Long Hưng (nay thuộc H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) điều trị rồi mất ở đó.

Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, trước đây từng thờ chung 2 vị Đốc binh Kiều và Thiên hộ Dương - Ảnh: Thanh Anh

Nhưng giả thuyết này khó thuyết phục, vì từ chiến khu Gò Tháp về Long Hưng rất xa, đường sá cách trở, tai mắt giặc ở khắp nơi. Trong khi đó thì các bậc bô lão trong vùng nghiêng về giả thuyết: khi cụ Đốc binh Kiều hy sinh, để tránh tai mắt của giặc nên an táng cụ xong nghĩa quân đã cho đắp rất nhiều ngôi mộ, không ai biết mộ nào là giả, mộ nào là thật. Theo thời gian, những người biết chuyện đều qua đời, từ đó ngôi mộ thật của cụ Đốc binh Kiều không thể xác định được chính xác vị trí.

“Ngôi mộ cụ Đốc binh Kiều hiện nay ở phía sau đền thờ cụ, được xây dựng kiên cố, ốp đá hoa cương đen, nhưng không ai có thể khẳng định đó có phải thật sự là nơi an nghỉ của cụ hay không. Bởi lẽ ngôi mộ này được xây dựng chủ yếu từ những điềm báo rất kỳ lạ, bí ẩn”, ông Tư Bảo cho biết.

Ông Tư kể, trong khi mọi người còn đang đoán già đoán non về phần mộ của cụ Đốc binh Kiều thì vào mùa tát đìa bắt cá tháng 3.1940, người dân quanh vùng trúng mùa, nên nhiều người phải dùng trâu kéo xe vận chuyển cá từ ngoài đồng về nhà. Khi xe chở cá đi ngang khu di tích Gò Tháp, bất ngờ 1 con trâu không chịu đi tiếp mà dừng lại mài sừng vào gốc cây sao cổ thụ.

Không biết làm thế nào mà con trâu lại bị mắc kẹt chiếc sừng vào cái hốc dưới gốc cây, mọi người làm mọi cách nhưng con trâu vẫn không rút sừng ra được. Đang loay hoay, bỗng có 1 ông lão lạ mặt đi đến, đứng xem một hồi rồi nói: “Chỗ này là đất thiêng liêng, con trâu bị kẹt sừng là do các Ngài quở trách, phải bày mâm cỗ cúng bái thành tâm mới giải quyết được”. Ông lão nói xong bỏ đi mất dạng, còn chủ xe trâu thì vội vàng sắm mâm lễ mọn thành tâm khấn vái, xin được tha tội.

Điều kỳ lạ là người chủ trâu vừa cúng kiến xong thì con trâu tự nhiên rút sừng lên được, nhưng trên đỉnh sừng có dính 1 vật lạ. Khi mọi người đến xem thì tất cả đều hoảng hồn, vì vật lạ trên sừng trâu là 1 miếng gỗ trai có khắc tên ngài Đốc binh Kiều. Từ đó người dân cho rằng nơi con trâu mài sừng là mộ của Ngài, nên tiến hành xây mộ, lập đền thờ cúng.

Ngoài chuyện trên, ông Tư Bảo còn kể 1 chuyện khác: cũng vào mùa tát đìa khoảng năm 1940, có người chuyên đấu thầu đìa cá bắt được số lượng cá rất lớn, bán được nhiều tiền. Cho rằng trời đất đã phù hộ mình trong việc làm ăn, nên trước khi rời Gò Tháp ông ta tổ chức cúng tế tạ ơn rất trọng thể, trong lễ có mời bà bóng rỗi đến múa phục vụ. Giữa lúc mọi người đang mải mê xem bóng múa, bất thình lình có 1 cậu bé chừng 14 tuổi lột phăng chiếc áo đang mặc ra bịt lên đầu, từ dưới sân lễ chạy lên sân khấu dang tay tát cho bà bóng mấy cái nảy lửa.

Chưa ai kịp can ngăn thì cậu bé quát lớn: “Ta không ưa cái trò đồng bóng này, dẹp hết ngay cho ta, nếu không ta vặn họng chết hết bây giờ”. Tay thầu đìa cá và mọi người đang xem hát nhìn thấy cậu bé mặt mày đỏ gay, thái độ giận dữ, liền sụp xuống lạy như tế sao. Lúc ấy cậu bé mới dịu giọng, phán:

“Ta là Quan lớn Thượng Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, mộ ta ở ngay phía sau chỗ này. Xem hát bội còn làm cho ta thấy thích thú, chớ mấy cái trò múa may quay cuồng đồng bóng làm ta rối mắt quá. Từ này các người không được bày trò đồng bóng trước mặt ta”. Nói xong, cậu bé ngã xuống đất bất tỉnh nhân sự, mồ hôi vã ra như tắm, mấy giờ sau mới tỉnh lại và hoàn toàn không nhớ gì.

Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương vừa xây dựng xong - Ảnh: Thanh Anh

Theo sự chỉ dẫn từ lời của cậu bé, người dân Gò Tháp vun đất đá thành 1 nấm mồ và dựng một mái nhà bằng tre lá làm đền thờ vị Đốc binh, quanh năm nhang khói rất thành kính. Địa điểm ấy hiện nay là khu mộ và đền thờ Đốc binh Kiều.

Ông Võ Tấn Nghĩa, cán bộ Ban Quản lý khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, xác nhận ngôi mộ và đền thờ Đốc binh Kiều được dân chúng trong vùng xây dựng khoảng năm 1946-1947. Sau năm 1954, ngôi mộ và đền thờ được xây dựng lại bằng gạch, trùng tu nhiều lần nên rất khang trang.

“Hàng năm đến ngày rằm tháng 11 là lễ giỗ 2 vị Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều với sự tham dự của hàng ngàn người dân từ nhiều tỉnh thành. Ở Gò Tháp, những truyền thuyết, giai thoại xung quanh địa danh, nhân vật, sự kiện lịch sử đều gắn chặt với tên tuổi Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều và các chỉ huy nghĩa quân như Thống Linh, Phòng Biểu... Người dân trong vùng từ lâu đã xem Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều là những vị thần phù hộ quốc thái dân an”, ông Nghĩa nói.

Thanh Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/phong-su-ky-su-c-96/bai-cuoi-truyen-thuyet-va-ngoi-mo-bi-an-cua-vi-doc-binh-mot-thoi-lung-lay-119545.html