Bài cuối: Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Kênh đầu tư 'thời thượng', nhưng không dành cho nhà đầu tư 'đại trà'

Không phủ nhận tính hấp dẫn và tiềm năng của kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (DN) phát hành riêng lẻ tại Việt Nam, tuy nhiên, ở kênh đầu tư này, trái chủ chính là các DN nên rủi ro sẽ lớn hơn trong trường hợp các tổ chức phát hành làm ăn không hiệu quả hoặc thua lỗ trong kinh doanh.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ DN phát hành, hoặc tìm tới các tổ chức trung gian uy tín trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ảnh: Duy Dũng

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ DN phát hành, hoặc tìm tới các tổ chức trung gian uy tín trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ảnh: Duy Dũng

Chính vì vậy, việc tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sơ cấp thường chỉ dành riêng các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, mà không dành cho các nhà đầu tư “đại trà”. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

PV: Theo phản ánh, vừa qua trên thị trường có hiện tượng lách luật trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, để tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này? “Lách luật” ở đây cụ thể là như thế nào?

Ông Phạm Hồng Sơn: Dù tổng giá trị phát hành không còn tăng mạnh như năm trước, nhưng có thể thấy thị trường TPDN vẫn duy trì đà tăng trưởng với nhiều kết quả khá tích cực từ đầu năm tới nay. Thị trường chứng khoán tăng trưởng đã thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) gia tăng huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu ra công chúng. Cùng với đó, nhờ các văn bản pháp lý mới ra đời (Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 155/2020/NĐ-CP) với nhiều quy định theo hướng chặt chẽ, minh bạch hơn đã phần nào hỗ trợ kênh phát hành TPDN riêng lẻ đi vào chất lượng hơn.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng, chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Các DN nghiêng nhiều hơn sang kênh phát hành TPDN đại chúng, bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực trên thị trường.

Lãi suất TPDN phát hành riêng lẻ cũng có xu hướng giảm. Lãi suất phát hành bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 7,9%/năm, giảm 1,6%/năm so với cùng kỳ năm 2020 (9,5%/năm).

Đặc biệt, về cơ cấu nhà đầu tư (NĐT) chính tham gia thị trường TPDN sơ cấp cũng có sự chuyển dịch tích cực, khi phần lớn là các NĐT tổ chức. Tỷ trọng NĐT cá nhân là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,7% khối lượng phát hành, giảm mạnh so với tỷ trọng NĐT cá nhân năm 2020 (là 12,68%). Điều này cho thấy các quy định mới tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP phần nào đã phát huy tác dụng nhằm nâng cao chất lượng các NĐT tham gia thị trường TPDN riêng lẻ.

Mặc dù có được những kết quả ban đầu như trên, nhưng chúng tôi cũng thấy trên thị trường đã xuất hiện một số hiện tượng “lách” quy định về NĐT chứng khoán chuyên nghiệp để tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ. Có hiện tượng một số NĐT cá nhân nhỏ lẻ đã mua rồi bán chứng khoán trong thời gian ngắn với giá trị trên 2 tỷ đồng, có thể đây là cách để đủ điều kiện trở thành NĐT chứng khoán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiện tượng này đang khá đơn lẻ, chưa phổ biến.

Ngoài ra, trên thị trường cũng có trường hợp một số tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian chào mời và phân phối TPDN riêng lẻ tới các NĐT cá nhân chưa đủ điều kiện là NĐT chuyên nghiệp.

PV: Từ góc độ là đơn vị phối hợp quản lý nhà nước, ông đánh giá thế nào về tính rủi ro của hiện tượng này đối với thị trường TPDN riêng lẻ?

Ông Phạm Hồng Sơn: Không thể phủ nhận tính hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng của thị trường TPDN của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro. Việc tăng cường quản trị rủi ro là yêu cầu cần thiết đối với cả tổ chức phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian và cả NĐT tham gia.

Theo quy định của pháp luật, các DN phát hành TPDN riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Do đó, trường hợp DN phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao nhưng tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, hoặc sử dụng vốn không hiệu quả dẫn đến rủi ro DN không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới NĐT nắm giữ TPDN, đặc biệt là các NĐT cá nhân vì khả năng chịu tổn thương tài chính kém hơn. Hơn nữa, nếu rủi ro không được kiểm soát, thì rất có thể sẽ ảnh hưởng tới tính minh bạch và ổn định của thị trường TPDN nói chung. Đây cũng là lý do mà cơ quan quản lý nhiều lần cảnh báo.

Còn đối với NĐT tham gia, pháp luật quy định NĐT tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua TPDN riêng lẻ. TPDN riêng lẻ là kênh đầu tư hiệu quả, hiệu suất tốt nếu NĐT có kỹ năng đầu tư tốt, nhưng phải lưu ý rằng, đây không phải là kênh đầu tư dành cho đại đa số NĐT. Chính vì vậy, việc quy định đối tượng được phép mua/bán giao dịch TPDN riêng lẻ là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp là nhằm mục đích bảo vệ các NĐT cá nhân nhỏ lẻ, thiếu kỹ năng phân tích, đánh giá rủi ro và thiếu kinh nghiệm trong đầu tư. Mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành NĐT chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tham gia giao dịch TPDN riêng lẻ là điều hoàn toàn không nên, bởi có thể sẽ gây rủi ro trực tiếp cho chính các NĐT đó.

PV: Về quy định pháp lý, chúng ta có công cụ gì để xử lý tình trạng này hay không thưa ông?

Ông Phạm Hồng Sơn: Việc xác định NĐT chứng khoán chuyên nghiệp về tiêu chí, cách xác định NĐT chứng khoán chuyên nghiệp đã được quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán năm 2019 và Điều 4, Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Do đó, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Hiện nay, cơ quan quản lý cũng đang sửa đổi, bổ sung hành vi trong hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ để mô tả phù hợp hơn với quy định tại Nghị định 155 và Nghị định 153 về hoạt động chào bán, phát hành riêng lẻ.

Cụ thể, dự thảo đang đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 8, Nghị định 156/2020/NĐ-CP như sau: "b) Lựa chọn NĐT tham gia mua chứng khoán chào bán, phát hành riêng lẻ không đúng đối tượng theo quy định pháp luật; không đảm bảo việc chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, trung thực, có thể kiểm chứng được, không gây hiểu nhầm và có đầy đủ những nội dung có thể ảnh hưởng đến quyết định của NĐT; không rà soát đối tượng tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật".

Song song với đó, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức phát hành, các tổ chức trung gian và các bên liên quan, trong đó bao gồm cả việc xác định tư cách NĐT chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua TPDN riêng lẻ.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền tới NĐT về các rủi ro có thể gặp phải trên thị trường TPDN, để hơn ai hết, NĐT cá nhân hiểu rõ hơn về việc “lách” quy định để trở thành NĐT chứng khoán chuyên nghiệp thì người có thể chịu rủi ro lớn nhất là chính họ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần tuân thủ các quy định pháp lý để đầu tư an toàn

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển lành mạnh, bền vững, các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường cần tuân thủ nghiêm túc các quy định tại Luật Chứng khoán, Luật doanh nghiệp (DN), Nghị định 155 và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Riêng đối đối với nhà đầu tư (NĐT) khi tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ, ngoài việc cân nhắc kỹ về sản phẩm đầu tư, thời điểm đầu tư thì cần phải lựa chọn tổ chức phát hành có uy tín, đảm bảo khả năng thanh toán thông qua việc nắm bắt, nghiên cứu kỹ hồ sơ DN phát hành và các đơn vị liên quan (tổ chức bảo lãnh phát hành, tổ chức tư vấn), tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan về TPDN. NĐT nên tiếp cận nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy, hoặc các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, uy tín để đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn.

Duy Thái (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2021-07-21/bai-cuoi-trai-phieu-doanh-nghiep-rieng-le-kenh-dau-tu-thoi-thuong-nhung-khong-danh-cho-nha-dau-tu-dai-tra-107781.aspx