Bài cuối: Tìm biện pháp cấp bách cứu làng cổ

Làng Cự Đà - ngôi làng cổ hàng trăm tuổi giữa lòng Thủ đô Hà Nội sở hữu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc lâu đời, là bức tranh làm nên truyền thống ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội đang đứng trước rất nhiều thách thức trong công tác bảo tồn.

Bài 3: Chắt chiu tinh hoa làng nghề

Bài 2: Người trẻ muốn phá nhà cổ

Bài 1: Nơi cất giữ dấu tích ngàn xưa

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần sớm có các biện pháp cấp bách bảo vệ làng cổ trước nguy cơ bị xóa sổ.

Xếp hạng để giảm nguy cơ xóa làng cổ

KTS Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết trong một cuộc hội thảo, theo khảo sát của Viện Bảo tồn di tích, tốc độ biến dạng, thay đổi, mất mát của các làng cổ trên địa bàn Hà Nội đặc biệt nhanh chóng trong gần 10 năm gần đây. Nhiều ngôi làng chỉ 3 năm trước đến 3 năm sau đoàn khảo sát quay lại đã gần như biến mất. Làng Cự Đà không nằm ngoài con số này, số nhà cổ bị phá, nhiều di tích di chỉ gắn với làng bị biến mất hoặc làm thay đổi hình dạng.

 Nhiều ngôi nhà, công trình tại làng Cự Đà đã xuống cấp theo thời gian. Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều ngôi nhà, công trình tại làng Cự Đà đã xuống cấp theo thời gian. Ảnh: Phạm Hùng

Từ nhiều năm trước, khi tốc độ đô thị hóa bắt đầu mạnh mẽ, các nhà khoa học, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, kêu cứu vì sự biến mất đầy đau đớn của ngôi làng cổ giá trị hàng trăm năm tuổi trong lòng Thủ đô. Khi đó, người ta đã mong ước những làng như Cự Đà được quan tâm xếp hạng di tích để có chế tài bảo vệ. Tuy nhiên, đến nay vấn đề nhận diện giá trị làng cổ để đi đến xếp hạng di tích vẫn chưa thể thực hiện.

Hiện giờ, Đường Lâm vẫn là cái tên duy nhất được công nhận trong danh mục làng cổ mà HĐND TP Hà Nội vừa thông qua. Vậy nhưng, vấn đề bảo tồn cái làng cổ duy nhất này cũng còn quá nhiều lúng túng, vướng mắc và bất cập. Dân làng Đường Lâm đã từng làm đơn xin trả lại danh hiệu để bớt khổ vì sống trong làng cổ. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc xếp hạng làng cổ cho Cự Đà là cần thiết, tuy nhiên cũng cần phải rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các chương trình bảo tồn mang tính khả thi.

GS Hoàng Đạo Kính cho rằng bảo tồn làng cổ phải nhận diện, nghiên cứu và bảo vệ cho được các “tinh hoa” không phải là bỏ tiền ra ồ ạt, mở rộng diện công nhận mà chưa có sự đánh giá đầy đủ. Điều đó dẫn đến bảo tồn vẫn bảo tồn mà tinh hoa vẫn bị mất. Đó chính là vì bảo tồn chưa đạt tới sự khả thi. Chính quyền cần có chính sách bảo tồn trong sự phát triển, bảo tồn di tích hài hòa trong đời sống đang vận động. Nếu xây dựng được kế hoạch bảo tồn bài bản, phù hợp với xu hướng chung và tình hình phát triển của địa phương thì Bộ VHTT&DL có công nhận Cự Đà là làng cổ cũng sẽ góp phần bảo tồn di sản, chứ không là chướng ngại vật cho sự phát triển của làng.

Quan tâm đến lợi ích cộng đồngLàng cổ là di sản “sống” nên việc bảo tồn, phát huy giá trị không thể tách rời với việc bảo đảm lợi ích người dân sinh sống trong đó. Kiến trúc làng Việt truyền thống không thể bảo tồn theo hình thức “bảo tàng hóa” mà nó là các di sản sống, có giá trị với cuộc sống đương đại và cũng có những sự thay đổi theo yêu cầu của cuộc sống, cần phải có cách tiếp cận bảo tồn mới.

Những khó khăn, thách thức như ở làng Cự Đà hiện nay cũng là vấn đề nhức nhối của nhiều làng cổ khác trên địa bàn Hà Nội như: Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm), Bát Tràng (Gia Lâm), Cổ Loa (Đông Anh)... GS.TS Đặng Văn Bài (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) cũng cho rằng, những vấn đề phát sinh vướng mắc mà Hà Nội vấp phải trong bảo tồn làng cổ vừa qua cũng vì chưa đặt con người - chủ nhân của di sản làm trung tâm của bảo tồn.

“Vẻ đẹp rêu phong, cổ kính của làng cổ thì ai đến thăm cũng trầm trồ, nhưng ít người biết được những bức bối phát sinh, hiện hữu hằng ngày ở nơi đây. Do vậy, hiện chúng tôi chưa có đầu tư gì cụ thể cho phát triển du lịch. Chúng tôi mong chính quyền sớm có chính sách hỗ trợ, cũng như có phương án bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống” - ông Nguyễn Quang Huy - Trưởng thôn Cựu, làng Cự Đà, chia sẻ.

Chính vì vậy, TS.KTS Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cần sớm hoàn thiện việc kiểm kê nhà cổ, điều tra dân số, nhân khẩu, cấp đất giãn dân và quy hoạch bảo vệ làng cổ. Việc cấp đất giãn dân có thể thực hiện ngay gần làng cổ để tiện cho việc di dời và điều kiện kết nối của người dân. Cùng với đó, cần có sáng kiến khai thác du lịch mang lại lợi ích cho dân để họ có ý thức về giá trị tài sản của mình, có phương án chủ động bảo vệ gìn giữ.

Gắn với phát triển du lịchTrên thực tế, thời gian gần đây vào dịp cuối tuần có nhiều du khách đến tham quan làng cổ Cự Đà. Họ chụp ảnh mái đình, chùa, nhà cổ, lối ngõ rêu phong và trải nghiệm về những hoài niệm xưa. Men theo con đường nhỏ bên làng dọc theo dòng sông Nhuệ, du khách bắt gặp chiếc cổng làng cũ kỹ, mái đình, chùa, mái nhà xưa còn nguyên vẹn màu ngói đỏ phủ lên lớp rêu xanh. Ở đó còn có giếng làng, xung quanh là những xoài, quéo cổ thụ, thân mang đầy rêu mốc của thời gian. Tuy nhiên, du lịch làng Cự Đà chủ yếu là tự phát, giữa chính quyền, công ty du lịch và người dân chưa có sự phối hợp để xây dựng những tour tuyến du lịch, hoặc các sản phẩm du lịch bài bản cho Cự Đà.Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững gợi ý: Chính quyền các địa phương có thể xây dựng các trung tâm thông tin du lịch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công cộng, hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước, vận động người dân tham gia vào việc duy trì cuộc sống nông thôn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống... để tạo ra nhiều chuỗi sản phẩm du lịch khác nhau, dựa trên những giá trị đặc trưng của mình.

Chẳng hạn như làng cổ Đường Lâm hoàn toàn có thể xây dựng những tour du lịch đặc biệt về mùa lúa chín với các hoạt động tham quan, thưởng ngoạn cánh đồng lúa chín vàng, tổ chức đám cưới lãng mạn trên cánh đồng, thi làm hình nộm rơm... Hay tour du lịch chủ đề “Đêm trăng ở Đường Lâm” với lửa trại, thả đèn đom đóm, ăn đồ nướng, ngắm trăng sao..., vừa khuyến khích người dân cùng tham gia làm du lịch, tăng thêm thu nhập, vừa giúp giữ gìn nét văn hóa truyền thống cho làng cổ.

Mặc dù, địa phương đã tuyên truyền vận động người dân giữ lại ngôi nhà cổ, nhưng do nhu cầu phát triển kinh tế và quá trình đô thị quá rất cao, trong khi đó du lịch chưa phát triển nên khó có thể động viên Nhân dân giữ được nhà cổ. Cách dây 5 - 6 năm, huyện Thanh Oai đã xây dựng kế hoạch kết nối làng cổ Cự Đà với các điểm di tích, các du lịch trên địa bàn huyện với nhau. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể hình thành được các tour du lịch theo chuỗi liên kết.Mong muốn người dân Cự Đà cũng như cấp ủy, chính quyền xã Cự Khê giữ lại những ngôi nhà cổ hiện có. Cùng với đó, các cấp sớm có kế hoạch phát huy giá trị văn hóa làng cổ và nghề làm miến dong, tạo thành tour du lịch trải nghiệm.

"Bảo tồn làng Cự Đà cần phục vụ phát triển và ngược lại, phát triển không phải bằng mọi giá mà hy sinh bảo tồn. Cần nhìn nhận rõ hơn vai trò của cộng đồng, chú trọng khai thác thế mạnh của di sản theo hướng lấy du lịch là mũi nhọn. Người dân phải là chủ thể bảo tồn, nghĩa là di sản phải mang lại lợi ích cho chính cộng đồng nơi đây có như vậy việc bảo tồn mới bền chặt."- Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia -PGS.TS Đặng Văn Bài

"Đảng bộ chính quyền Cự Khê đã tuyên truyền đến Nhân dân Cự Đà để giữ được những nếp nhà cổ, ngõ cổ, từ đó phát huy giá trị du lịch từ làng cổ. Tuy nhiên, du khách đến tham quan làng Cự Đà chưa nhiều, vì vậy địa phương phải làm tốt hơn công tác quảng bá hình ảnh của làng cũng như kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch, dịch vụ."- Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương

Phương Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lang-cu-da-nha-co-nghe-xua-mai-con-khong-bai-cuoi-tim-bien-phap-cap-bach-cuu-lang-co-412610.html