Bài cuối: Thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về bạo lực gia đình và trẻ em

Hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình và trẻ em. có thể được thiết lập thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng trang thông tin điện tử, mạng xã hội như facebook, fanpage, twitter…

Trong phiên thảo luận về Hoàn thiện và thực thi pháp luật chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, do Bộ Tư pháp tổ chức, nhiều chuyên gia pháp lý đã chỉ ra rằng, để chống phân biệt đối xử và bạo lực, không chỉ cần nỗ lực của các cơ quan pháp luật, mà còn phải có sự thay đổi về nhận thức, văn hóa và phối hợp của chính nạn nhân.

Trung tá Phạm Mai Hiên, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2019, số vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em tăng đến 83% số vụ so với năm 2018.

Đặc biệt nhóm tội xâm hại trẻ em, nhóm tội giao cấu với trẻ em tăng đột biến so với năm ngoái. Điều này đặt ra dấu hỏi cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là cơ quan làm chính sách quan niệm về công tác truyền thông và các công tác liên quan về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đó là ảnh hưởng của mạng xã hội, tranh ảnh đồi trụy có ảnh hưởng, tác động như thế nào và liên quan gì đến nhóm tội này? Rồi vấn đề môi trường tưởng chừng an toàn nhất như trường học lại dễ xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Trung tá Phạm Mai Hiên cho hay, số vụ xâm hại trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2019 gia tăng đột biến so với năm 2018. Ảnh: P.Thảo

Trung tá Phạm Mai Hiên cho hay, số vụ xâm hại trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2019 gia tăng đột biến so với năm 2018. Ảnh: P.Thảo

Về bạo lực gia đình, bà Hiên cho hay, những vụ việc xử lý hình sự đang ngày càng gia tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự. Để giải quyết mâu thuẫn, cần có nhận thức của mỗi thành viên về đạo đức, kiến thức, kỹ năng giải quyết những phát sinh trong cuộc sống, sinh hoạt. Theo bà Hiên, trong phòng, chống bạo lực và phân biệt đối xử, cần lấy phòng ngừa là chính, chú trọng tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với văn hóa, truyền thống.

Từ thực tiễn công tác trợ giúp pháp lý, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, do tính chất nhạy cảm của vụ việc và đặc thù của nạn nhân thường là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, có những vướng mắc, khó khăn nhất định và thường e ngại khi phải nói ra sự việc nên cần nghiên cứu thành lập Hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc phân biệt đối xử, bạo lực trẻ em hoặc bạo lực gia đình.

Hệ thống này có thể được thiết lập thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin như xây dựng trang thông tin điện tử, mạng xã hội như facebook, fanpage, twitter… để không chỉ nạn nhân, người quen, hàng xóm, bạn bè, báo chí… có thể chuyển tải thông tin phù hợp về các vụ việc hoặc các biện pháp, cách thức phòng, chống, xử lý khi có dấu hiệu của bạo lực gia đình, bạo lực giới hoặc phân biệt đối xử.

Đồng thời, thiết lập đường dây nóng với những con số dễ nhớ, dễ sử dụng trực 24/24 giờ, được lắp đặt ở cả Trung ương và địa phương; thành lập các đội, nhóm, tổ phản ứng nhanh tại cơ sở với sự tham gia của cán bộ tư pháp xã, CA xã, phụ nữ, thanh niên, những nhà hoạt động xã hội… kết nối với người thực hiện trợ giúp pháp lý để có thể sớm phát hiện vụ việc bạo lực và kịp thời cung cấp những dịch vụ thiết yếu bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân.

Tuy nhiên, theo bà Hường, do tính nhạy cảm của vụ việc, yếu tố đặc thù, dễ bị tổn thương của nạn nhân nên việc sử dụng, khai thác, quản lý các thông tin liên quan đến vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng phải theo đúng quy định về bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Đáng quan tâm, một số ý kiến dẫn các nghiên cứu, thống kê về điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh thiếu niên Việt Nam năm 2003 và năm 2009 cho rằng trẻ em nam là đối tượng bị bạo lực nhiều hơn trẻ em nữ. Thực tế, sự kỳ vọng của gia đình với trẻ em nam cao hơn và đôi khi chuyển từ kỳ vọng thành bạo lực với trẻ em nam. Vì vậy, trong phòng chống bạo lực và bất đình đẳng giới, cần quy định đối xử bình đẳng với phụ nữ và trẻ em nói chung, chứ không chỉ là phụ nữ và trẻ em gái.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhìn nhận, điều then chốt để phòng chống bạo lực dựa trên cơ sở giới là phá vỡ văn hóa im lặng đang cản trở nữ giới và trẻ em gái, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai trong việc tố cáo các trường hợp bạo lực. Còn theo ông Nick Booth, đại diện Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), phải tăng cường các biện pháp bảo vệ đặc biệt dành cho nạn nhân, nhân chứng là người chưa thành niên.

Đồng thời, xây dựng quy trình chuẩn liên ngành trong ứng phó bạo lực với trẻ em, với sự tham gia của các ngành y tế, giáo dục bên cạnh các cơ quan tư pháp và thực thi pháp luật. Cần ưu tiên tiến trình tư pháp hơn là hòa giải và giảng hòa, nâng cao nhận thức của lãnh đạo cộng đồng, cán bộ thực thi pháp luật, luật sư và tư pháp. Đặc biệt, nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền và hiểu biết pháp luật; hình sự hóa mọi hình thức bạo lực với phụ nữ, gồm cả hiếp dâm trong hôn nhân, bạo lực hẹn hò, bạo lực tại nơi công cộng và tấn công tình dục.

Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em và nạn nhân bạo lực gia đình từ năm 2016 đến nay là 513.184 vụ việc, trong đó có 12.482 trẻ em. Riêng 5 tháng đầu năm 2019 có 16.345 vụ việc, trong đó có 1.548 trẻ em.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bai-cuoi-thiet-lap-he-thong-canh-bao-som-ve-bao-luc-gia-dinh-va-tre-em-158950.html