Bài cuối: Pháp quyền, dân chủ và đạo đức - ba nhân tố căn bản trên lộ trình đổi mới thể chế

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sảnTrọng sự thứ năm, đó là nắm chắc và phát triển đạo đức làm nền móng nhằm nâng cao văn hóa chính trị phát triển trong văn hóa dân tộc thực thi đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền dân chủ, văn minh và tiến bộ.

Bài 1: “4 kiên định” có tính nguyên tắc đối với công cuộc đổi mới
Bài 2: “6 nắm chắc” để Đảng nâng cao vị thế, trách nhiệm lãnh đạo, cầm quyền
Bài 3: Nhân dân phải là trung tâm của mọi sự đổi mới, phát triển

Dân chủ - Pháp quyền - Văn minh - Nhân văn - Hiện đại - Phát triển

Nhìn tổng thể, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước giữa điều kiện toàn cầu hóa, trong rất nhiều vấn đề, nổi bật 6 mệnh đề lớn nhất[1] trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Một là Tự do. Đất nước độc lập, nhưng Nhân dân phải được hưởng hạnh phúc tự do, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Vì thế, nếu gìn giữ giá trị toàn vẹn của độc lập là một công việc khó khăn, thì phát triển tự do luôn đang là một chân trời lớn nhưng tất yếu, đang đầy khó khăn và cả chông gai, song chúng ta đang quyết đi tới, vì sự bảo đảm nhu cầu tự nhiên và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đó chính là tiền đề của nền dân chủ chân chính!

Hai là Dân chủ. Gần 77 năm qua, mệnh đề đó làm nên tiêu ngữ của thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa, là mục tiêu cao nhất của thể chế Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng dân chủ từ nghĩa nguyên khai "chính quyền của Nhân dân" tới thực tiễn vẫn đang là một trong những mệnh đề lớn nhất cần nỗ lực tiến tới trong mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, dưới chế độ chính trị chúng ta. Dân chủ là việc trước hết và là mục tiêu cuối cùng: Dân là gốc của nước, Nhân dân là và làm chủ quốc gia!

Ba là Pháp quyền. Dân chủ chân chính không thể không được bảo đảm và phát triển bằng pháp quyền. “Quốc pháp vô thân”, “quốc pháp thượng tôn”… Đó là bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN của ta, với tinh thần pháp luật thượng tôn. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trăm điều phải có thần linh pháp quyền. Không có pháp quyền càng không thể nói tới dân chủ hay tự do chân chính nào. Đó là thách thức lớn nhất nhưng chính là cơ hội đối với chúng ta trong cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Bốn là Đạo đức. Không một thể chế chính trị nào, cho dù hoàn bị và khả thi tới bao nhiêu, có thể vận hành thành công trên một nền tảng đạo đức không tương dung. Chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, dù dưới sự dẫn dắt của Nhà nước XHCN, vấn đề đạo đức vẫn đang trở thành vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay cả ở tầm vĩ mô tới mức độ vi mô, cả xã hội tới mỗi cá nhân, không kém sự khắc nghiệt, thăng trầm của chính sự phát triển kinh tế... cần phải xây dựng và thực thi. Sự băng hoại về đạo đức nhất định dẫn tới băng hoại về chính trị. Quyền lực nhân dân, nếu giao cho những kẻ vô đạo đức, thì nguyên vẹn là sự tàn bạo, vô nhân văn. Đó là phản văn hóa! Không có đạo đức không thể có liêm sỉ mỗi người và càng không thể có Quốc sỉ quốc gia.

Năm là Văn minh. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư với internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và số hóa… đã và đang làm đảo lộn phương thức và trật tự phát triển thông thường. Nó cũng quyết định vận mệnh hay số phận của mỗi quốc gia và mối quan hệ không bình thường giữa các quốc gia, dân tộc trên quy mô toàn cầu. Đó là thời cơ đồng thời là thách thức đối với chúng ta trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế: hoặc là bây giờ phát triển hoặc là đợi sau nhiều thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ XXI. Phải lựa chọn cho mình phương thức phát triển riêng trên nền tảng văn hóa hiện đại bản sắc là con đường ngắn nhất tiếp biến, nắm lấy văn minh nhân loại trên các phương diện, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập, thật sự có ý nghĩa quyết định thành bại.

Sáu là Phát triển. Đó là thước đo sự tiến bộ xã hội văn minh và hiện đại. Tăng trưởng kinh tế, dù rất quan trọng, nhưng chỉ là phương tiện. Một đất nước Việt Nam truyền thống và hiện đại, hài hòa và khoan dung, dân chủ và kỷ cương, thủy chung và minh bạch, bản sắc và hội nhập, độc lập và hòa mục… là những phẩm chất mà chúng ta cần hướng tới và xây dựng đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là con đường phát triển tất yếu của dân tộc phù hợp với bước đi của thế giới. Vấn đề thành bại nằm ở chỗ, phải tiên lượng, tính toán và hoạch định về chiến lược thật sự tương thích và khả thi.

Sứ mệnh đó, trước hết và cuối cùng thuộc về văn hóa, với tư cách là nền tảng của sự phát triển tinh thần dân tộc, là sức mạnh nội sinh vô giá quốc gia…, kết tinh thành hệ giá trị phát triển Việt Nam, trong thời đại ngày nay, với sứ mệnh thiêng liêng và vẻ vang: “Soi đường cho quốc dân đi”, vì một Việt Nam hùng cường. Thiếu những vấn đề cốt tử đó, chúng ta khó có thể có xây dựng tầm nhìn chính trị xa rộng và những quyết sách chính trị đúng đắn và hợp thời cuộc, càng khó xử lý một cách khoa học và thực tiễn các mối quan hệ giữa kinh tế với pháp luật, giữa văn hóa với chính trị, xã hội, giữa ngoại giao với an ninh, quốc phòng…, và ngược lại, một cách đồng bộ, thống nhất, thực sự mang tầm văn hóa chiến lược.

Đó là trọng trách trước hết và sau cùng của Đảng lãnh đạo, cầm quyền.

Do đó, hiện nay, hơn hết bao giờ,Dân chủ - Pháp quyền - Văn minh - Nhân văn - Hiện đại - Phát triển phải trở thành giá trị phát triển quốc gia một cách thống nhất và hài hòa, trong sự phát triển của thế giới!

Điều cần nhấn mạnh là, pháp quyền - dân chủ - đạo đức phải là ba nhân tố căn bản trên lộ trình đổi mới thể chế. Không thể nói tới đổi mới thể chế XHCN Việt Nam, nếu thiếu dân chủ, càng không thể nói tới dân chủ nếu coi nhẹ hoặc buông lỏng pháp quyền và thiếu đạo đức. Không có một thể chế chính trị nào vận hành tốt được nếu thiếu nền tảng đạo đức xã hội và pháp quyền. Sự băng hoại về đạo đức nhất định sẽ dẫn tới sự diệt vong về chính trị, trong khi pháp luật góp phần làm nên đạo đức.

Đối với Đảng, hiện nay, không trừ một ai, chúng ta càng phải lấy đó làm răn. Khi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, không ít người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, buông lỏng kỷ luật và pháp luật thì không thể xem thường về uy tín chính trị, rộng hơn là vị thế chính trị của Đảng. Pháp quyền và đạo đức là hai trọng sự nóng bỏng hiện nay. Điều nguy hại là những người vi phạm đạo đức không chỉ ở cấp thấp mà cả ở cấp cao, bất chấp nhân, lễ, liêm sỉ, có nguy cơ làm băng hoại đạo đức trong Đảng, vô hình hạ thấp quyền lực chính trị của Đảng, pháp quyền của Nhà nước, làm băng hoại quyền lực của Nhân dân. Vì, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta “là đạo đức là văn minh”, “là đoàn kết thống nhất”. Và, vì, hiện nay hơn lúc nào hết, “chính trị là đức”[2], “chính trị là: 1. Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”[3].

Vì thế, sự thất bại về pháp luật, kỷ luật thì còn có thể sửa chữa được, nhưng sự thất bại về đạo đức, đạo lý, nguy cơ không còn chốn nương thân!Hơn lúc nào hết, đó phải là sự kết tinh phẩm giá, là danh dự và là cốt cách và sức mạnh nhân văn Việt Nam - nền móng để phát triển tâm lý quốc dân Việt Nam hòa bình và nhân đạo trải từ xưa tới nay và mãi mãi mai sau mà Đảng phải nắm lấy.

Đoàn kết - Hài hòa - Hội nhập - Thủy chung

Trọng sự thứ sáu, đó là nắm chắc sự vận động của thế giới, chủ động hội nhập quốc tế độc lập, hiệu quả và thâu hóa tinh hoa cầm quyền của các đảng cầm quyền trên thế giới làm động lực để không ngừng đổi mới phương thức nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền.

Trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, Việt Nam kiên định chính sách đối ngoại nhằm mục đích hòa bình, bảo vệ nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc từ sớm, từ xa; đồng thời, chủ động và tích cực cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực ngăn ngừa mọi xung đột khu vực và toàn cầu, chủ động góp phần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Nói cách khác, với phương châm: Không tách rời sợi dây nối với thế giới, tôn trọng mọi sự khác biệt và không gây thù oán với một ai, càng kiên định, nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, Việt Nam càng có cơ hội hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình vì một thế giới văn minh và tiến bộ!

Với trọng trách là một Đảng lãnh đạo, cầm quyền, Đảng cùng với tất cả các đảng cầm quyền hoặc liên minh các đảng cầm quyền trên thế giới nêu cao và tôn trọng, không ngừng góp phần tranh đấu và bảo vệ mọi nền độc lập, tự do, thống nhất chân chính - quy luật phát triển, tồn tại một cách tự nhiên, nhân văn của các quốc gia dân tộc - vì một thế giới hòa bình, thống nhất và thịnh vượng.

Hơn bao giờ hết, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng không ngừng hun đúc, tôi luyện sự kiên định ý chí độc lập, tự chủ, tự quyết, tự lập và tin cậy song hành với giữ gìn và nêu cao tinh thần quốc tế, nhằm phát huy cao độ năng lượng nội sinh đất nước. Đồng thời, thâu thái sức mạnh ngoại sinh từ thế giới, kết hợp truyền thống với hiện đại từ trong mỗi con người Việt Nam bất khuất, nhân văn, thủy chung, nhân ái chan hòa một cách không xa lánh, không kỳ thị, không bắt chước, không rập khuôn nhằm phát triển nhu cầu xây dựng đất nước hóa thành bản lĩnh bất diệt bảo vệ Tổ quốc, vì sự phát triển của đất nước hùng cường, vì sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Vì thế, hiện nay, hơn hết lúc nào, Đoàn kết - Hài hòa - Hội nhập - Thủy chung trong dân tộc và trên lộ trình chủ động hội nhập quốc tế thấm đẫm tinh thần nhân văn là phẩm giá quan trọng của hệ giá trị Việt Nam, vì lợi ích quốc gia tối thượng trong hành xử trước thế giới và vì thế giới mà Đảng phải nắm lấy.

Một cách tất yếu và tự nhiên rằng, từ “4 kiên định” tới “6 nắm chắc” đó là những bước đi của lịch sử để gìn giữ và phát triển tư cách độc lập, vị thế, sức mạnh, uy tín quốc gia, danh dự và sự trường tồn của dân tộc, thanh danh và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam chúng ta trong cuộc hội nhập toàn cầu hiện nay và tương lai, dưới ngọn cờ của Đảng.

Đó là mạch nguồn bất diệt, lúc âm thầm, lặng lẽ, khi sục sôi trong huyết quản gần 100 triệu đồng bào ta, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, làm nên gương mặt, cốt cách, khí phách, sức mạnh và uy tín của dân tộc Việt Nam trường tồn cùng nhân loại mà Đảng nhất định phải nắm lấy trong công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của mình.

Và, đó cũng chính là sự khẳng định vị thế, sức mạnh và uy tín lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong vai trò tiếp tục lĩnh nhiệm sứ mệnh cao cả và thiêng liêng một cách vẻ vang dẫn dắt công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, với hệ giá trị Việt Nam, làm nên triết lý phát triển Việt Nam mạnh mẽ và bền vữngtương dung với thế giới và hiện diện sinh động một Việt Nam với khát vọng hùng cường, nhân văn, vì một thế giới hòa bình, thống nhất và hòa bình hôm nay và tương lai.

________

[1] ) Xem Nhị Lê: Chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Lô-gic - Đổi mới và phát triển, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 40

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, t. 9, tr. 492

[3] Hồ Chí Minh; Sđd, t.5, tr. 75

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-cuoi%C2%A0phap-quyen-dan-chu-va-dao-duc---ba-nhan-to-can-ban-tren-lo-trinh-doi-moi-the-che-i292959/