Bài cuối: Làm thế nào để hàng Việt thắng thế?

Một nghiên cứu của Nielsen cho thấy có 3 động lực chính ảnh hưởng đến hành vi và thói quen mua sắm hậu COVID-19 trên toàn thế giới bao gồm: Chất lượng và hiệu quả; sản phẩm có nguồn gốc địa phương và xu hướng áp dụng công nghệ trong mua sắm. Vậy làm thế nào để hàng Việt có thể thắng thế trên sân nhà?

Bài 1: Văn hóa tiêu dùng - quen mà lạ

Bài 2: 4 yếu tố tác động đến văn hóa tiêu dùng

Bài 3: Góc nhìn chiến lược kinh doanh

Thắt chặt chi tiêu

Điều đầu tiên là các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng xác định thứ tự ưu tiên mua sắm của người dân sau khi cuộc sống sinh hoạt được khôi phục. Với việc các đường bay và vận tải đường biển chưa được nối lại như trước đây cùng với việc phải thắt chặt chi tiêu thì hàng Việt đang chiếm ưu thế.Thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể sau gần 9 tháng sống chung với Covid-19. Những thú vui như đi du lịch, ăn uống, giải trí đã bị cắt giảm hết vì họ thấy kiếm tiền khó hơn trước đây. Nhu cầu mở rộng tiêu dùng ngoài nhóm hàng lương thực, thực phẩm gần như không đáng kể. Nhu cầu về các sản phẩm như mỹ phẩm, thời trang hay chăm sóc sắc đẹp, hoạt động giải trí đã giảm trong thời gian qua và dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục. Thu nhập chung của nhiều hộ gia đình Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với mức giảm 15 - 50%, thậm chí nhiều hơn và tương lai càng khó dự báo, khiến họ phải cắt giảm chi tiêu.

 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng

Tác động của Covid-19 lên những gia đình có thu nhập trung bình - thấp của Việt Nam được cho là nặng nề hơn so với nhóm thu nhập cao. Khoảng 90% số người Việt Nam tham gia khảo sát cho biết, thu nhập bị ảnh hưởng tiêu cực vì dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội. Gần nửa trong số đó bị giảm trên 20% thu nhập, chủ yếu tập trung ở nhóm lao động phổ thông.Điều này đã khiến 17% số hộ gia đình thu nhập thấp phải thắt chặt chi tiêu; 30% số người tiêu dùng chưa nghĩ thu nhập sẽ được cải thiện, chưa quay trở lại với các thói quen chi tiêu như trước khi Covid-19 xuất hiện. Ước tính, 23% số người Việt chưa có dự định tham gia trở lại các hoạt động tại nơi công cộng, đông người, được hiểu là các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí bên ngoài.Số liệu về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đâu năm 2020 cho thấy rõ điều này, khi chỉ đạt 2,799 triệu tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng đạt 2,218 triệu tỷ đồng, tăng 3,58% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương, lý giải, sở dĩ doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng là do tháng 7 là tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, khôi phục sức mua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.Phân tích về các thay đổi thì nhiều, nhưng có lẽ nó xuất phát chính từ việc thu nhập thay đổi. Do Covid-19 nên 72% số người lao động có sự thay đổi về mức thu nhập, trong đó có tới 42% sự thay đổi này là đáng kể và lớn, điều này ảnh hưởng đến việc tiêu dùng.Hàng Việt chiếm ưu thếVới việc thắt chặt hầu bao, giảm chi tiêu những hàng hóa không thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh, người tiêu dùng Việt đã dành sự quan tâm lớn hơn cho hàng Việt. Tại hệ thống Big C, tỷ trọng hàng Việt hiện đã chiếm tới 85%, đây là điều ít xảy ra trong 1 thập kỷ qua. Theo Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, 17% số người Việt cho biết, họ chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa; 59% cho biết, họ chủ yếu mua hàng tiêu dùng nội địa. Những con số này cao hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu (tỷ lệ trung bình toàn cầu lần lượt là 11% và 54%).Giờ đây, người tiêu dùng Việt đang tìm đến sản phẩm được sản xuất với tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Theo khảo sát, gần 69% số người Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn, vượt xa mức mức trung bình toàn cầu là 49%. Hai lý do khiến người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam vì biết rõ nguồn gốc, thêm vào đó, họ mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Đây là cơ hội cho hàng Việt phát triển nhưng điều cốt lõi là các doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm chất lượng, tránh chạy theo lợi nhuận mà quên đi cơ hội lớn này để người tiêu dùng phàn nàn.Thay đổi hành vi mua sắm, thanh toánHành vi mua sắm của người Việt đang có sự thay đổi đáng kể khiến cho các doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng thay đổi kênh bán hàng. Các xu thế ăn uống ngoài, trực tiếp đến các siêu thị mua sắm, tham gia các hoạt động giải trí bên ngoài đã giảm đáng kể. Thế giới nói chung trong đó có Việt Nam đang có xu thế chuyển dịch nhiều hoạt động offline sang online, kéo theo hàng loạt hành vi đi lại, mua sắm, giao dịch sẽ có xu thế thay đổi theo.Ngay cả việc học hành, có tới 80% số lượng người được hỏi cho biết sẽ thay đổi các hành vi trong việc đèn sách, trong đó có 29% cho biết sẽ có những thay đổi mang tính cách mạng. Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị nhà trường cũng phải thay đổi theo phù hợp. Đối với lĩnh vực du lịch và giải trí sẽ chịu tác động rất lớn của xu thế tiêu dùng, chỉ có 11% và 6% số người được hỏi cho rằng sẽ vẫn tiếp tục duy trì thói quen cũ. Trong khi đó đã có tới 36% và 22% số người tham gia khảo sát cho biết sẽ thay đổi đáng kể thói quen du lịch và giải trí theo hướng không xuất hiện nhiều ở chốn đông người. Một khó khăn mà các doanh nghiệp Việt phải tính toán quy mô và thay đổi hình thức kinh doanh trong một thời gian không ngắn nữa.Do chúng ta đã phải trải qua một thời gian dài giãn cách xã hội, xu thế tiêu dùng tiền mặt giảm đi đáng kể. Hiện lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử kể từ khi Covid-19 diễn ra tăng hơn 150% so với năm 2019. Shopee Việt Nam có tới 43,15 triệu lượt truy cập/tháng; Tiki đứng thứ 2 với gần 24 triệu lượt/ tháng; Lazada có khoảng 19,76 triệu lượt truy cập/ tháng; Sendo có khoảng 17,59 triệu lượt truy cập/ tháng. Những con số trên đây thực sự là tín hiệu mừng cho lĩnh vực phát triển thương mại điện tử mà Việt Nam chúng ta hoàn toàn có nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường mua sắm trực tuyến.Mô hình O2O (Online-to- Offline) đang được người tiêu dùng Việt ưa thích và có xu hướng tăng trong thời gian tới, chiếm 40% số lượng người được khảo sát đã có sự thay đổi nhất định. Như vậy, chắc chắn từ khâu nghiên cứu sản phẩm, cách thức bán hàng và thanh toán của các doanh nghiệp Việt phải có sự thay đổi đáng kể để phù hợp với tình hình. Thời gian không còn nhiều, các doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng chiếm lĩnh các sản phẩm là thế mạnh của quốc gia trước khi các sân bay, cảng biển được thông thương.Cổ nhân xưa nay dạy “trong họa, có may”, thực tế ảnh hưởng của Covid-19 đến các doanh nghiệp Việt khá lớn. 8 tháng đầu năm 2020, cả nước có tổng cộng 103.424 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, cao hơn nhiều so với 88.651 doanh nghiệp thành lập mới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của chúng ta giảm 4,5% nếu lại trừ yếu tố giá (cùng kỳ tăng 9,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhưng không còn còn đường nào khác, để vượt qua khó khăn trước mắt cũng như lâu dài thì chúng ta chỉ còn cách biến “biến nguy thành cơ”, loại 5 bài viết của chúng tôi với mong muốn góp phần nhỏ bé để doanh nghiệp Việt tồn tại và phát triển.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thu nhập hạn chế, điều kiện kinh tế giảm sút sẽ là những tác động lâu dài đối với đời sống, hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng trở nên dè dặt và thận trọng hơn trong lựa chọn hàng hóa. Các doanh nghiệp Việt nên quan tâm xu hướng này bằng cách khuyến khích người tiêu dùng bằng những lợi ích lâu dài, chiến lược thị trường phù hợp.

Phải đầu tư công cụ bán hàng

"Người tiêu dùng nói chung và Việt Nam nói riêng đang thiên về xu hướng mua đồ của các hãng giá rẻ hoặc tiết kiệm chi tiêu hơn so với trước đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ quốc tế đã chỉ ra rằng cuộc Đại suy thoái 2008 - 2009 đã thúc đẩy tỷ lệ tiết kiệm lâu dài giống như hiện tại, điều đó sẽ dẫn đến mức tiêu thụ và tăng trưởng thấp hơn so với trước đây. ASEAN được biết đến với tư cách là thị trường tiêu thụ lớn thứ 4 thế giới với trị giá 4.000 tỷ USD/năm sẽ bị ảnh hưởng khá lớn.Nhưng Ngân hàng ADB cho rằng tăng trưởng GDP thường niên khu vực Đông Nam Á sẽ giảm 1% năm 2020 và hồi phục 5% vào năm 2021. Điều đó bắt buộc các doanh nghiệp Việt vừa phải có chiến lược để giành lợi thế trên sân nhà, lại phải tính toán để có mặt ở thị trường khu vực và trên thế giới.Con số khảo sát do Hootsuite cho biết thời gian dùng điện thoại của người Việt Nam là 4,2 giờ, gấp 1,2 lần so với con số chung của toàn cầu. Giới trẻ Việt đang dán mắt vào màn hình điện thoại di động 5 giờ/ ngày, họ tìm hiểu những loại thông tin gì thì các nhà kinh doanh, văn hóa Việt phải tiếp tục nghiên cứu. Bởi chắc chắn những thông tin này sẽ góp phần quan trong cho các doanh nghiệp Việt Nam định hướng chiến lược kinh doanh.Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, đối với lĩnh vực mua sắm, khi nắm trong tay công cụ tìm kiếm, khảo sát và so sánh tiện lợi như thế, văn hóa tiêu dùng sẽ có một sự thay đổi đến chóng mặt. 65% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thương hiệu mà mình yêu thích nếu như việc mua sắm khó khăn hoặc thương hiệu đó không có trên thị trường. Phải đầu tư thay đổi công cụ bán hàng, đó là một xu thế không thể cưỡng được của thế giới và Việt Nam thời kỳ Covid-19." - Ông Nguyễn Đình Lương - chuyên gia kinh tế Ai điều chỉnh?"Công ty Nielsen là một công ty đo lường và phân tích dữ liệu toàn cầu, cung cấp sự hiểu biết toàn diện và tin cậy về người tiêu dùng và các thị trường trên thế giới. Một khảo sát của Nielsen cho thấy, khi người tiêu dùng sống trong thời kỳ cách ly quá lâu (trên 6 tháng) họ có khoảng 6 tháng để đứng trước sự lựa chọn: Quay lại thói quen tiêu dùng cũ hay thích nghi với thói quen tiêu dùng mới. Ai điều chỉnh được thói quen mua sắm của người tiêu dùng, người đó sẽ thắng.Trong khi Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như các nước láng giềng, chúng tôi nhận thấy một sự tăng trưởng đột biến ở những ngành hàng như sợi ăn liền, thực phẩm đông lạnh và sản phẩm vệ sinh cá nhân trong khi đó do việc đóng cửa các cửa hàng ăn uống, doanh số của các ngành hàng như bia, nước ngọt và thuốc lá bị giảm sút mạnh. Trong thời gian tới, một số hành vi của người tiêu dùng học được trong thời kỳ dịch bệnh sẽ tiếp tục như là ăn tại nhà thường xuyên hơn so với thời kỳ trước dịch và sử dụng eCommerce để thỏa mãn nhu cầu mua sắm nhiều hơn trong tương lai." - Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam - bà Louise Hawley (Đông Hùng ghi)

An Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/van-hoa-tieu-dung-nguoi-viet-goc-nhin-da-chieu-bai-cuoi-lam-the-nao-de-hang-viet-thang-the-398981.html