Bài cuối: Kiểm soát chất lượng thực phẩm: Cần siết chặt từng mắt xích

Để nâng đỡ 'cái trục' vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) không bị chệch tâm, thì tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh đối với sức khỏe cộng đồng và giống nòi; thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân, được xem là 3 trụ cột cơ bản và quan trọng nhất.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh:

Đoàn kiểm tra liên ngành về quản lý ATTP tỉnh kiểm tra tại chợ phường Bắc Sơn (TP Sầm Sơn). Ảnh: Tô Hà

“Quy trình chuẩn”

Để xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày, hầu hết các loại thực phẩm đều đã trải qua một quy trình quản lý, kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra khá nghiêm ngặt. “Quy trình chuẩn” này bao gồm nhiều khâu, nhiều công đoạn gắn với vai trò, trách nhiệm, chức năng và nhiệm vụ của nhiều cấp, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan. Nếu ví sự tham gia của mỗi ngành và mỗi địa phương là một mắt xích thì mối liên hệ chặt chẽ liên ngành hay giữa ngành với địa phương sẽ tạo ra một “tấm lưới sắt” bền vững. Qua đó, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm sẽ được thực thi ở tất cả các khâu, các yếu tố từ nguyên liệu đến thành phẩm. Khi thực phẩm được kiểm soát chặt và hiệu quả thì dĩ nhiên sẽ không có tình trạng thực phẩm không an toàn, thực phẩm bẩn lọt qua quy trình quản lý nhiều tầng bậc, để gây hoài nghi, mất niềm tin và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Lấy ví dụ món thịt gà, một loại thực phẩm đã quá quen thuộc với người tiêu dùng. Nhờ bởi chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, do đó, thay vì quan tâm nhiều đến giá cả, giờ đây người tiêu dùng thường đưa loại thực phẩm này lên bàn cân chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Và nếu như nó đã đi qua nhiều khâu, đoạn quản lý, kiểm soát chất lượng thì chắc hẳn rằng, người tiêu dùng có thể đặt niềm tin tuyệt đối vào chất lượng và nguồn gốc của nó? Một “quy trình chuẩn” để đưa món thịt gà từ nơi sản xuất đến bàn ăn, có thể được hiểu đơn giản nhất. Bắt đầu từ việc quản lý ATTP đối với sản xuất ban đầu, thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tiếp đến là ngành công thương trong việc quản lý và quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ, siêu thị. Cùng với đó là vai trò của ngành y tế trong việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; về điều kiện chung bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm... Bên cạnh sự phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng ngành, thì các địa phương cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ quá trình đưa món thịt gà từ nơi sản xuất ban đầu ra thị trường và vào bàn ăn của người dân. Theo đó, UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý ATTP và điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống và các chợ - những nơi xuất hiện loại thực phẩm này ở các dạng, từ tươi sống đến qua sơ chế và chế biến...

Với sự vào cuộc của cả một hệ thống, từ Trung ương đến địa phương, từ tỉnh xuống cơ sở, hiệu quả quản lý Nhà nước về vệ sinh ATTP là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế cũng luôn có cách riêng của nó, để có thể khiến cho cái lý thuyết về quy trình quản lý, không phải luôn đúng. Nói cách khác, những gì đang diễn ra trong thực tế là một phép kiểm chứng cho những quy tắc, những nguyên lý, được con người đặt ra và muốn tìm kiếm kết quả trong quá trình thực thi.

Kiểm soát: Khó từ gốc...

Nông nghiệp được xem là “vùng nguyên liệu” đầu vào quan trọng nhất cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Và do đó, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm từ khâu sản xuất ban đầu, có thể xem là phần gốc hay điểm mấu chốt của vấn đề bảo đảm ATTP. Câu hỏi đặt ra là, cấp hay ngành nào nên là nhân tố đầu tiên tham gia vào cái phần quan trọng này? Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp xây dựng xã, phường, thị trấn ATTP (diễn ra hồi tháng 10-2018), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã nhấn mạnh, phần lớn hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm diễn ra ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Do vậy, cấp ủy, chính quyền cấp xã phải vào cuộc quyết liệt, từ chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đến kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cấp xã, phường, thị trấn phải là nhân tố đầu tiên, thậm chí là một nhân tố có tính quyết định đến hiệu quả kiểm soát chất lượng thực phẩm.

Xã Bắc Lương (huyện Thọ Xuân) được chọn thí điểm mô hình xã đạt tiêu chí ATTP. Nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội, cuối năm 2018, xã đã hoàn thành 4/4 tiêu chí, bao gồm công tác chỉ đạo, điều hành; thông tin, tuyên truyền, tập huấn; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định; kiểm tra, xử lý vi phạm. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Long, chủ tịch UBND xã, cho biết: Đạt được 4 tiêu chí xã ATTP đã khó, việc duy trì và phát huy hiệu quả các tiêu chí ấy còn khó hơn. Thách thức đặt ra cho chính quyền lúc này là kinh phí duy trì ban nông nghiệp và các tổ giám sát sau thí điểm; là số và lượng cán bộ chuyên trách lĩnh vực vừa thiếu, vừa yếu; là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, vướng mắc...

Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP có thể xem là giải pháp cốt lõi, để quản lý chất lượng thực phẩm từ khâu nguyên liệu, hay từ nơi sản xuất ban đầu. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP của chính quyền cấp xã. Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đề ra mục tiêu đến tháng 6-2018, có 40% trong tổng số 598 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP (trong đó, 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải đạt tiêu chí ATTP). Tuy nhiên, đến ngày 30-6-2019, mới có 34 xã thuộc 10 huyện được công nhận xã đạt tiêu chí ATTP. Tỷ lệ khiêm tốn 5,4% so với mục tiêu 40% được ông Hà Văn Giáp, Phó Chánh văn phòng điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh lý giải là do sự vào cuộc thiếu tích cực và hiệu quả của chính quyền các địa phương. Trong khi một số huyện như Đông Sơn, Thọ Xuân, TP Thanh Hóa, Vĩnh Lộc, Bá Thước đã và đang tích cực triển khai thì ở một số huyện/thị xã/thành phố, công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện Quyết định 32/2018/QĐ-UBND vẫn còn khá chậm chạp.

Một bộ máy quản lý vấn đề ATTP được xây dựng đồng bộ từ huyện xuống xã. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Hàng loạt các loại văn bản có liên quan được xây dựng, ban hành và triển khai... Thế nhưng, kết quả mang lại chưa được như kỳ vọng. Trong nhiều nguyên nhân có thể dẫn ra, không thể không đề cập đến hiệu quả khiêm tốn trong hoạt động của Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP cấp huyện, của ban nông nghiệp xã, tổ giám sát ATTP thôn/bản/phố và tổ giám sát ATTP chợ của một số địa phương. Trong khi đó, việc sử dụng “công cụ quyền lực” là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm thì vừa thụ động, vừa thiếu tính răn đe. Bởi, bước chân ra đường là “anh em cả làng”, nhắc ai cũng khó; bởi một trăm cái lý không bằng một tí cái tình; bởi nể nang nên việc xử lý đa số mới dừng lại ở việc nhắc nhở.

Theo Điều 3, Luật ATTP 2010, thì việc bảo đảm ATTP là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đây cũng là một cái “gốc” khác đang và luôn nhận được quan tâm. Tuy nhiên, nên hiểu từ “trách nhiệm” này như thế nào cho đúng? Tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ATTP và đạo đức kinh doanh của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đối với sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Đây được xem là giải pháp đầu tiên tạo nên tính “trách nhiệm”? Song, dường như đó vẫn chưa phải là giải pháp hữu hiệu nhất. Lý giải cho điều này, nhiều ý kiến cho rằng, do chạy theo lợi nhuận, chưa xem trọng sức khỏe người tiêu dùng và ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao. Mặc dù vậy, thiết nghĩ rằng, để người sản xuất và kinh doanh có thể “tự ý thức”, “tự trách nhiệm”, rất cần gắn liền với một cơ chế giám sát trách nhiệm và kiểm soát, răn đe các hành vi đi ngược lại quy định pháp luật một cách thật sự hữu hiệu.

... đến ngọn

Trở lại với câu chuyện con gà và món thịt gà trên mâm cơm. Để đi từ nơi sản xuất đến bàn ăn, ít nhất nó phải trải qua thêm vài ba khâu trung gian, như vận chuyển, sơ chế (giết mổ), chế biến (thành các món ăn chín), bảo quản... Liệu trong các khâu ấy, chất lượng của loại thực phẩm này sẽ bị rơi rớt ở đâu? Hoặc những nguy cơ nào có thể gây mất ATTP? Hãy bắt đầu từ chợ - một phần “ngọn” quan trọng trên con đường di chuyển của thực phẩm.

Một góc chợ Điện Biên (TP Thanh Hóa), nơi người ta bày la liệt những chuồng gà, vịt, chim ngay cạnh khu giết mổ gia cầm. Gà quê, gà ta, gà thả đồi, nuôi bằng rau cám, lúa ngô thông thường, không có thức ăn tăng trọng... là những lời giới thiệu rất được lòng người mua và người ta sẵn sàng bỏ tiền mua với sự tin tưởng, dù có phần mơ hồ. Qua vài thao tác đơn giản từ những người làm dịch vụ giết mổ gia cầm, con gà sống đã được sơ chế và theo cảm quan, có vẻ cũng... khá sạch. Lúc này, có lẽ chẳng mấy ai nhớ để áp dụng khẩu hiệu “hãy là người tiêu dùng thông thái”. Bởi, trong hàng trăm con gà được bày bán, không con nào được ghi chú các thông tin cơ bản về nguồn gốc, xuất xứ, chủng loại hay quy trình chăn nuôi... Còn việc sơ chế ngay tại chợ, cũng chẳng ai kém duyên đến mức đi đặt câu hỏi sạch hay bẩn. Người ta cứ mua theo kinh nghiệm, theo thói quen và theo lời giới thiệu “đáng tin” của người bán, chứ không dựa trên cơ sở hay bằng chứng khoa học nào.

Cũng tại hội nghị trực tuyến hồi tháng 10-2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, khi chưa triển khai đồng bộ, toàn diện việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thì các chợ phải bố trí riêng khu vực bán hàng có nguồn gốc xuất xứ và khu vực bán hàng không có nguồn gốc xuất xứ. Cùng với đó là tăng cường quản lý và không khuyến khích phát triển các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Đồng thời, tất cả sản phẩm giết mổ, dù ở cơ sở nhỏ lẻ hay tập trung đều phải được kiểm dịch trước khi đưa ra tiêu thụ. Thế nhưng, trong thực tế, có vẻ như các ngành chức năng và chính quyền địa phương, vẫn chưa thể nối dài cánh tay quản lý xuống đến các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Để rồi, việc cấp giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng khá hạn chế. Trong khi, việc kiểm tra chất lượng ATTP, nguồn gốc sản phẩm kinh doanh tại chợ hiện vẫn đang là một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP.

Những lỗ hổng cần “vá”

Để công tác bảo đảm ATTP đạt kết quả, công tác quản lý Nhà nước của các ngành, các địa phương không thể thực hiện theo kiểu “đèn ai nhà ấy rạng”. Do đó, cần sự phối hợp liên ngành, giữa ngành và địa phương một cách thông suốt, đồng bộ và trách nhiệm. Từ đó, “vá” lại những lỗ hổng trong quản lý Nhà nước nhằm tránh việc các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn trôi nổi trên thị trường. Cùng với đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần đi vào thực chất. Có như vậy mới tạo ra tấm lá chắn giám sát ATTP có tầm bao phủ rộng khắp, cũng như kêu gọi được tính cộng đồng trách nhiệm.

Bởi gắn liền với văn hóa làng/xã, nên dân cư trong làng, bản, thôn, xóm thường có tính cộng đồng và tính tự quản khá cao. Do đó, thiết nghĩ, cần nhấn mạnh và đề cao vai trò giám sát cộng đồng như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc kiểm soát chất lượng thực phẩm từ khâu sản xuất ban đầu. Những người sản xuất (nhất là người nông dân) tự giám sát lẫn nhau, tự nhận thức vấn đề và tự điều chỉnh để có hành vi đúng mực, sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều mệnh lệnh hành chính từ trên xuống. Nhấn mạnh đến vai trò, sự cần thiết của công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP. Song, phải làm thế nào để công tác này thực sự trở thành cây gậy pháp lý có tính răn đe và thực sự hữu hiệu? Đồng thời với đó là việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 6 huyện, thành phố và 30 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (bắt đầu từ 10-7-2019). Với nhiều nội dung vừa cụ thể, vừa bao quát, hy vọng đây sẽ là một giải pháp hữu hiệu, góp phần tích cực vào công tác quản lý, kiểm soát chất lượng thực phẩm, từ khâu sản xuất ban đầu.

Xa hơn, tỉnh ta cần có cơ chế, chính sách tốt hơn nữa nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và hướng đến sản xuất thực phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu và phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn. Ngoài ra, cần thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng hệ thống thực hành sản xuất tốt (GMP); thực hành nông nghiệp tốt (GAP); thực hành vệ sinh tốt (GHP); phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) và các hệ thống quản lý ATTP tiên tiến khác, trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Có như vậy vấn đề bảo đảm ATTP hiện nay mới được giải quyết một cách rốt ráo và triệt để.

Lê Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-toan-thuc-pham/bai-cuoi-kiem-soat-chat-luong-thuc-pham-nbsp-can-siet-chat-tung-mat-xich/106195.htm