Bài cuối: Giữ gìn 'thương hiệu' người Hà Nội

Những thách thức từ quá trình tiếp biến văn hóa đòi hỏi thành phố có thêm nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn để giữ gìn 'thương hiệu' người Hà Nội. Mặt khác, cũng phải thấy rằng, Hà Nội đã có những chương trình, kế hoạch bài bản với tầm bao quát sâu rộng, nhằm khơi thông dòng chảy văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh. Vấn đề ở đây là giải pháp và tâm thế thực hiện thế nào?

“Ứng xử đúng mực, thái độ tận tâm, tinh thần tận tụy” là tiêu chí của bộ phận “một cửa” quận Hà Đông. Ảnh: Hữu Tiệp

Định hình những giá trị căn bản

Là một trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu của Thủ đô năm 2017, sau một năm đi vào cuộc sống, hệ thống quy tắc ứng xử đã nhận được nhiều đánh giá tích cực. Một nền hành chính thân thiện, phục vụ đang được định hình từ những việc làm, những sáng kiến vì Thủ đô văn hiến.

Nếu như việc sử dụng xe đạp tuyên truyền lưu động của quận Cầu Giấy, phong trào “Chung tay thực hiện Năm kỷ cương hành chính và văn hóa ứng xử” của quận Hà Đông… đã góp phần nâng hiệu quả tuyên truyền Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội, thì những việc làm giàu tính sáng tạo, phù hợp với từng lĩnh vực công việc cũng đã tạo nên nhiều chuyển biến.

Không ít cơ quan, đơn vị… đưa kết quả thực hiện Quy tắc ứng xử vào bình xét thi đua với tinh thần mới. Những tiêu chí thiết thực như: “Ứng xử đúng mực, thái độ tận tâm, tinh thần tận tụy”; “Nói lời hay, cử chỉ đẹp”; “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình”; vừa là định hướng, vừa là động lực cho mỗi chủ thể tự hoàn thiện mình.

Một trong nhiều gương điển hình của phong trào thi đua thực hiện Năm kỷ cương hành chính 2017, ông Lê Văn Chung, cán bộ "một cửa" phường Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm) cho biết: "Quan điểm của chúng tôi là làm hết việc chứ không hết giờ và cố gắng hết sức để người dân không lỡ việc. Tôi tin, sự hài lòng của người dân khi đến giao dịch cũng chính là mục đích mà Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội hướng tới".

Với tư cách một công dân, bà Nguyễn Bích Thanh ở phố Yên Ninh (quận Ba Đình) nhận xét: “Cảm giác khi đến làm việc tại các cơ quan công quyền đã khác trước, cán bộ, công chức ứng xử hòa nhã, ân cần”.

Còn tại cộng đồng dân cư, nhiều đoàn thể đã vận động người dân trồng cây xanh, bóc gỡ tờ rơi quảng cáo rao vặt… Rất nhiều việc làm được khởi phát từ trách nhiệm và tình yêu Hà Nội. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định: “Việc triển khai hệ thống Quy tắc ứng xử đã tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị ở tất cả các cấp, ngành trong thành phố. Dù vẫn còn những hạt sạn, nhưng cơ bản đã mang lại những chuyển biến rõ rệt từ ý thức đến hành động của mỗi người”.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ linh hoạt hơn trong phương thức triển khai, thực hiện Quy tắc ứng xử. Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, trong năm 2018, thành phố thí điểm chế tài xử phạt với 114 tình huống và câu chuyện “trách nhiệm” - vốn rất khó cân đo đã được cụ thể hóa. Chẳng hạn, Hội Liên hiệp phụ nữ chịu trách nhiệm tạo dựng nếp ứng xử văn minh ở các khu chợ; Đoàn thanh niên chịu trách nhiệm xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông, xóa nói tục, chửi bậy trong giới trẻ…

Trách nhiệm người đứng đầu cũng được đề cao hơn, phải chịu trách nhiệm khi cán bộ, công chức, người lao động ở đơn vị mình có vi phạm Quy tắc ứng xử. Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc xây dựng quy trình phân loại cán bộ, công chức hằng tháng, hằng quý; tăng cường thanh tra công vụ; nối mạng hệ thống giám sát để người dân cùng tham gia...

Khơi thông dòng chảy văn hóa

Văn hóa ứng xử của người Hà Nội trong đời sống hiện đại hẳn nhiên đã khác và cần phải khác. Thực tế phát triển đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, rõ ràng hơn đối với văn hóa, trong đó có việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tham góp ý kiến cùng Thủ đô, nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa có chung nhận định: Phải tập trung định hướng nếp sống đô thị, nếp sống nơi công cộng, lối ứng xử vì lợi ích cộng đồng; thực hiện điều tra, nghiên cứu sự chuyển dịch giá trị và hành vi giữa các thế hệ một cách thường xuyên, nhằm có được giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực tế vận động của đời sống xã hội…

Theo Giáo sư Lê Văn Lan, cần phải xác định đâu là vấn đề rường cột của văn hóa người Hà Nội để tập trung triển khai, thực hiện; huy động sự vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng, tạo chuyển biến về nhận thức; giáo dục, vận động, hình thành nếp làm gương trong gia đình, nhà trường, nếp nhắc nhở nhau trong cộng đồng, xã hội, từ đó “thắp sáng” quan niệm sống tích cực, thái độ sống đúng mực, chung tay xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng, muốn có người Hà Nội thanh lịch, văn minh không thể không tạo ra những điều kiện sinh hoạt, cơ sở hạ tầng đáp ứng được đời sống văn hóa phong phú. Hà Nội cần đầu tư cho chiều sâu văn hóa bằng việc tổ chức nhiều hơn các không gian văn hóa, sự kiện văn hóa giải trí; xây dựng, phát huy giá trị các thiết chế văn hóa.

Cùng với đó, Thủ đô cũng cần trở thành một cộng đồng có tính dung nạp cao, chắt lọc, lắng đọng những cái hay, cái đẹp để điều chỉnh lối sống, cung cách ứng xử phù hợp, xây dựng một Hà Nội có bản sắc trong sự phát triển đa dạng.

Từ những vấn đề được đề cập trong loạt bài “Văn hóa ứng xử - “Sức mạnh mềm” của Hà Nội”, có thể khẳng định, những nỗ lực đưa hệ thống Quy tắc ứng xử vào đời sống là hết sức cần thiết. Việc này, không chỉ giúp căn chỉnh lề thói, cung cách ứng xử, giữ gìn nét đẹp riêng có của người Hà Nội mà sâu xa hơn, lớn lao hơn là gia cường sức mạnh văn hóa - sức mạnh mềm - có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự thịnh suy của đất Thăng Long - Hà Nội.

Thanh Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/907836/bai-cuoi-giu-gin-thuong-hieu-nguoi-ha-noi