Bài cuối: Đồng bộ những giải pháp

Hà Nội đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư các công trình giao thông, tăng cường quản lý, bảo trì và phát triển có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đồng bộ những giải pháp sẽ là điều kiện cần và đủ để hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội…

Việc tăng cường điều tiết phân luồng là một giải pháp giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông. Trong ảnh: Cảnh sát giao thông phân luồng giao thông tại đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân).

Tăng cường phối hợp giải quyết

Thời gian gần đây, kênh VOV Giao thông quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam) đang góp phần tích cực cùng cơ quan chức năng chống ùn tắc bằng cách cung cấp thông tin kịp thời, chính xác. Anh Nguyễn Văn Khoa (Hãng taxi Thế Kỷ Mới) cho biết, những thông tin về tình hình giao thông được cập nhật liên tục chính là “chỗ dựa” tin cậy cho lái xe chủ động tránh các điểm ùn tắc khi lưu thông.

Thống kê mỗi ngày, Trung tâm Xử lý thông tin của kênh VOV Giao thông quốc gia nhận được khoảng 1.000 cuộc gọi cung cấp về tình hình ùn tắc giao thông trên mọi tuyến đường của Thủ đô. Việc hợp tác giữa các cơ quan chức năng liên quan của Hà Hội và sự tương tác giữa người dân với kênh VOV Giao thông quốc gia đang được đẩy mạnh, giúp phân luồng từ xa, góp phần giảm ùn tắc trên nhiều tuyến đường.

Trong khi đó, ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, liên ngành Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố Hà Nội đã thống nhất về phương án cụ thể cho 10 điểm ùn tắc mới phát sinh. Cụ thể, tại lối lên đường Vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One, cùng với việc tăng cường điều tiết phân luồng giờ cao điểm, sẽ nghiên cứu xén vỉa hè đường Khuất Duy Tiến… "Cùng với các biện pháp đang triển khai như: Cải tạo, nâng cấp hạ tầng nút giao; tăng cường lực lượng điều tiết... Sở Giao thông - Vận tải sẽ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền chỉ đạo đẩy nhanh các dự án trọng điểm...", ông Trần Đăng Hải thông tin.

Còn theo Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), để hạn chế phần nào gia tăng phương tiện cá nhân, Phòng Cảnh sát giao thông đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý phương tiện, qua đó kiểm soát tình trạng mỗi cá nhân đăng ký nhiều phương tiện như trước đây. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát giao thông vừa phối hợp với các phòng chức năng Sở Giao thông - Vận tải kiểm tra, rà soát 155 hệ thống đèn tín hiệu tại các nút giao thông, qua đó bỏ 76 biển và đèn báo không hiệu quả. Đây là những biển báo và đèn tín hiệu cho rẽ phải gây hỗn loạn giao thông trên nhiều tuyến đường.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm việc cấm các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu mở cửa trước 9h sáng hằng ngày để giảm bớt lượng người cùng lưu thông trong giờ cao điểm sáng; xử lý tình trạng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường...

Hướng tới mục tiêu bền vững

Cùng với những cách làm trên, Hà Nội đang thực hiện rất nhiều giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông một cách căn cơ hơn. Trong đó, thành phố đã áp dụng quản lý giao thông, phòng, chống ùn tắc qua hệ thống camera giám sát. Đến nay, Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội (Công an thành phố Hà Nội) vẫn phát huy hiệu quả kiểm soát 381 vị trí phức tạp về giao thông, có nguy cơ cao dẫn đến ùn tắc, nhất là trong khung giờ cao điểm.

Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, hiện Hà Nội có khoảng 600 camera giám sát giao thông. Trong quý I-2020, hệ thống camera giám sát đã phát hiện để cơ quan chức năng gửi giấy “phạt nguội” 1.233 trường hợp vi phạm. Việc xử phạt nghiêm cùng với hiệu quả tuyên truyền đã góp phần giảm tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, đi không đúng làn đường - một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phân tích, Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện hạn chế xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông. Do vậy, chỉ khi nào hệ thống vận tải công cộng gồm xe buýt, đường sắt đô thị được xây dựng, hoàn thiện đồng bộ; việc di dời các trường đại học, trụ sở một số cơ quan, bến xe khách liên tỉnh… ra khỏi vùng “lõi” đô thị được thực hiện thì tình hình giao thông sẽ được cải thiện.

Ngoài ra, Hà Nội cũng cần thực hiện quyết liệt hơn nữa lộ trình quản lý phương tiện cá nhân theo tinh thần Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố Hà Nội về thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”.

Triệu Dương - Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/968154/bai-cuoi-dong-bo-nhung-giai-phap