Bài cuối: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dần thay thế nhiều loại giấy tờ cá nhân

Thủ đô Hà Nội đã hoàn thiện việc xây dựng CSDL về dân cư dùng chung cho Công an TP Hà Nội. Nhiều địa phương trên cả nước đã thí điểm tổ chức thu thập thông tin dân cư với 16 trường thông tin.

Dự kiến tới năm 2020, CSDL quốc gia về dân cư sẽ đi vào hoạt động do Bộ Công an thống nhất, quản lý, phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nhiều địa phương đã thí điểm thu thập thông tin dân cư

Theo Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an, hiện nay, việc quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện. Công dân sở hữu nhiều loại giấy tờ với những con số khác nhau như giấy khai sinh, giấy đăng ký khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, CMND…

Thông tin trong các loại giấy tờ có những nội dung trùng lặp. Khi tham gia các giao dịch, công dân lại không thể sử dụng một trong các giấy tờ để chứng minh nhân thân của mình. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin chung về công dân giữa các cơ sở dữ liệu, gây lãng phí nguồn lực về tài chính, nguồn nhân lực.

CSDL quốc gia về dân cư đi vào hoạt động sẽ giúp chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin về công dân trong giải quyết thủ tục hành chính.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý dân cư, ngày 8-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, khẳng định vai trò của CSDL quốc gia về dân cư.

Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016 trong đó quy định CSDL quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả các công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ Công an thống nhất, quản lý.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục dự án “Xây dựng hệ thống quản lý dân cư” sử dụng tín dụng ưu đãi của Chính phủ Hungary, giao Bộ Công an là cơ quan chủ quản đồng thời lựa chọn TP Hải Phòng là đơn vị triển khai dự án.

Tháng 12-2016, hệ thống CSDL dân cư TP Hải Phòng đã phục vụ công tác đăng ký, quản lý cư trú, cấp, quản lý căn cước công dân, bước đầu hỗ trợ việc lập danh sách cử tri phục vụ bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, hỗ trợ tra cứu thông tin dân cư.

Những kết quả đạt được trong công tác triển khai dự án tại Hải Phòng là tiền đề quan trọng để xây dựng CSDL quốc gia về dân cư trên phạm vi toàn quốc.

Từ tháng 12-2016, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội tổ chức triển khai thí điểm việc thu thập thông tin dân cư theo “Phiếu thu thập thông tin dân cư” với 16 trường thông tin tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam và thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình để đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai toàn quốc.

Đồng thời tiến hành khảo sát tại một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Đăk Lăk, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Long An, Tây Ninh…; tổ chức thí điểm triển khai phần mềm quản lý dân cư tại các đơn vị của Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện để hoàn thiện phần mềm triển khai trên toàn quốc.

Kết nối, chia sẻ thông tin

Theo dự kiến, năm 2020, CSDL quốc gia về dân cư sẽ đi vào hoạt động. Khi đó, các CSDL quốc gia khác, CSDL chuyên ngành được kết nối với CSDL quốc gia về dân cư thông qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính để thu thập, cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin về công dân.

Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết, các CSDL quốc gia khác, CSDL chuyên ngành được kết nối với CSDL quốc gia về dân cư nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có cơ sở hạ tầng thông tin để kết nối; Đáp ứng tiêu chuẩn kết nối theo quy chuẩn tại Thông tư số 02/2017/TT-BTTTT ngày 4-4-2017 về việc Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với CSDL quốc gia về dân cư”.

Cơ quan quản lý CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội được khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thông qua các hình thức: Kết nối mạng viễn thông, mạng máy tính với CSDL quốc gia về dân cư; qua cổng thông tin điện tử do cơ quan quản lý CSDL quốc gia về dân cư quy định và văn bản yêu cầu.

Công dân được khai thác thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính, văn bản yêu cầu khai thác thông tin hoặc qua dịch vụ viễn thông. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin về công dân cư trú tại địa phương.

Thủ trưởng cơ quan quản lý CSDL quốc gia về dân cư Bộ Công an có thẩm quyền cho phép khai thác các thông tin về công dân trên phạm vi toàn quốc.

“Bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú...

Bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú”. (Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an).

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giai-dap-phap-luat/bai-cuoi-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-dan-thay-the-nhieu-loai-giay-to-ca-nhan-468847/