Bài cuối: Cảnh ngộ khó khăn của nạn nhân và những sơ hở trong công tác quản lý

Căn cứ kết quả đấu tranh, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định được tổng số tiền của 2 Chương trình 'Trái tim Việt Nam', 'Liên kết ba bên', đã thu của người tham gia khoảng 165 tỷ đồng.

Đã làm rõ được 1.093 bị hại của Chương trình “Trái tim Việt Nam”, trong đó có người đứng đơn đại diện cho một nhóm, tổng số tiền đã nộp là 60 tỷ đồng. Hiện đã được trả lại là 20 tỷ đồng, số tiền bị thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.

Qua công tác điều tra vụ án, cơ quan điều tra còn phát hiện sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các Hiệp hội và các đơn vị pháp nhân do Hiệp hội thành lập.

Cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát, có biện pháp quản lý, không để các cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an xác định: Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội) được thành lập ngày 28-5-2002.

Theo quy định, Hiệp hội được thành lập các pháp nhân trực thuộc do Chủ tịch Hiệp hội ký quyết định trên cơ sở đã báo cáo, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.

Các đối tượng tổ chức Chương trình “Trái tim Việt Nam” lôi kéo nhiều người tham gia.

Đến ngày 8-10-2013, ông Lê Khắc Triết, Chủ tịch Hiệp hội ký quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (gọi tắt là Trung tâm Hỗ trợ người nghèo), bổ nhiệm Trần Đức Trung, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên và Lê Thị Hằng giữ chức vụ Tổng Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo.

Theo Quy chế tổ chức bộ máy và hoạt động thì nguồn vốn của trung tâm gồm có nguồn đóng góp của các thành viên trung tâm; nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu, phát triển dịch vụ, tư vấn... Tuy nhiên, từ khi thành lập trung tâm hầu như không có hoạt động gì, không có nguồn phát sinh doanh thu, cũng không có tài sản lớn tự có hoặc do các tổ chức, cá nhân bên ngoài tài trợ.

Việc thành lập và hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Và trong khi trung tâm chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động và không có hoạt động gì phát sinh doanh thu nhưng từ tháng 4-2015, Trung và Hằng đã lợi dụng danh nghĩa pháp nhân của trung tâm để tổ chức Chương trình “Trái tim Việt Nam”, thu tiền của người tham gia, hứa hẹn hỗ trợ lại với lãi suất cao để lôi kéo người dân nộp tiền cho trung tâm, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Hoạt động trên của trung tâm không đúng với tôn chỉ, mục đích, điều lệ hoạt động của Hiệp hội. Khi triển khai Chương trình “Trái tim Việt Nam”, Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng không báo cáo Hiệp hội, không thực hiện đúng chế độ quản lý tài chính, kế toán theo quy chế hoạt động của trung tâm và quy định của pháp luật.

Tiếp nhận hồ sơ trong điều kiện vụ việc xảy ra đã lâu; đã qua nhiều cơ quan xem xét, giải quyết; các bị can có sự đối phó, tiêu hủy, tẩu tán tài liệu nên đã ảnh hưởng đến việc thu giữ, củng cố tài liệu để kết luận chính xác về số lượng người tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam”, “Liên kết ba bên”; số tiền các điểm tư vấn đã thu của người tham gia, số tiền đã nộp lên trung tâm, số tiền hoa hồng mỗi điểm tư vấn đã nhận, số tiền trung tâm đã chi trả cho người tham gia, số tiền gốc người tham gia chưa được nhận, số tiền trung tâm còn giữ...

Ngoài ra, còn nhiều người tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam” và “Liên kết ba bên” có đơn nhưng không cung cấp được tài liệu chứng minh, nhiều bị hại có tên, danh sách nhưng không lên làm việc, hoặc không rõ thông tin để xác minh, triệu tập làm việc.

Trong quá trình điều tra vụ án, các trinh sát phải lấy lời khai của hàng nghìn nạn nhân. Đồng thời cùng lúc phải xử lý nhiều vụ án lớn, do yêu cầu của cơ quan điều tra. Song với tinh thần trách nhiệm, đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Các điều tra viên trăn trở về chính những hậu quả để lại. Nhiều gia đình hiện nay rơi vào cảnh khốn cùng, nợ nần chồng chất. Trường hợp của chị Lã Thị Điềm (trú tại thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) là một ví dụ.

Khoảng tháng 6-2015, qua đối tượng Bùi Thị Oanh, chị giới thiệu về Chương trình “Trái tim Việt Nam” do Hằng làm Tổng Giám đốc. Đối tượng này nói với chị rằng đây là chương trình của Nhà nước, nhằm hỗ trợ cho nông dân trong phát triển nông thôn mới; Lê Hằng có quan hệ rất tốt với các tổ chức phi chính phủ sẽ xin tiền về để giúp đỡ bà con thoát nghèo.

Sau đó, chị Điềm được đối tượng này đưa cho các giấy tờ, tài liệu, cam kết trả tiền với lãi suất cao; các văn bản của cơ quan Nhà nước cho phép trung tâm hoạt động...

Theo đó, nếu nộp vào 1,2 triệu đồng, chương trình sẽ hỗ trợ 5 đợt và được nhận về là 5,2 triệu đồng. Tin vào những lời đối tượng Oanh nói, chị Điềm đã đồng ý tham gia.

Chị Điềm đã nộp vào trung tâm 760 triệu đồng. Từ tháng 1-2016, không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào. “Của đau con xót”, chị đã nhiều lần gặp các đối tượng này để đòi tiền về thì được trả lời rằng chương trình này đã kết thúc.

Đối tượng hứa hẹn, sẽ hỗ trợ khi có chương trình khác... Số tiền đóng góp trên là một khoản không nhỏ của gia đình nên hoàn cảnh của chị rất khó khăn.

Trường hợp của anh Phạm Duy C. (trú tại Thái Bình) cũng vậy. Qua một người bạn, anh C. quen Nhâm Sỹ Phúc và đã đến nhà Phúc chơi.

Tại buổi gặp gỡ, Phúc giới thiệu cho anh về hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ người nghèo do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam thành lập; giới thiệu thư ủng hộ của một số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, các bộ, ban ngành; nguồn vốn khổng lồ từ Tổ chức phi chính phủ do Lê Hằng, Tổng Giám đốc Quỹ Đông Nam Á; quỹ đấu giá cổ vật và điều kiện người tham gia...

Đối tượng nói với anh, muốn thoát nghèo thì đây là cơ hội cho người dân... Thận trọng mãi đến tháng 5-2018 anh mới tham gia, lúc đầu là 1,2 triệu đồng. Tối 15-7-2015, xem bảng lương thấy có hỗ trợ 750 nghìn đồng nên anh tin, tiếp theo nhiều lần đặt số tiền là 197 triệu đồng.

Từ tháng 5 đến tháng 11-2015, anh đã nhận được từ văn phòng số tiền là 110 triệu đồng, khoản còn lại là 103 triệu đồng... Với những gia đình thuần nông, số tiền đó là một khoản không nhỏ.

Hiện, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đang nỗ lực thu hồi tài sản cho người bị hại. Vụ án đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, việc thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Nhà nước ở nhiều địa phương và thiệt hại tài sản của người dân.

Xuân Mai- Trần Xuân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/lan-theo-dau-vet-toi-pham/bai-cuoi-canh-ngo-kho-khan-cua-nan-nhan-va-nhung-so-ho-trong-cong-tac-quan-ly-503845/