Bài cuối: Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc nói chung và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng là một vấn đề khó và lâu dài, nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có kế hoạch cụ thể để hoàn thiện lý thuyết thể loại, văn bản pháp qui và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Như chúng tôi đã trình bày ở bài trước, cần phải hiểu đúng bản chất là UNESCO vinh danh, ghi nhận những giá trị văn hóa được sáng tạo bởi cộng đồng trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, chứ không phải là UNESCO vinh danh tín ngưỡng dưới góc độ tâm linh. Phải hiểu đúng như vậy thì mới đi đúng hướng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, loại bỏ các hình thức biến tướng, trục lợi.

Di sản trước tiên là của cộng đồng và do cộng đồng trực tiếp thực hành. Vì vậy, nhận thức của cộng đồng là quan trọng nhất trong việc bảo vệ di sản. Đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và nghi thức hầu đồng nói riêng cũng như vậy.

Việc đầu tiên là các thanh đồng có kinh nghiệm phải truyền dạy lại một cách bài bản và chính xác nghi thức thực hành này cho các đội ngũ kế cận. Từ đó uốn nắn và điều chỉnh sao cho đúng qui tắc và không bị thất bản, dị bản.

Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, chưa có một qui tắc nhất quán trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và loại hình nghi thức hầu đồng nói riêng. Thế nên mới dẫn đến việc, mỗi nơi lại thực hành một kiểu với nội dung và hình thức không giống nhau, từ trang phục, âm nhạc đến các điệu múa minh họa.

Cần triển khai tổng thể nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (ảnh minh họa).

Vì vậy, những thanh đồng mới vào nghề, thậm chí là những thanh đồng có kinh nghiệm cũng không biết thực hành như thế nào là chuẩn. Chỉ biết người đi trước ở địa phương mình truyền dạy như vậy và thực hành theo.

Việc xây dựng được một qui tắc hay nói nôm na là soạn một bộ giáo trình chuẩn, trước hết trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa mà ở đây cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đó phải là sự dày công phối hợp giữa các cơ quan chức năng chuyên ngành, kết hợp với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chủ thể trực tiếp thực hành như các thanh đồng, thủ nhang ở các đền, phủ có kinh nghiệm. Khi có qui tắc chuẩn rồi thì lấy đó làm cơ sở để hướng dẫn thực hành, để biết đâu là thực hành chuẩn, đâu là thực hành sai để điều chỉnh cho phù hợp.

Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước hay các tổ chức xã hội về văn hóa, cần khuyến khích hay tạo điều kiện để lập ra các nhóm, các câu lạc bộ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính thống. Từ đó, những câu lạc bộ này có thể đi đến nhiều nơi để biểu diễn, vừa là phục vụ nhân dân, vừa là trình bày và truyền dạy, lan tỏa phương thức thực hành tín ngưỡng chuẩn.

Bên cạnh đó, cũng có thể tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi chuyên môn thực hành tín ngưỡng với các nhóm thực hành tín ngưỡng ở các địa phương, để họ tự nhận thức được loại hình thực hành đúng đắn để sửa, để làm theo.

Bên cạnh đó, hiện trạng đốt vàng mã hay vung tiền mệnh giá lớn trong thực hành tín ngưỡng nói chung và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng cũng là một vấn đề không dễ giải quyết. Vì thực hành tín ngưỡng là thể hiện niềm tin của riêng chủ thể thực hành nên rất khó để có thể cấm đoán hay qui định một cách áp đặt. Vì vậy, chỉ có thể tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân để họ tự thấy và điều chỉnh hành vi của bản thân mình sao cho phù hợp.

Như vậy, việc thực hành mới đi vào nền nếp và tránh được những biến tướng để chuộc lợi từ những tổ chức cá nhân lợi dụng vào niềm tin của người dân trong tín ngưỡng.

Một vấn đề quan trọng khác là việc xây dựng lại hoặc trùng tu các di tích thờ Mẫu cần được tiến hành theo một quy hoạch tổng thể, tránh tùy tiện xây dựng dẫn đến chắp vá thiếu tính đồng bộ, nhất là ở những di tích tiêu biểu có nhiều con nhang đệ tử. Hệ thống điện thần cần có sự thống nhất về khuôn mẫu, kiểu dáng và cách bài trí. Sự xuất hiện các nhân vật lịch sử mới trong điện thờ Mẫu cũng phải cần có sự nghiên cứu và thống nhất để tránh lộn xộn, tự phát.

Ngoài ra, việc nâng cao vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng là một vấn đề hết sức quan trọng. Tùy vào từng di tích xếp hạng ở các cấp như di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp quốc gia đặc biệt mà ứng với vai trò của từng cấp quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh việc đề cao vai trò thì cũng cần gắn chặt với trách nhiệm của các cơ quan, địa phương.

Nếu nơi nào để xảy ra những biến tướng, trục lợi trong việc thực hành di sản, thì người đứng đầu cấp có thẩm quyền đó phải chịu trách nhiệm. Tránh để tình trạng “cha chung không ai khóc”, đá bóng trách nhiệm.

Tuy nhiên, trong việc bảo tồn và phát huy di sản nói chung và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, việc phối hợp giữa chính quyền các cấp với các thủ nhang ở các đền, phủ là việc cực kỳ quan trọng. Nếu chính quyền buông lỏng thì rất khó quản lý.

Ngược lại, nếu chính quyền can thiệp quá sâu hay thiếu linh động đối với từng trường hợp đền, phủ, dễ dẫn đến tình trạng bức xúc đối với các thủ nhang, thanh đồng, làm ảnh hưởng chung đến việc bảo tồn và phát huy thực hành tín ngưỡng, gây mất an ninh trật tự ở địa phương.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc nói chung và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng là một vấn đề khó và lâu dài. Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa các cấp cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có kế hoạch cụ thể để hoàn thiện lý thuyết thể loại, văn bản pháp qui và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mới mong bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa các di sản đã được vinh danh để giữ gìn cho mai sau.

Cảnh Vũ – Phan Hoạt

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/bai-cuoi-can-trien-khai-dong-bo-nhieu-giai-phap-420867/