Bài cuối: Cần dẹp ngay những dự án tự phát

Thực chất, hầu hết các 'dự án bất động sản' đang được rao bán, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) chỉ là 'bánh vẽ' do các cá nhân tự phát thực hiện, không được sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Nếu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại những dự án này, người mua sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Lợi dụng "chiêu bài" hiến đất làm đường, nhiều doanh nghiệp bất động sản (thường núp bóng dưới hình thức cá nhân) đã lập nên những dự án trái pháp luật tại TP Bảo Lộc, rao bán, chuyển nhượng cho nhiều cá nhân, phần lớn là người có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.

Theo điều tra của PV Báo CAND, hàng loạt dự án bất động sản đình đám tại TP Bảo Lộc như: Khu dân cư Pine Valley Bảo Lộc, Đạm B'ri Hill Village, Jade Garden Hill Bảo Lộc, Bảo Lộc Park Hills, Làng sinh thái Nature Bảo Lộc, Happy Valley Bảo Lộc, Khu cộng đồng sinh thái - Du lịch - Nghỉ dưỡng La Beauté, Khu dân cư Nguyễn Đình Chiểu... thực chất là những "dự án ma", không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Những dự án này đều do các cá nhân đứng tên thực hiện giao dịch bất động sản và được giới thiệu, quảng cáo dưới hình thức "dự án bất động sản".

Hầu hết các "dự án" được đầu tư cơ sở hạ tầng khá bài bản khiến nhiều người nhầm lẫn đây là dự án hợp pháp. Cụ thể, "dự án" Pine Valley Bảo Lộc, chủ sử dụng đất là ông Vũ Văn Toàn; "dự án" Đạm B'ri Hill Village 1 Bảo Lộc, chủ sử dụng đất là ông Đỗ Viết Thức; "dự án" Đạm B'ri Hill Village 2, người sử dụng đất là ông Phan Đình Hưng; "dự án" Jade Garden Hill Bảo Lộc, chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Ánh; "dự án" Kiwiki, chủ sử dụng đất là ông Trần Ngọc Tùng...

Những "dự án" trên đều do các cá nhân tự đo vẽ, phối cảnh và rao bán, quảng cáo rầm rộ với sự tiếp sức hăng hái của đội ngũ môi giới bất động sản hùng hậu nhằm đánh lừa người nhận chuyển nhượng. Với "lá bùa" hiến đất làm đường cùng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, những cá nhân trên nhanh chóng hô biến các khu đất mà chỉ cách đây ít tháng còn là vùng sản xuất chè, cà phê "ăn đời ở kiếp" với bà con nông dân trở thành những "dự án bất động sản" với cơ sở hạ tầng, đường sá khá bài bản.

Theo UBND TP Bảo Lộc, trong năm 2020 địa phương này chủ yếu thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất ở các hồ sơ khi tách thửa do người sử dụng đất có hộ khẩu ngoài TP Bảo Lộc, hoặc người có hộ khẩu tại Bảo Lộc thực hiện chuyển mục đích sau đó sang nhượng lại cho các cá nhân ngoài tỉnh Lâm Đồng.

Chỉ tính riêng tiền thu ngân sách từ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đến đầu tháng 12/2020, TP Bảo Lộc thu về 277 tỷ đồng, tăng đột biến so với những năm trước. Để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền dưới hình thức dự án bất động sản, thời gian qua UBND TP Bảo Lộc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, quản lý chặt chẽ những khu vực đang có dấu hiệu phân lô bán nền.

 Những dự án bất động sản trái pháp luật ở TP Bảo Lộc.

Những dự án bất động sản trái pháp luật ở TP Bảo Lộc.

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Chánh Văn phòng UBND TP Bảo Lộc, ngoài việc chỉ đạo kiểm tra xử lý các trường hợp tự ý san gạt, mở đường, xây dựng công trình khi chưa được cấp phép, UBND TP Bảo Lộc cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động rao bán, quảng cáo các dự án bất động sản không đúng sự thật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, theo UBND TP Bảo Lộc, hiện nay cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý đối với các hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng cùng lúc nhiều thửa đất sau đó nhập thửa và hiến đất làm đường giao thông. Thửa đất này sau đó lại được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho tách thành nhiều thửa nhỏ nhằm mục đích kinh doanh bất động sản.

Trước thực trạng trên, UBND TP Bảo Lộc đã chỉ đạo UBND các phường, xã tạm thời chưa xem xét việc xác nhận cho tổ chức, cá nhân hiến đất mở đường giao thông mới nếu vị trí xin mở đường không có hoặc không phù hợp với quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng.

Trước việc nở rộ các "dự án ma", UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản xử lý đối với những hồ sơ đề nghị tách thửa trong khi chờ UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất (thay thế Quyết định 33/2015/QĐ-UBND ngày 16/4/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng).

Theo đó, đối với những hồ sơ nộp trước ngày 18/11/2020, đã đưa vào quy trình xử lý theo dõi trên hệ thống phần mềm, Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố, đơn vị liên quan xem xét giải quyết theo Quyết định 33/2015/QĐ-UBND. Sau ngày này, việc xem xét, giải quyết các trường hợp trên được thực hiện theo văn bản 9410/UBND-ĐC ngày 18-12-2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Như vậy, những hồ sơ đề nghị tách thửa sau ngày 18/11/2020, Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố chỉ xem xét hồ sơ tách thửa theo đúng mục đích sử dụng đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.

Đối với đất có mục đích sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận là đất ở đô thị, đất ở nông thôn thì diện tích tối thiểu tiếp tục thực hiện theo Quyết định 33 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Đối với thửa đất có mục đích ghi trong giấy chứng nhận là đất nông nghiệp (thuộc quy hoạch đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở hoặc đất nông nghiệp), diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 500m².

Quy định là vậy, nhưng với việc quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, tình trạng tự ý mở đường, đầu tư cơ sở hạ tầng, phân lô chuyển nhượng bất động sản dưới hình thức dự án vẫn đang xảy ra tại nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng.

Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn khiến nhà nước thất thu thuế, ảnh hưởng tới việc kêu gọi đầu tư của các địa phương vào những dự án bất động sản hợp pháp. Ông Trần Nhật Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, địa phương có một số dự án bất động sản đang kêu gọi nhà đầu tư nhưng gặp không ít khó khăn.

Theo ông Thi, trước việc để tồn tại hàng loạt "dự án" bất động sản trái pháp luật tại nhiều địa phương, các nhà đầu tư tỏ ra khá dè chừng bởi không thể cạnh tranh nổi các "dự án" này. "Một dự án được thực hiện hợp pháp chắc chắn khó mà cạnh tranh được với những dự án tồn tại bất hợp pháp!...", ông Thi cho biết.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/bai-cuoi-can-dep-ngay-nhung-du-an-tu-phat-627780/