Bài cuối: Cần chế độ đãi ngộ xứng đáng

Vào thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát như hiện nay, sự vào cuộc của đội xung kích diệt bọ gậy có vai trò quyết định trong việc vận động, thuyết phục người dân thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt, hợp tác với ngành Y tế trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, bền vững, cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các thành viên đội xung kích.

Cán bộ y tế cùng Tổ trưởng Tổ dân phố phổ biến cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho người dân khu dân cư số 10, phường Tương Mai (quận Hoàng Mai). Ảnh: Nguyệt Ánh

Phát huy tinh thần tự nguyện

Công tác chống dịch sốt xuất huyết “nóng” lên từng ngày tại các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn Thủ đô. Tính đến thời điểm này, huyện Quốc Oai đã ghi nhận 85 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở 20/21 xã, thị trấn. Ông Đào Xuân Long, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện nhận định, dịch bệnh có thể gia tăng mạnh và kéo dài. Để ngăn chặn sự bùng phát và lan rộng của dịch bệnh chỉ có biện pháp duy nhất là giảm nhanh mật độ muỗi và bọ gậy. Đội xung kích diệt bọ gậy tại các xã trên địa bàn huyện đang tích cực vào cuộc. Mỗi đội xung kích phụ trách 50 hộ gia đình, đến từng ngõ xóm với tần xuất kiểm tra, diệt bọ gậy 1 tuần/lần, bảo đảm tiếp cận 100% hộ gia đình, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu công nghiệp…

Theo ông Đào Xuân Long, đội xung kích diệt bọ gậy sẽ hoạt động thường xuyên, liên tục từ nay đến khi hết dịch trên địa bàn. Sự vào cuộc của các đội xung kích quyết liệt và triệt để sẽ tạo được hiệu quả, nhưng chỉ một chút lơ là, những ổ bọ gậy lại phát triển. Chính vì vậy, song song với việc thành lập đội xung kích, ở các xã, phường, thị trấn cũng đã thành lập những tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Mỗi tổ có 2 người, gồm 1 cán bộ y tế và 1 cán bộ là lãnh đạo thôn, tổ dân phố. Nhiệm vụ của mỗi tổ là chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của 5 đến 10 đội xung kích diệt bọ gậy.

Tương tự, tại huyện Thanh Oai cũng đã ghi nhận hơn 400 ca mắc với 39 ổ dịch sốt xuất huyết tại 21/21 xã, thị trấn. Huyện đã thành lập hơn 1.000 đội xung kích ở thôn, xóm, đến từng nhà để tư vấn, phát tờ rơi phổ biến kiến thức về bệnh sốt xuất huyết, đồng thời hướng dẫn thực hành diệt bọ gậy. Ông Nguyễn Huy Diệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, chính quyền địa phương xác định công tác phòng, chống dịch là việc làm thường xuyên, liên tục chứ không chạy theo phong trào. Việc thành lập các đội xung kích vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện của mỗi người dân. Do đó, khi thành lập đội xung kích phòng, chống dịch, các xã, thị trấn lựa chọn những người có tâm huyết, sẵn sàng vì nhiệm vụ chung của cộng đồng, phát huy tinh thần tự nguyện để chia sẻ khó khăn cho chính quyền các cấp.

Theo ông Lương Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Gia Thụy (quận Long Biên), việc phòng dịch tốt sẽ làm giảm thiệt hại về nhiều mặt cho xã hội. Một đồng bỏ ra phòng dịch có thể tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm đồng dùng để chống dịch. Nhận thức rõ điều này, phường luôn duy trì các đội xung kích, đội cơ động tình nguyện tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh ở từng ngõ, xóm. Thế nhưng, khó khăn nhất hiện nay là nguồn kinh phí phòng dịch. “Các đội xung kích hoạt động hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Nguồn kinh phí dự phòng của địa phương chỉ hỗ trợ được 10.000 đồng/người/ngày, trong khi công việc rất vất vả…” - ông Lương Thành Trung cho hay.

Có chế độ đãi ngộ xứng đáng

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, nếu áp dụng mức chi phí cho các thành viên của đội xung kích từ 10.000 đến 20.000 đồng/người/ngày, thì khó có thể kêu gọi sự vào cuộc thường xuyên và liên tục. Nếu họ chỉ đến các hộ gia đình “ngó nghiêng” rồi về thì việc tuyên truyền, diệt bọ gậy không thể triệt để. Lực lượng tham gia đội xung kích phải được tập huấn, đào tạo bài bản và trả thù lao xứng đáng thì mới thu được hiệu quả thực sự.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết phải thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết, hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các đội xung kích. Mặt khác, đánh giá kết quả thực hiện của các đội xung kích diệt bọ gậy bằng kiểm tra ngẫu nhiên từ 5 đến 10% hộ gia đình và các khu vực khác mà đội được giao phụ trách. Về kinh phí hoạt động, trong trường hợp có ổ dịch sốt xuất huyết, các thành viên đội xung kích và tổ giám sát sẽ được bồi dưỡng 100.000 đồng/ người/ngày. Còn với trường hợp chưa có ổ dịch, bồi dưỡng cho thành viên đội xung kích không quá 50.000 đồng/người/ngày; thành viên tổ giám sát được bồi dưỡng 30.000 đồng/người/ngày.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trong thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát như hiện nay, nếu làm tốt công tác diệt bọ gậy sẽ chặn đứng nguồn lây, giảm tình trạng gia tăng ca mắc mới. Do đó, vai trò của đội xung kích diệt bọ gậy tại các địa phương là vô cùng quan trọng. Để duy trì hiệu quả của công tác “vào từng ngõ, gõ từng nhà”, các địa phương nên có hình thức bồi dưỡng, động viên, khen thưởng kịp thời những thành viên tích cực tham gia hoạt động này.

Thu Trang - Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/875356/bai-cuoi-can-che-do-dai-ngo-xung-dang