Bài cuối: 'Cẩm nang' quan trọng

Nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, bên cạnh những kết quả ấn tượng đạt được còn đem lại nhiều bài học quý giá từ chính những hạn chế trong quá trình thực hiện. Việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU chắc chắn không gói gọn trong nhiệm kỳ 2015-2020 mà là 'cẩm nang' quan trọng cần tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.

Nắm bắt kịp thời dư luận nhân dân là một trong những yêu cầu quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU. Trong ảnh: Cử tri quận Nam Từ Liêm phát biểu tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội. Ảnh: Viết Thành

Chủ quan, lơ là sẽ hỏng việc

Tại huyện Ba Vì, kết quả đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng năm 2019 cho thấy không có tổ chức cơ sở Đảng nào “Không hoàn thành nhiệm vụ”, chỉ có 10 đơn vị “Hoàn thành nhiệm vụ”. Tuy nhiên, sau khi rà soát kỹ, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định đưa 3 xã: Tiên Phong, Cổ Đô và Cẩm Lĩnh vào diện phải củng cố. Đây là ví dụ cho thấy, để thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” (Nghị quyết 15), thì việc rà soát, đánh giá kỹ tình hình mỗi tổ chức cơ sở Đảng có ý nghĩa rất quan trọng.

Điểm nhấn trong kết quả thực hiện Nghị quyết 15 trong 6 tháng đầu năm 2020 là 83/83 tổ chức cơ sở Đảng được đưa vào danh sách phải quan tâm, củng cố trước đại hội, trong đó có những đảng bộ cấp xã mất đoàn kết nội bộ kéo dài, nhưng đều tổ chức thành công đại hội, bầu đúng, bầu đủ nhân sự được phê duyệt.

Tuy nhiên, trong khi những đơn vị khó khăn được cấp trên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đã tổ chức đại hội thành công, thì một số đơn vị tưởng chừng ổn định lại nảy sinh vấn đề phức tạp. Cụ thể, có ít nhất 13 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có một số đảng bộ xã, phường hay một số đảng bộ cơ sở nhân sự chủ chốt như bí thư, phó bí thư đảng ủy được duyệt không trúng cử cấp ủy khóa mới.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, nguyên nhân ở đây là sự chủ quan, lơ là của cấp ủy cấp trên trực tiếp trong quá trình nắm bắt tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội. Đây cũng chính là một trong những tồn tại thường xuyên xảy ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết 15 suốt 3 năm qua, đồng thời là bài học sâu sắc mà các cấp ủy Đảng phải ghi nhớ.

Phân tích của Ban Tổ chức Thành ủy còn cho thấy, những hạn chế cần phải rút kinh nghiệm ngay trong thực hiện Nghị quyết 15 thời gian tới là công tác nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp có lúc, có nơi chưa kịp thời. Công tác phát hiện dấu hiệu vi phạm ở một số quận, huyện, thị ủy chưa hiệu quả, dẫn đến một số vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài nhưng không được phát hiện, xử lý. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chủ quan, không nắm chắc tình hình, bị động, ứng phó chậm trong giải quyết các vụ việc. Công tác chỉ đạo giải quyết một số vụ phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chưa triệt để…

Ràng buộc trách nhiệm từng vụ việc

Từ thực tế kết quả đại hội cấp cơ sở vừa qua cho thấy, mặc dù 100% tổ chức cơ sở Đảng đã được củng cố, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết, mất sức chiến đấu. Do đó, công tác nắm tình hình, rà soát, đánh giá thường xuyên phải được quan tâm đúng mức để xử lý sớm, kịp thời những vấn đề phát sinh.

Cùng với đó, đến nay toàn thành phố vẫn còn 47 vụ việc phức tạp thuộc diện thành phố theo dõi, 102 vụ việc thuộc diện các quận, huyện, thị xã theo dõi; chưa kể 10 vụ việc tồn đọng lâu năm dễ trở thành “điểm nóng”. Những vụ việc còn tồn nêu trên hầu hết là những vụ việc rất phức tạp, khó giải quyết - đây là khó khăn đặt ra đối với các cấp ủy Đảng trong thực hiện Nghị quyết 15 gắn với thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Theo Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn An Huy, một số vụ việc cấp ủy cơ sở hoàn toàn giải quyết được nhưng chưa sâu sát, quyết liệt; một số vụ có biểu hiện né tránh, đẩy việc lên cấp thành phố... Trong khi đó, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, hầu hết vụ việc phức tạp đều mang tính chất dân sinh. Nếu không kịp thời giải quyết rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động, biến thành vấn đề chính trị phức tạp.

Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thực hiện Nghị quyết 15 thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, các quận, huyện, thị ủy có kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể, có lộ trình xử lý dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Các sở, ngành chú trọng nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy trong chỉ đạo, giải quyết các vụ việc đúng với tinh thần “3 không” như đã nêu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo, Ban Chỉ đạo thành phố và các cấp, ngành phải đẩy mạnh thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 15 gắn với thực hiện Chỉ thị số 15, trọng tâm là bám sát tình hình, có giải pháp hiệu quả củng cố các tổ chức Đảng và xử lý dứt điểm các vụ khiếu kiện còn tồn đọng.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy yêu cầu, phải ràng buộc trách nhiệm cá nhân người đứng đầu đối với từng vụ việc, vấn đề. Từ Ban Chỉ đạo thành phố đến các quận, huyện, thị xã phải ra văn bản phân công nhiệm vụ phụ trách từng vụ việc, từng tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố cho từng cá nhân với mốc thời gian thực hiện cụ thể để làm căn cứ đánh giá kết quả, xem xét trách nhiệm. Quá trình giải quyết các vụ việc phức tạp cần tập trung xử lý dứt điểm từng vụ, không để phát sinh thêm vấn đề mới, vụ việc mới từ vụ việc đang giải quyết; không để tái diễn tình trạng đơn thư chuyển lòng vòng, gây bức xúc trong nhân dân.

Rõ ràng, Nghị quyết 15 tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ mà các cấp ủy Đảng từ thành phố xuống cơ sở phải quan tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đây vẫn sẽ là “cẩm nang” quan trọng, là nguồn động lực thôi thúc các cấp ủy không ngừng chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phong cách lãnh đạo để ngày càng gần dân, trọng dân, được dân yêu, dân quý hơn.

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/975209/bai-cuoi-cam-nang-quan-trong