Bãi cọc cổ ở Hải Phòng - Nhiều bí ẩn cần được khám phá

Tại Hội nghị thông báo phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc lần thứ 55, tổ chức ngày 30-9, kết quả hai cuộc khai quật bãi cọc Cao Quỳ và Đầm Thượng (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) là chủ đề nóng nhận được sự quan tâm của các nhà khảo cổ học, sử học hàng đầu.

Việc khai quật bãi cọc Cao Quỳ sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới, thay đổi nhận thức của các nhà khoa học rằng, chiến thắng Bạch Đằng không chỉ là một trận đánh mà có thể là chiến dịch quy mô lớn, quân dân nhà Trần phải huy động nhiều lực lượng tham gia, chịu nhiều hy sinh.

Có thể liên quan tới trận địa Bạch Đằng xưa

Theo TS Bùi Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học, ở 3 hố khai quật trên cánh đồng Cao Quỳ, với diện tích gần 1.000m2, đoàn khảo sát đã đào được 27 cọc gỗ lim cổ. Dựa vào địa tầng của khu vực này, có thể đoán định khu vực xuất lộ cọc là một bãi bồi ven sông, đã bị phủ lấp qua thời gian. Các cọc có thể được chôn/đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ.

Hố khai quật bãi cọc ở Cao Quỳ, Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Hố khai quật bãi cọc ở Cao Quỳ, Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo; đối với cọc to hơn thì “ngoạm” này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển. “Về kỹ thuật, các cọc được tìm thấy ở Cao Quỳ chưa thấy rõ ràng kỹ thuật như ở Yên Giang. Song, khi nghiên cứu mặt cắt thì đây cũng không phải là một công trình kiến trúc, mặc dù sự phân bố có bóng dáng kiến trúc cổ. Điểm đặc biệt là chân cọc không đẽo nhọn mà là mặt bằng. Các cọc được đóng bằng phương pháp nào vẫn là câu hỏi lớn. Có thể cọc được đóng trực tiếp xuống lớp đất bùn hoặc được chôn dưới hố”, TS Bùi Văn Hiếu nói.

GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng, việc phát hiện bãi cọc cổ ở Hải Phòng có một ý nghĩa đặc biệt, giúp các nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng nhận thức rõ hơn về trận chiến trên sông. Phân tích kỹ hơn về việc tại sao bãi cọc Cao Quỳ lại được chôn trên bờ, liệu đây có phải là một khu rừng hay một kiến trúc, TS Ngọc cho rằng, có dấu vết đào, chèn đá thì không thể là rừng và không có chuyện chôn cọc ở lòng sông, mà việc chôn cọc hai bên bờ mới hợp lý.

TS Nguyễn Quang Ngọc cũng nhận định: “Với việc tìm thấy bãi cọc, có thể đây là một căn cứ thủy quân rất lớn ở đầu sông Hà Thần, mỏm hướng ra Đá Bạc chính là bãi cọc Cao Quỳ. Theo tôi, trung tâm chiến trường Bạch Đằng 1288 hay trận quyết liệt nhất chính là trận ở cửa sông Thải, chỗ hướng ra núi Mỏ Vịt, mà bây giờ cải tạo xây dựng khu Bạch Đằng Giang”.

Liên quan tới việc phát hiện các bãi cọc cổ, theo TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ, đây là việc có ý nghĩa quan trọng để chắc chắn rằng, không chỉ có bãi cọc Yên Giang (Quảng Ninh) mà còn nhiều bãi cọc khác, cho phép hình dung một thế trận trùng điệp chống quân xâm lược.

Cần tiếp tục mở rộng nghiên cứu

Dưới một góc nhìn phản biện, một số nhà khảo cổ học đặt nghi vấn, liệu có khẳng định quá sớm việc bãi cọc mới được phát hiện này liên quan tới trận chiến Bạch Đằng? Bởi lẽ, niên đại của bãi cọc tại thời điểm này chưa khẳng định được theo phương pháp C14; cách lấy mẫu xét nghiệm - một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới kết quả giám định - lại được người dân tự lấy cung cấp cho các nhà khoa học.

TS Nguyễn Quang Đông, Trưởng phòng Khảo cổ học đô thị, Viện Khảo cổ, nói: Với mỗi công trình khảo cổ lớn, việc có nhiều ý kiến tranh luận cũng hết sức bình thường, vì vậy cần phải có sự nghiên cứu liên ngành khoa học kỹ thuật C14, phân tích gỗ, các chứng cứ sử liệu, địa chất, địa mạo… mới có thể đưa ra được kết quả nghiên cứu khảo cổ. “Biết đâu trong thời gian tới, khi tiếp tục khảo cổ mở rộng, có thể tìm thấy thêm những di vật có giá trị như mảnh ván thuyền cổ. Nếu được như vậy thì vô cùng quý giá”, TS Đông nói.

Chia sẻ về việc không thể sử dụng kết quả C14 là yếu tố tiên quyết khẳng định niên đại của bãi cọc, TS Đông nói rõ, với những cây gỗ to tức là cây đã có niên đại hàng trăm năm, vì thế kết quả này không hẳn đã chính xác. Với cây gỗ nhỏ hơn có tuổi đời vài chục năm và được đóng ngay lúc bị chặt xuống thì mới có thể ra kết quả tương đối chính xác hơn. C14 chỉ là tham khảo, cần nghiên cứu liên đa ngành.

Cùng chung nhận định này, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu… đều thống nhất, cùng với di tích lịch sử về bãi cọc đã phát hiện tại Quảng Ninh trước đó và Hải Phòng mới đây, cần tiếp tục khảo sát tổng thể để có thể thấy tầm vóc, ý nghĩa, cũng như công lao đóng góp của nhân dân các địa phương trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh: “Chúng ta có niềm tin, Trần Hưng Đạo đã bố trí trận địa cọc ở đây và điều này cũng phù hợp với cứ liệu lịch sử hiện có trong tay. Bãi cọc này cần phải được nghiên cứu tiếp”.

MAI AN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/bai-coc-co-o-hai-phong-nhieu-bi-an-can-duoc-kham-pha-84332.html