Bãi cọc Bạch Đằng: Bài học dựa vào dân để giữ nước

Trải qua hơn một ngàn năm không ngừng đấu tranh chống Bắc thuộc, sức mạnh dân tộc Việt Nam ngày càng vững vàng trước các thử thách sinh tồn của lịch sử. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược lần thứ nhất diễn ra vào năm 931, chính quyền tự chủ của người Việt do Dương Đình Nghệ đứng đầu được thành lập, tăng cường xây dựng và quản lý đất nước.

Năm 937, Kiều Công Tiễn lập mưu giết chết Dương Đình Nghệ, thâu tóm quyền lực. Trước sự phản kháng của nhân dân trong nước, Kiều Công Tiễn rũ bỏ quyền lợi dân tộc, cầu cứu vương triều Nam Hán ở bên kia biên giới với hy vọng có thể bảo toàn địa vị của bản thân. Nhân cơ hội đó, vua Nam Hán cử Hoàng tử Lưu Hoằng Tháo làm thống lĩnh, phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Đất nước đứng trước thử thách cam go: nền tự chủ vừa mới được khôi phục đã bị đe dọa bởi thù trong giặc ngoài.

Khi đó, Ngô Quyền là con rể của Dương Đình Nghệ, nắm quyền trấn thủ vùng đất Ái Châu (Thanh Hóa). Ngô Quyền sớm bộc lộ tài năng kiệt xuất, trở thành một vị tướng nổi tiếng được nhân dân yêu mến, quân sĩ khâm phục. Tài năng, nghị lực bản thân và thực tiễn chiến đấu đã rèn luyện Ngô Quyền thành một nhà quân sự dày dạn kinh nghiệm, một thủ lĩnh có uy tín và ảnh hưởng rộng lớn. Trước yêu cầu của lịch sử, vị tướng trẻ tài năng Ngô Quyền trở thành trung tâm đoàn kết mọi lực lượng kháng chiến, quy tụ sức mạnh cả nước diệt thù trong, đánh giặc ngoài, bảo vệ độc lập dân tộc.

Đầu mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền tiến quân từ Ái Châu ra bao vây thành Đại La (Hà Nội), nhanh chóng tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Mối họa bên trong bị diệt trừ. Khối đoàn kết dân tộc được củng cố để đánh giặc, giữ nước.

Ngay sau đó, Ngô Quyền và bộ chỉ huy cuộc kháng chiến chống Nam Hán lần thứ hai (938) xác định quyết tâm tổ chức một trận đánh lớn tiêu diệt binh thuyền địch ngay tại vùng cửa sông Bạch Đằng, nơi đối phương buộc phải đi qua. Ông đích thân chỉ huy quân từ vùng trung tâm đồng bằng Bắc Bộ tiến ra vùng duyên hải Đông Bắc để chuẩn bị thế trận kháng chiến.

Ngô Quyền là một vị tướng tài, từng trải nhiều chinh chiến, nhưng vùng duyên hải Đông Bắc lại không phải là địa bàn quen thuộc của ông. Các tướng lĩnh cao cấp Ngô Xương Ngập, Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc... cũng chưa từng có kinh nghiệm tác chiến trên chiến trường ven biển này. Tuy nhiên, những người dân yêu nước sinh sống nhiều đời ở đây có những hiểu biết sâu sắc về địa hình, con nước... Trong khí thế sục sôi đánh giặc giữ nước, những người con của quê hương Bạch Đằng hăng hái tham gia lực lượng kháng chiến, đem những hiểu biết được tích lũy qua nhiều thế hệ đóng góp vào chiến công chung của toàn dân tộc.

Khi tiến quân ra vùng ven biển Đông Bắc, Ngô Quyền đóng đại bản doanh ở làng Lương Xâm (phường Nam Hải, quận Hải An, TP. Hải Phòng), sau đó chuyển về làng Gia Viên (trung tâm TP. Hải Phòng). Nhiều thanh niên các làng xã hai bên sông Bạch Đằng hăng hái nhập ngũ hoặc tự vũ trang thành các đội dân binh tham gia chiến đấu.

Với sự giúp đỡ nhiệt thành, tận tụy của những người dân địa phương, Ngô Quyền đã khảo sát địa hình vùng sông biển Đông Bắc, xác định đoàn thuyền chiến Nam Hán sẽ tiến từ biển vào qua cửa sông Bạch Đằng, sau đó ngược dòng sông để tiến sâu vào nội địa nước ta. Ông quyết định lựa chọn vùng hạ lưu và cửa biển Bạch Đằng làm trận địa quyết chiến với quân thù. Khi đó, vùng cửa biển Bạch Đằng còn nằm sâu trong đất liền, là cửa của sông Bạch Đằng và sông Cấm, nằm ở phía Đông Nam quận Hải An, TP. Hải Phòng hiện nay.

Được những người dân địa phương am hiểu sông nước tận tình chỉ dẫn, Ngô Quyền nhanh chóng hiểu rõ địa hình và nắm được quy luật lên xuống của thủy triều trên vùng cửa biển Bạch Đằng. Ông khẩn trương cho xây dựng giữa vùng sông nước mênh mông một thế trận mai phục lợi hại để chủ động phá giặc. Ông huy động binh sĩ và dân chúng vào rừng đẵn gỗ, vạt nhọn, bịt sắt rồi cho đóng xuống hai bên bờ và hai bên chân dải chắn ở vùng cửa biển, tạo nên các bãi cọc, bãi chướng ngại khiến cho thuyền địch không thể di chuyển bình thường. Khi nước triều lên, các bãi cọc ngập chìm không thấy tăm tích. Khi triều rút xuống, những hàng cọc nhô lên, sẵn sàng ngăn cản và chọc thủng thuyền địch. Trong những ngày lạnh giá cuối đông năm Mậu Tuất (938), quân dân ta khắc phục mọi khó khăn, cùng chung sức đồng lòng dựng lên bãi cọc vĩ đại nơi cửa biển Bạch Đằng.

Cuối tháng 12 năm Mậu Tuất (938), đoàn binh thuyền Nam Hán do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy từ Quảng Đông (Trung Quốc) vượt biển, len qua các đảo nhỏ tiến vào vịnh Hạ Long rồi tiến thẳng vào cửa biển Bạch Đằng. Ngô Quyền cử một đội thuyền nhẹ tiến ra khiêu chiến. Đội thủy quân tinh nhuệ chiến đấu dũng cảm, quyết liệt, vừa cố kìm chân địch chờ cho nước triều lên cao, vừa để đối phương không hoài nghi, giữ bí mật tuyệt đối cho trận địa mai phục. Quân Nam Hán vừa tiến vừa đánh, lợi dụng quân đông, khí thế đương hăng và lúc nước triều dâng cao, tăng tốc tiến sâu vào vùng cửa sông Bạch Đằng, không ngờ bị lọt hoàn toàn vào trận địa mai phục của quân dân ta. Nước triều xuống nhanh, các bãi cọc lộ ra. Ngô Quyền đích thân chỉ huy đại quân thủy bộ đổ ra từ các phía, tấn công dữ dội vào đội hình địch.

Quân Nam Hán bị đánh trước mặt, sau lưng, bên sườn, cả dưới nước và trên bờ. Đội thuyền chiến Nam Hán to lớn, nặng nề, lúng túng chống đỡ, nhanh chóng rối loạn và bất lực. Các chiến thuyền bị vướng vào những bãi cọc, không sao thoát ra được, bị cọc nhọn đâm thủng, va chạm vào nhau mà chìm đắm. Chủ tướng địch là Lưu Hoằng Tháo cùng hầu hết quân Nam Hán bị tiêu diệt tại trận. Đạo quân xâm lược vĩnh viễn bị nhấn chìm xuống dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng cuối năm 938 do Ngô Quyền tổ chức và trực tiếp chỉ huy diễn ra trong một con nước triều, tức là chỉ trong một ngày và thắng lợi hoàn toàn. Lực lượng quân sự đông đảo cùng toàn bộ đội binh thuyền hùng mạnh của vương triều Nam Hán đã bị chặn đứng và tiêu diệt ở ngay vùng địa đầu Tổ quốc. Đây là trận đánh thần tốc với hiệu suất cao bậc nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam.

Ngay từ cuối thế kỷ 13 - đầu thế kỷ 14, nhà sử học Lê Văn Hưu đã khẳng định tài năng và công lao của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi và đánh cũng giỏi vậy”.

Không chỉ là một vị tướng lĩnh có tài thao lược, Ngô Quyền còn là một nhà chính trị xuất sắc. Ông đã quy tụ được lực lượng, sức mạnh của cả nước, nhận được sự đồng lòng chung sức của mọi tầng lớp nhân dân. Rõ ràng không có nhân dân thì không có kế sách Bạch Đằng, cũng không có bãi cọc Bạch Đằng và càng không thể có được chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng lịch sử. Ngô Quyền và bộ chỉ huy kháng chiến biết tìm và tìm được nguồn sức mạnh trong dân, mạnh dạn dựa vào dân, quy tụ và đoàn kết các lực lượng để tạo dựng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc đánh giặc giữ nước. Chiến thắng Bạch Đằng cuối năm Mậu Tuất (938) cũng để lại bài học sâu sắc về dựa vào dân để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự chủ của quốc gia - dân tộc.

Hà Nguyễn

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/thoi-su/bai-coc-bach-dang-bai-hoc-dua-vao-dan-de-giu-nuoc-90003.html