Bài chòi xứng đáng là di sản của nhân loại

Bài chòi là nghệ thuật dân gian đặc sắc, là món ăn tinh thần của nhân dân Nam Trung Bộ. Hàng trăm năm qua ở miền Trung đâu đâu cũng có hô hát và diễn xướng bài chòi.

Đến cuối năm 1954, bài chòi theo các nghệ nhân tập kết ra Bắc và trở thành nghệ thuật chuyên nghiệp, từ đó người miền Bắc làm quen với bài chòi và yêu thích bài chòi không kém gì chèo, tuồng.

Có thể nói, nhân dân lao động miền Bắc yêu thích nghệ thuật chèo bao nhiêu thì nhân dân miền Trung cũng yêu thích nghệ thuật bài chòi bấy nhiêu, bởi đây là sản phẩm tinh thần hồn nhiên được sinh ra từ những con người hồn nhiên, chất phác, nó do chính người lao động ở nông thôn sáng tạo ra, và nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của họ. Nếu người Nam Bộ say mê và tự hào với đờn ca tài tử bao nhiêu thì người miền Trung cũng say mê và tự hào với nghệ thuật bài chòi bấy nhiêu bởi bài chòi nhân dân ở miền đất này đã nuôi dưỡng nó, bảo vệ nó từ xa xưa cho đến hôm nay.

Từ thực tiễn trên sân khấu biểu diễn, đến các diễn đàn hội thảo khoa học đã cho chúng ta thấy rõ hơn bức tranh lịch sử nghệ thuật bài chòi từ quá khứ đến hiện tại. Bài chòi đã sinh ra hàng trăm năm trước từ trò chơi hô hát trên chòi, canh giữ thú phá hoa màu đến hình thức chơi bài trên chòi có kết hợp biểu diễn của anh Hiệu và trở thành “tục đánh bài chòi” tức là hội đánh bài chòi đang tồn tại hiện nay. Nghệ thuật biểu diễn bài chòi chỉ gián đoạn trong thời chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nhưng lại chuyển sang hình thức hô, hát bài chòi rất phổ biến trong nhân dân và trong quân đội, dĩ nhiên là nội dung tập trung ca ngợi Tổ quốc, nhân dân, đả kích, phê phán quân xâm lược và bọn Việt gian bán nước. Những hoạt cảnh bài chòi, những câu bài chòi có lẽ các văn nghệ sĩ kháng chiến sáng tác kịp thời để phục vụ bộ đội và nhân dân.

Bởi tính dân dã, mộc mạc và vui nhộn nên trò chơi nghệ thuật dân gian bài chòi thu hút rất nhiều người tham gia và cổ vũ.

Nghệ thuật biểu diễn của bài chòi xuất hiện cùng lúc với hội chơi đánh bài chòi trong những ngày đầu xuân. Anh “Hiệu” được xem như diễn viên và người dự hội là khán giả. Anh Hiệu vừa hô câu thai vừa làm động tác từ đơn giản đến phức tạp theo từng nội dung câu thai và cũng phù hợp với bài thơ dài hay ngắn. Kỹ thuật biểu diễn của anh Hiệu hoàn toàn ngẫu hứng, không có bài bản quy cách nào. Có ba dạng diễn xuất: hát diễn đơn, hát diễn đôi (đối đáp), dạng tiểu phẩm (hoạt cảnh). Đó cũng là đặc điểm của nghệ thuật diễn xướng bài chòi cổ như lớp Ông Xã - Bà Đội, một người diễn hai vai. Tiến lên kỹ thuật biểu diễn có tính chuyên nghiệp chỉ từ khi bài chòi hình thành những vở diễn có cấu trúc màn lớp rõ ràng, như Trước giờ tạm biệt, Thoại Khanh - Châu Tuấn... Bài chòi là dù có diễn tả những nội dung rộng lớn với nhiều nhân vật, nhưng vẫn giữ những làn điệu gốc là Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hồ quảng, người nghe không thể chấp nhận nếu trong buổi diễn bài chòi mà thiếu bốn làn điệu gốc nói trên. Hiện tượng một số đoàn đã dân ca hóa bài chòi (đưa dân ca và ca khúc vào thay thế bài chòi) thì đều bị phê phán là kịch hóa bài chòi, làm mờ nhạt bản sắc bài chòi. Đến nay trên toàn miền Nam Trung Bộ có 3 đoàn bài chòi chuyên nghiệp ở Bình Định, Quảng Nam và Khánh Hòa, còn 3 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Phú Yên không có đoàn bài chòi chuyên nghiệp. Tuy vậy, phong trào hô, hát diễn xướng bài chòi ở các tỉnh này vẫn tồn tại và hoạt động cũng sôi nổi!...

Tuy bài chòi mới có một liên hoan toàn miền lần đầu tiên (đầu năm 2012) nhưng việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy lại được quan tâm nhiều, cụ thể là hội thảo về bảo tồn và phát huy bài chòi được tổ chức nhiều lần tại Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng và nhiều lần ở Bình Định, nhờ vậy mà bài chòi vượt qua những áp lực, những tác động của cơ chế thị trường và xu hướng thương mại nghệ thuật truyền thống để cho đến hôm nay đủ cơ sở cho việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Sân khấu dân tộc Việt Nam từ tuồng, chèo, cải lương đến các loại hình dân ca kịch như bài chòi, ca Huế, ví dặm... đều phát triển tự do theo cảm hứng và kinh nghiệm của nghệ nhân, không dựa vào cơ sở lý luận nào cả. Vì vậy mà trước Cách mạng Tháng Tám - 1945, khó tìm thấy một quyển sách, một tư liệu nào tổng kết học thuật của các bộ môn tuồng, chèo, cải lương. Mãi đến những năm 60 (thế kỷ 20) mới có các ban nghiên cứu tuồng, chèo, cải lương do Bộ Văn hóa thành lập, từ đó mới có những công trình nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu truyền thống. Riêng bài chòi là nghệ thuật dân gian, hồn nhiên, ngẫu hứng, mới định hình chuyên nghiệp (1957) nên càng thiếu cơ sở lý luận. Các nghệ sĩ bài chòi vừa làm vừa học - chủ yếu là học kinh nghiệm của nghệ thuật tuồng. Một số cán bộ chuyên môn của Đoàn Bài chòi Liên khu V từ những năm 80 như: Hoàng Lê, Nguyễn Kiểm và Phan Ngạn mới cố gắng làm được cả hai việc tổng kết học thuật và tìm ra thi pháp nghệ thuật cho bộ môn bài chòi để làm cơ sở cho việc sáng tác, biểu diễn và đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ. Trước hết là kỹ thuật sáng tác hoặc thủ pháp sáng tác kịch bản bài chòi. Qua thực tiễn sân khấu cho thấy, cấu trúc kịch bản bài chòi rất khác với kịch bản tuồng, chèo, cải lương và kịch nói. Nếu kịch bản tuồng quan tâm nhiều tới thơ cổ điển và kết cấu nghiêm ngặt, phải có những mâu thuẫn xung đột có tính bạo liệt và giới hạn trong cung đình, hoặc ở một không gian rộng lớn giữa hai phe phái đấu tranh quyết liệt để tạo đất cho nghệ sĩ trổ tài diễn xuất tổng hợp: ca hát, múa (vũ đạo) và võ thuật cùng với việc sử dụng binh khí: gươm giáo, kiếm cung... thì kịch bản bài chòi lại diễn một câu chuyện kể dân gian có đầu có đuôi và thường là một câu chuyện tình yêu chung thủy có nhiều uẩn khúc, éo le. Và nếu nghệ thuật tuồng được giới hạn một cách chặt chẽ lời hát trong mấy câu nam, câu khách và cải lương phải gò lời hát trong khuôn khổ của làn điệu, bài bản, thì bài chòi lại phóng khoáng tự do, không bị ràng buộc trong câu hát, dài ngắn là tùy thuộc vào nội dung, vấn đề là người hát phải biết cách chuyển điệu sao cho hợp lý và hấp dẫn người nghe. Nếu không nắm vững thi pháp nghệ thuật bài chòi thì không thể sáng tác ra kịch bản bài chòi hay và biểu diễn bài chòi hấp dẫn người xem được. Bản chất bài chòi là nghệ thuật hồn nhiên, phóng khoáng không bị câu thức trong âm nhạc, người diễn có thể ngẫu hứng chuyển điệu trong khi hát sao cho hợp cảnh hợp tình và hấp dẫn người xem.

Khi tuồng tích được hoàn chỉnh thì âm nhạc và ca hát cũng được tăng cường, đồng thời nghệ thuật biểu diễn cũng phải có những sáng tạo mới để làm thỏa mãn người thưởng lãm, vì thế mà người nghệ nhân luôn luôn phải sáng tạo ra những động tác, vũ đạo hợp lý kể cả vận dụng động tác tuồng.

Kịch bản bài chòi là một câu chuyện kể dân gian có đầu đuôi, có vui buồn và đậm chất trữ tình để hô, hát, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát và thơ, thơ và kịch. Trong đó, các thể văn kịch, hát, múa, nói đan xen, hỗ trợ nhau để đạt tới mục đích cuối cùng là hiệu quả của vở diễn. Bên cạnh đó, bài chòi là nghệ thuật ca hát dân gian sử dụng các thể thơ: lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, thơ tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn tứ tuyệt, biền văn (văn biền ngẫu) và văn vần.

Sân khấu bài chòi có thể diễn các đề tài dân gian - lịch sử - thần thoại - chuyện thời đại - chuyện trong nước và ngoài nước, bằng hô hát bài chòi truyền thống, thể hiện những câu chuyện dân gian quen thuộc mà người dân lao động đã được thưởng thức từ khi ngồi trên chín cái chòi cách đây hàng trăm năm mà phát triển lên.

Bài chòi dân gian hát hay, làm trò khéo, đó là tiêu chuẩn hàng đầu và đây mới là tiêu chí của Tổ chức Khoa học giáo dục quốc tế UNESCO đối với nghệ thuật bài chòi hiện nay. Tính dân dã, mộc mạc và vui nhộn nên trò chơi nghệ thuật dân gian bài chòi thu hút rất nhiều người tham gia và cổ vũ. Ý nghĩa của nó còn vượt ra khỏi một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian đơn thuần là nơi người nghệ nhân trổ tài ứng tác và biểu diễn, vừa hát hô, đối đáp; và đặc biệt hội đánh bài chòi diễn bài chòi còn là môi trường giao tiếp cộng đồng và là nơi nam thanh, nữ tú đến gặp gỡ, giải trí, tìm hiểu, trao duyên... Hội bài chòi cổ thường được tổ chức ở những nơi công cộng rộng rãi, thoáng mát như ở quảng trường phường xã, hoặc ở ngã ba đầu làng, sân đình...

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chọn tỉnh Bình Định đại diện cho 6 tỉnh, thành phố ở khu vực Nam Trung Bộ được đề nghị khẩn trương làm công tác kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể đối với bài chòi là một quyết định hợp tình, hợp lý. Tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi hướng tới UNESCO công nhận bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc và tỉnh Bình Định tổ chức, hầu hết ý kiến cho rằng nên chọn Bình Định, cái nôi của nghệ thuật bài chòi, hiện còn lưu giữ lễ hội bài chòi và hàng chục đoàn bài chòi dân gian khá mạnh làm điểm xuất phát lập hồ sơ trình UNESCO thì có tính khả thi hơn.

Một điều đáng quan tâm nữa là tại Cuộc thi tuồng và dân ca toàn quốc năm 2013, Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định đã gặt hái được thành công lớn với Huy chương Vàng cho vở diễn Khúc ca bi tráng (Tác giả kịch bản: Văn Trọng Hùng, Đạo diễn: NSND Hoài Huệ). Điều này đã khẳng định sức sống của nghệ thuật bài chòi ở Bình Định, cũng như sự trưởng thành lớn mạnh và sự tìm tòi, sáng tạo của những người làm bài chòi ở Bình Định trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật bài chòi ở cái nôi của bài chòi. Đồng thời cũng là động lực cho những người tâm huyết với nghệ thuật bài chòi làm hết sức mình trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy và phát triển nghệ thuật bài chòi để bộ môn nghệ thuật này tới hôm nay vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tin vui này làm cho cả nước nức lòng!

GS. Hoàng Chương (Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/bai-choi-xung-dang-la-di-san-cua-nhan-loai-n139775.html