Bài ca trưởng thành của tuổi trẻ nhiều mất mát

Để quên đi những đớn đau, tốt nhất hãy tự mình học cách đứng dậy. Chúng ta không thể ngủ vùi trong quá khứ. Hãy thông cảm cho người khác để thấy bản thân toàn vẹn hơn ngày hôm qua.

Sau những ngày mưa là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả trẻ Phạm Thu Hà. Những cung bậc cảm xúc nhiều chiều, phức tạp và đầy bản năng của một cô gái trẻ phải đối mặt với những mất mát lớn trong đời, được mô tả thật tự nhiên và sống động. Câu chuyện đầy thăng trầm của nhân vật chính như tấm gương lớn mà nhiều người có thể tìm thấy mình trong đó.

Khi còn là một đứa trẻ, ai cũng mơ ước mình lớn thật mau. Nhưng chẳng mấy ai trong chúng ta có hình dung đầy đủ về sự trưởng thành. Trưởng thành, không chỉ dừng lại ở việc cao lên và mang một vẻ ngoài già dặn hơn. Đó là một cuộc hành trình dài mà trong mỗi bước đi, chúng ta học cách tha thứ và chấp nhận những điều không trọn vẹn.

Chuyến xe nối dài những câu chuyện của ngày cũ

Nhân vật chính của tác phẩm là Huyên, một cô gái trẻ đầy tâm sự, rong ruổi theo đoàn tổ chức hội chợ đi khắp nơi, từ miền ngược đến miền xuôi. Cho dù dừng chân ở bất cứ nơi đâu, trong tâm trí cô vẫn vấn vương những kí ức của chuỗi ngày đã xa.

Nó đã gây ra trận chiến dai dẳng trong lòng Huyên, một sự giằng co thực sự: nửa muốn quên mà không thể quên, vừa đau đớn mà cũng thật hạnh phúc.

Tiểu thuyết Sau những ngày mưa của Phạm Thu Hà.

Tiểu thuyết Sau những ngày mưa của Phạm Thu Hà.

Huyên đã từng có một gia đình trọn vẹn: có bố mẹ và em trai. Nhưng trận bão oan khiên nhiều năm về trước đã cướp đi Tùng Lâm, đứa em thân yêu của cô, mãi mãi. Mái nhà ấm êm tan biến trong chớp mắt. Mẹ bỏ đi, bố mang người phụ nữ khác về nhà làm vợ, một đứa em xa lạ sắp chào đời…

Cô con gái tội nghiệp cảm thấy mình trở thành “người thừa” trong căn nhà quen thuộc. Bố sắp có một đứa con khác, đứa bé đã thế chỗ người em xấu số của Huyên. Họ sẽ trở thành một gia đình trọn vẹn mà không cần thêm một cô con gái.

Đúng lúc đó, mẹ của Huyên quay về. Người phụ nữ ấy chỉ muốn nhìn con gái lần cuối trước khi đi tìm cuộc sống mới bên người đàn ông khác. Nhưng cuộc gặp ấy đã thay đổi tất cả.

Huyên muốn đi cùng mẹ. Bố đã không còn cần cô nữa. Dẫu biết, cuộc sống rong ruổi quanh năm suốt tháng của đoàn người chuyên tổ chức hội chợ chẳng dễ dàng, nhưng mẹ của Huyên đành phải chấp nhận. Bởi bà biết mình chẳng thể nào thắng nổi cô con gái ương bướng từ thuở lọt lòng.

Từ giây phút đó, Huyên sẽ sống một cuộc đời hoàn toàn khác: không nhà cửa, không gia đình. Chiếc xe tải cũ vừa là nhà, vừa là giường của cô. Những người xa lạ dần trở thành quen thân. Sống cùng họ, cô học cách chấp nhận những điều không hoàn hảo. Dường như, nỗi đau của Huyên và mẹ không phải là duy nhất, có những vết thương lớn hơn đang tồn tại trong tim người khác.

Quá khứ là thứ vô hình nhưng không dễ dàng tan biến trong tâm trí người ta. Hình ảnh của cậu em trai Tùng Lâm vẫn dội về trong những đoạn kí ức rất rõ ràng. Dẫu đã vùng vẫy rất nhiều, nhưng Huyên vẫn chìm trong những đợt sóng của đau thương.

Điệu nhạc buồn của tuổi 20 kiêu hãnh

Không chỉ là câu chuyện đầy day dứt về cuộc sống của một cô gái trẻ tội nghiệp, Sau những ngày mưa còn là bức tranh nội tâm tinh tế. Sự trưởng thành của một cô gái trải qua nhiều va vấp, nét ương bướng đầy bản năng của một đứa trẻ vị thành niên vừa phải gánh chịu nhiều nỗi đau lớn, hay tâm hồn mộng mơ, thánh thiện của một cậu bé đều được Phạm Thu Hà mô tả rất sống động và sắc nét.

Tác giả trẻ Phạm Thu Hà.

Cùng là nỗi đau, nhưng đau đớn của người chị mất em và người mẹ mất con không bị trộn lẫn vào nhau. Tình yêu đầu đời và sự cảm kích trước một chàng trai tốt bụng cũng khác nhau nhiều lắm.

Điều đó đã thể hiện được sự tinh tế của người viết. Là một tác giả trẻ, nhưng Phạm Thu Hà đã có sự rung cảm sâu sắc trước đời sống. Cô “hóa thân” và “nhập vai” rất thật để tạo nên những nhân vật ấn tượng.

Sau những ngày mưa còn là bức tranh chân thực về những mảng tối của gia đình hiện đại, nơi cha mẹ và con cái không tạo được sự gắn kết với nhau. Một mái nhà hạnh phúc đôi khi chỉ là vỏ bọc cho sự dối trá của người lớn.

Bi kịch ấy tạo ra những đứa trẻ bất cần và sẵn sàng nổi loạn. Hóa ra, nơi sâu thẳm và chứa nhiều bão giông nhất không phải là biển cả mà chính là lòng người. Ta có thể dối người, nhưng đâu thể tự dối mình.

Tiểu thuyết đầu tay của Phạm Thu Hà được viết bằng một ngôn ngữ chân thành, dung dị, mang nhiều nét đời thường nhưng vẫn rất “sáng” và giàu cảm xúc. Tác phẩm giống như một bản nhạc buồn mà khi gấp trang sách lại, những nốt cao đầy da diết của nó còn vọng mãi trong lòng người đọc.

Sau những ngày mưa đã giành giải Ba trong Cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần VI.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bai-ca-truong-thanh-cua-tuoi-tre-nhieu-mat-mat-post905229.html