Bài ca trên núi PrinC

Ông Hồ Mơ, bản PrinC, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Pa Kô nơi miền Tây Quảng Trị. Cuộc đời người thương binh này, là bài ca về sự nỗ lực vươn lên không cam chịu đói nghèo, về tấm lòng nhân ái, bao dung không ngừng tuôn chảy như suối nguồn của quê hương.

 Ngôi nhà ông Hồ Mơ luôn đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Ảnh: Phước Trung

Ngôi nhà ông Hồ Mơ luôn đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Ảnh: Phước Trung

Lớn lên trong thời kỳ quê hương bị chiến tranh tàn phá, Hồ Mơ tự nguyện gia nhập Quân giải phóng miền Nam trực tiếp cầm súng đánh giặc. Hơn 10 năm lăn lộn ở chiến trường Trị - Thiên, ông tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Tháng 2-1969, trong một trận chiến đấu quyết liệt với địch, ông bị trúng mìn và mất đi chân phải, sau đó được đưa ra miền Bắc điều trị. Thời gian tham gia kháng chiến, ông 4 lần được tuyên dương “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Năm 1980, ông được nghỉ hưu và chuyển về sinh sống tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa.

Những năm 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn. Riêng ông Hồ Mơ hoàn cảnh éo le, vợ lâm bệnh chết sớm, để lại một người con trai mới 7 tuổi. Cảnh gà trống nuôi con với đồng lương hưu và phụ cấp thương binh ít ỏi, ông đã trải qua những tháng ngày gian khó nhất.

Trong khó khăn, gian khổ, phẩm chất của người lính Cụ Hồ lại thêm một lần nữa được thử thách, tôi luyện. Hồ Mơ nung nấu ý chí bắt tay tạo dựng cuộc sống mới bằng sức lực và trí tuệ của mình. Hồ Mơ “một nắng hai sương” khai hoang đất trống, đồi trọc để trồng cây ngô, cây sắn, cải tạo những mảnh đất gần khe suối để làm ruộng lúa nước, đào đắp ao hồ để nuôi cá nước ngọt .

Khi gia đình thoát cảnh đói nghèo, ông đã lấy ngắn nuôi dài, tập trung đầu tư mở rộng trồng các loại cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Ông vừa làm, vừa học tập thêm kinh nghiệm. Sau bao tháng ngày cần mẫn, đất đã không phụ công người, hơn 4ha cao su tiểu điền của gia đình ông đã lên xanh tốt, mang lại sự no ấm, đủ đầy. Sự nỗ lực vượt khó làm giàu của gia đình ông đã có tác động tích cực đến nhận thức của bà con dân tộc nơi đây. Nhân dân bản PrinC đã noi theo gương sản xuất của Hồ Mơ, mạnh dạn xóa bỏ tập tục canh tác phát, đốt, cốt, trỉa đã tồn tại từ bao đời nay để áp dụng cách làm ăn mới trong trồng trọt và chăn nuôi.

Ông Hồ Mơ cũng luôn sẵn lòng chia ngọt, sẻ bùi với bà con trong bản. Có rất nhiều gia đình không những đã được ông chia sẻ hạt lúa, củ khoai trong lúc đói giáp hạt, mà còn được ông hỗ trợ con giống, vật nuôi và truyền đạt những kinh nghiệm quý báu trong trồng trọt, chăn nuôi. Với tấm lòng nhân hậu, ông Hồ Mơ đã giúp nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay, tại địa bàn PrinC, phong trào trồng cây công nghiệp dài ngày, phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình trang trại, vườn đồi đã được phát triển trên diện rộng.

Hằng ngày thấy cảnh bà con làm nương rẫy vất vả, đặc biệt, trẻ em đi học phải băng rừng lội suối, Hồ Mơ đã không do dự bán đi một ít trâu, bò để thuê nhân công cùng ông chặt cây, đào đắp nhiều tháng ròng rã làm nên con đường nối bản PrinC với khe Xa Lau. Con đường dài hơn 6km mà dân bản PrinC quen gọi là “Đường Hồ Mơ” là kết quả thấm đẫm bao mồ hôi công sức và tiền bạc của gia đình ông.

Dẫu con đường chưa thật dài và rộng, nhưng niềm vui của dân bản thì thật lớn lao. Từ ngày có con đường, công việc lên nương, rẫy của bà con được thuận lợi, những sản phẩm của nhân dân làm ra dễ tiêu thụ vì tư thương đã vào đến tận nương rẫy của đồng bào để thu mua. Giờ đây, con đường từ bản PrinC đến cánh rừng Xa Lau không còn hoang vắng như hơn 20 năm về trước. Hai bên con đường, người dân đã khai hoang và trồng bời lời, cao su và sắn cao sản.

Ở vùng biên giới quê ông có nhiều cháu nhỏ bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa, nhiều lúc, Hồ Mơ trằn trọc, day dứt muốn cưu mang những mảnh đời bất hạnh nhưng lại sợ “lực bất tòng tâm”, không đủ sức chăm lo, nuôi nấng chúng nên người. Nhưng ông lại tự động viên mình từng là chiến sĩ giải phóng quân, một thời chịu đựng vô vàn gian khổ, hy sinh để đánh giặc bảo vệ quê hương, đem lại hạnh phúc cho bản làng, vì thế, cứ đem các cháu về nhà nuôi rồi sẽ cố gắng lao động tìm cái ăn, cái mặc cho bọn trẻ.

Ông lần lượt đưa 10 đứa trẻ mồ côi, đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi về nhà mình chăm sóc nuôi dưỡng. Con đông, kinh tế thiếu thốn, Hồ Mơ phải quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” kiếm cái ăn, cái mặc để nuôi nấng các con. Được chở che bằng tấm lòng nhân ái của người cha và sự tảo tần của người “mẹ”, các con ông đã khôn lớn, trưởng thành và không phụ công dưỡng dục của ông để trở thành những người có ích cho bản làng.

Bản làng PrinC, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa giờ đây thanh bình và nụ cười đã rạng rỡ trên gương mặt người dân. Hằng đêm, bên ngọn lửa hồng trên bếp nhà sàn, những người già bản PrinC thường kể cho con cháu mình nghe về chuyện ông Hồ Mơ - người con ưu tú của đồng bào dân tộc Pa Kô, như lời nhắn nhủ lớp con cháu sẽ viết tiếp câu chuyện cổ tích về nghị lực và lòng nhân ái để dựng xây quê hương, bản làng thân yêu.

Phan Phước Trung

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bai-ca-tren-nui-princ/