Bài ca người thủy thủ dầu khí

Xí nghiệp Vận tải biển và công tác lặn thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là một mắt xích quan trọng, góp phần bảo đảm cho các công trình biển được hoạt động bình thường và hiệu quả.

Anh Tô Văn Đức - Phó trưởng phòng Hàng hải, thuyền trưởng hướng dẫn các đội tàu XN VTB&CTL

Anh Tô Văn Đức - Phó trưởng phòng Hàng hải, thuyền trưởng hướng dẫn các đội tàu XN VTB&CTL

Nhắc đến Xí nghiệp VTB&CTL không thể không nhắc đến các hoạt động lai kéo các phương tiện trên biển. Đây là một trong những hoạt động trọng yếu của xí nghiệp nhằm phục vụ hoạt động thăm dò, khai thác, xây dựng và sửa chữa công trình biển tại các khu vực mỏ của Vietsovpetro.

Được thành lập ngày 2-6-1983, Xí nghiệp VTB&CTL có chức năng chính là vận hành, khai thác đội tàu dịch vụ để vận chuyển hàng hóa, cung cấp vật tư, thiết bị, nhiên liệu, nước ngọt nhằm bảo đảm cho hoạt động sản xuất không bị gián đoạn trên các công trình biển; lai dắt và phục vụ lắp đặt các công trình biển, làm ma-nơ tàu dầu phục vụ xuất khẩu dầu thô; trực cứu hộ cho các công trình; thực hiện công tác lặn, thi công khảo sát các công trình ngầm và các nhiệm vụ quan trọng khác phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro.

Sản phẩm dịch vụ của Xí nghiệp VTB&CTL rất phong phú. Hiện tại, xí nghiệp đảm nhận hàng loạt các dịch vụ liên quan đến công tác vận chuyển và cung cấp hàng hóa trên boong, hàng rời chứa trong bồn như: Dầu DO, nước ngọt cho sinh hoạt... từ cảng dầu khí cho các công trình biển và hàng thải ngược lại, hàng vận chuyển giữa các công trình biển.

Ở Xí nghiệp VTB&CTL, phương tiện chủ yếu là tàu. Hiện tại, xí nghiệp đang quản lý và khai thác đội tàu dịch vụ gồm: 3 tàu công trình là tàu rải ống và tàu cẩu có sức nâng 600 tấn đến 1.200 tấn; 11 tàu dịch vụ đa năng (AHTS), công suất từ 7.000 BHP đến 16.000 BHP; 2 tàu lặn; 1 tàu cứu hỏa chuyên dụng; 1 tàu khách tốc độ cao; 2 sà lan chuyên dụng; 4 trạm lặn và 2 ROV... Trong số đó có nhiều phương tiện hiện đại như tàu dịch vụ đa năng thế hệ mới, có hệ thống định vị động lực DP2; tàu lặn Long Hải 02, có hai chuông lặn và thiết bị định vị động lực DP2; tàu cẩu công trình lớn là Hoàng Sa, Trường Sa. Mới đây, ngày 11-12-2019, xí nghiệp đã đón nhận và đưa vào khai thác hai tàu AHTS mới, đó là Vũng Tàu 05 và Vũng Tàu 06, công suất 12.000 BHP.

Trong các hoạt động tại Xí nghiệp VTB&CTL, lai kéo phương tiện trên biển là loại hoạt động rất đặc biệt, vì luôn tiềm ẩn rủi ro, cần phải huy động một nguồn lực lớn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, tàu để thực hiện nhiệm vụ.

Thời gian qua, Xí nghiệp VTB&CTL đã tham gia nhiều dự án trọng điểm như: Lai kéo, hạ thủy lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng Đại Hùng 02, Thăng Long - Đông Đô, Thiên Ưng; thi công biển công trình trọng điểm P1, P2 của Bộ Quốc phòng; lắp đặt giàn Tê Giác Trắng và FPSO Armada (Hoàng Long JOC)... Ngoài ra, xí nghiệp còn tham gia làm dịch vụ ngoài tại Lô 09-3, Lô 12/11, BK Thiên Ưng, lắp đặt chân đế giàn Sư Tử Trắng, Dự án P5-P6, P7-P11 của Bộ Quốc phòng...

Năm 2012 sáng kiến di chuyển chân đế siêu trường, siêu trọng từ vị trí hạ thủy vào vị trí tiếp nhận trên biển bằng việc sử dụng kết hợp các tàu định vị động lực đã được Vietsovpetro công nhận, sau đó áp dụng thành công cho Dự án Đông Đô, Thăng Long, Cửu Long, Thiên Ưng mà Vietsovpetro là tổng thầu.

Với tính chất đặc biệt là công tác trên biển nên Xí nghiệp VTB&CTL đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị bên ngoài như Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, Hải quân, Cảnh sát biển 3, Bộ đội biên phòng cửa khẩu Bà Rịa - Vũng Tàu... để bảo đảm an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trên biển.

Chia sẻ với phóng viên Báo Năng lượng Mới về hoạt động lai kéo các phương tiện trên biển của Vietsovpetro, anh Tô Văn Đức - Phó trưởng phòng Hàng hải, thuyền trưởng hướng dẫn thuộc Xí nghiệp VTB&CTL cho biết: Công việc lai kéo các phương tiện trên biển rất đa dạng, vô cùng phức tạp, khó khăn, đòi hỏi thuyền trưởng đội tàu và các thuyền trưởng hướng dẫn phải có nghiệp vụ chuyên môn sâu, bản lĩnh, luôn chủ động và sáng tạo, nhất là khi lai kéo các giàn khoan lớn, có cấu trúc phức tạp, sà lan và chân đế siêu trường, siêu trọng; di chuyển sà lan chở thiết bị vào cập tàu công trình ở vị trí ngang nước ngang gió.

Lai dắt giàn khoan Tam Đảo 02 (Ảnh: Nguyễn Trung)

Được biết, trong quá trình tham gia Dự án Đại Hùng 02, ngay trên biển, anh Đức cùng anh em trong Phòng Hàng hải đã nghĩ ra sáng kiến để thay đổi cách làm: Di chuyển chân đế siêu trường, siêu trọng từ vị trí hạ thủy vào vị trí tiếp nhận trên biển bằng việc sử dụng kết hợp các tàu định vị động lực. Sáng kiến đã được Giám đốc dự án, các bên liên quan chấp nhận ngay trên biển, tại cuộc họp Kich-off meeting tổ chức trên tàu DB Magi và được triển khai thực hiện thành công ngay sau đó. Năm 2012 sáng kiến này đã được Vietsovpetro công nhận là “sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất”' và sau đó áp dụng thành công cho dự án Đông Đô, Thăng Long, Cửu Long, Thiên Ưng mà Vietsovpetro là tổng thầu.

Là một thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm nhưng anh Đức cũng là một “nhà thơ” của Xí nghiệp VTB&CTL với nhiều vần thơ hay theo lối kể chuyện, không những thế anh còn phổ nhạc những vần thơ đó thành các ca khúc của riêng mình. Công việc trên biển của thuyền viên đội tàu được anh Đức thổi hồn, miêu tả, động viên bằng những vần thơ mộc mạc với bài “Chào anh”:

Tôi đi ra bến cảng

Ra tới tận biển khơi

Mỏ Rồng, mỏ Bạch Hổ

Tiếp đến mỏ Thiên Ưng

Ngọn pha ken rực sáng

Ôm trọn cả khoảng trời

Ôi! thành phố nguy nga

Giữa biển vàng đất Việt

Gặp các anh thuyền viên

Trên tàu biển dầu khí:

Bận mải như con thoi

Là anh tàu dịch vụ

Hết gió mùa tây nam

Đến gió mùa đông bắc

Mặc trời mưa, trời nắng

Mặc biển động, bão dông

Từng mã hàng chuyển tải

Đến tận giàn khoan sâu.

Cần mẫn như ong thợ

Là anh tàu cẩu biển

Vươn cần dài lực sĩ

Nhấc bổng tóp sai to (topside)

Và Jắc kít chân đế (Jacket)

Xây dựng công trình mới

Cho hôm nay, mai sau.

Bò ngang và bò dọc

Như con cua tám cẳng

Là anh tàu rải ống

Ghép từng đoạn ống nhỏ

Kết nối các công trình

Cho dòng dầu tuôn chảy

Tới bồn chứa Việt - Xô

Đưa dòng Gas quý giá

Về Phú Mỹ trạm bờ.

Lặng thinh như không nói

Là anh tàu lặn biển

Khảo sát từng đoạn ống

Kiểm tra từng cụm van

Công việc dưới đáy biển

Người thường chẳng thể thay.

Đấy các anh thuyền viên

Vận tải biển ta đó

Sớm tối luôn sẵn sàng

Có lệnh là rời bến

Thành tích sao kể hết

Vinh dự biết chừng nào

Chúc các anh sức khỏe

Sau chuyến biển dài ngày

Cùng vợ con đoàn tụ

Hát một bài ca hay

Bài ca người thủy thủ

Vận tải biển chúng mình.

Có thể nói, công việc lai kéo các phương tiện của các thuyền viên đội tàu của Xí nghiệp VTB&CTL vô cùng vất vả, khó khăn, nhưng bằng tâm huyết, cùng với sự linh hoạt, sáng tạo, họ vẫn luôn say mê, vượt trùng khơi để hoàn thành tốt công việc, mặc bão tố, kệ mưa giông.

Các đội tàu của XN VTB&CTL lai dắt Giàn khoan BK20 (Ảnh: Nguyễn Trung)

Cùng năm tháng, CBCNV của Xí nghiệp VTB&CTL đã trưởng thành, lớn mạnh trong quản lý, điều hành và khai thác sử dụng hiệu quả đội tàu dịch vụ. Đây là tiền đề để Xí nghiệp VTB&CTL không chỉ hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất hằng năm mà còn là đơn vị góp phần tạo nên những thành tích đáng tự hào của Vietsovpetro và ngành Dầu khí Việt Nam.

Hồng Thắm

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/bai-ca-nguoi-thuy-thu-dau-khi-560260.html