Bãi bồi muốn thành 'Manhattan TQ': Đặc khu 3.0 bằng đột phá chính sách

Tiền Hải, vùng bãi bồi ven biển chỉ vỏn vẹn 15 km2, được chính phủ Trung Quốc quy hoạch thành đặc khu nằm trong đặc khu Thâm Quyến với kỳ vọng đưa nơi này sánh vai Manhattan.

Tháng 12/2012, không lâu sau khi lên nắm quyền tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Thâm Quyến trong chuyến thăm và làm việc chính thức đầu tiên bên ngoài Bắc Kinh. Chính xác hơn, ông Tập đến thăm Tiền Hải (Qianhai), một đặc khu mới rộng 15 km2 nằm ở phía nam Thâm Quyến, nơi ông nói về công cuộc chấn hưng dân tộc và theo đuổi cái gọi là "Giấc mộng Trung Hoa".

"Đặc khu kinh tế", với những cái tên như Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn, Hải Nam... và Thâm Quyến, từ lâu đã không còn quá "đặc biệt" với giới quan sát Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong số đó, Thâm Quyến là một hiện tượng, một điển hình thành công trong vai trò "phòng thí nghiệm" những cải cách táo bạo mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề ra vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 thế kỷ trước.

Vậy thì, có điều gì "đặc biệt" ở Tiền Hải, một "đặc khu trong đặc khu", vùng đất sình lầy ven cửa sông mà chính quyền Bắc Kinh kỳ vọng trở thành "Manhattan của đồng bằng sông Châu Giang"?

Tiền Hải nằm ở cửa ngõ Thâm Quyến và Hong Kong. Ảnh: Google Maps.

Đặc biệt hơn cả đặc khu

Cho đến cuối những năm 2000, Tiền Hải vẫn là một xó xỉnh gần như không ai biết đến dù nằm ngay cửa ngõ Thâm Quyến và Hong Kong, hai trung tâm kinh tế tài chính quan trọng bậc nhất Trung Quốc. Tuy vậy, chính quyền Bắc Kinh đã sớm có ý tưởng về khu vực này, thể hiện qua một số văn bản hành chính, bao gồm Quy hoạch tổng thể đô thị Thâm Quyến giai đoạn 1996-2010, được Quốc vụ viện Trung Quốc phê duyệt năm 2000.

Công cuộc khai hoang, bao gồm cải tạo diện tích đất vốn bị ô nhiễm nghiêm trọng và lấn biển, bắt đầu vào năm 2001 và kéo dài suốt 12 năm sau đó. Quy hoạch tổng thể về phát triển Khu hợp tác Công nghiệp Dịch vụ Hiện đại Thâm Quyến - Hong Kong Tiền Hải (tên chính thức của dự án) được chính phủ Trung Quốc thông qua vào tháng 8/2010, sau đó được đưa vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đến cuối năm 2014, Tiền Hải cùng khu Xà Khẩu của Thâm Quyến được lựa chọn thành nơi thí điểm khu vực tự do thương mại (FTZ) của tỉnh Quảng Đông, bên cạnh 2 khu vực khác của tỉnh này là Nam Sa ở Quảng Châu và Hoành Cầm ở Chu Hải. Theo một báo cáo của tổ chức Colliers International, chính phủ Trung Quốc dự kiến đầu tư vào Tiền Hải 390 tỷ nhân dân tệ (63 tỷ USD) với kỳ vọng khu vực này sẽ mang lại khoản GDP trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (24 tỷ USD) vào năm 2020.

3 khu vực của Tiền Hải: Quế Loan (màu đỏ), Lệ Loan (vàng) và Ma Loan (tím). Ảnh: Viện Thiết kế Quy hoạch Đô thị Trung Quốc.

Theo quy hoạch nói trên, Tiền Hải được chia làm 3 phân khu tập trung vào 4 lĩnh vực trọng điểm: khu Quế Loan phát triển dịch vụ tài chính sáng tạo; khu Lệ Loan dành cho lĩnh vực công nghệ thông tin, dịch vụ khoa học - công nghệ; và khu Ma Loan triển khai các dịch vụ hậu cần hiện đại. Tiền Hải đóng vai trò kết nối giữa Thâm Quyến nói riêng, Quảng Đông nói chung với Hong Kong (và cả Macau), đúng theo tinh thần tên gọi của nó, với mục tiêu cuối cùng là trở thành trung tâm hợp tác công nghiệp dịch vụ hiện đại mang tầm quốc tế, là nơi để "Trung Quốc đối mặt với thế giới".

Quy hoạch tổng thể cũng xác lập vị thế của Tiền Hải là trung tâm dịch vụ ở cấp độ quốc gia và Tiền Hải được trao quyền thử nghiệm những chính sách "đặc biệt hơn" cả những gì thường thấy ở các đặc khu kinh tế. Một cơ quan quản lý, Chính quyền Tiền Hải (Qianhai Authority), được lập nên vào đầu năm 2011 sẽ làm việc trực tiếp với chính phủ mà không cần thông qua chính quyền Thâm Quyến hay Quảng Đông. Chính quyền Tiền Hải có thể thực hiện các chính sách mang tính tiên phong, khai phóng liên quan đến thuế, dự trữ ngoại tệ và pháp lý. Chẳng hạn về thuế, theo South China Morning Post, các công ty tại Tiền Hải sẽ chỉ phải đóng thuế doanh nghiệp ở mức 15%, so với mức thông thường là 25%.

Quy hoạch những cây cầu ở Tiền Hải. Ảnh: SZQH.

Thỏi nam châm hút đầu tư

Quy hoạch nhấn mạnh Hong Kong, đặc khu hành chính đi theo chế độ riêng rẽ với đại lục dưới luật "Một quốc gia, Hai chế độ", là hình mẫu cho việc phát triển Tiền Hải. Theo đó, chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện để Tiền Hải xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả, trong sạch và mang định hướng dịch vụ, cung cấp dịch vụ một cửa trong việc đăng ký kinh doanh, cấp phép, chiêu mộ nhân tài, kê khai tài sản,...

Ngoài ra, quy hoạch cũng cho phép Chính quyền Tiền Hải xem xét và phê duyệt các quy định hành chính không liên quan đến tài chính. Đây là đặc quyền mà chỉ có một số thành phố lớn được hưởng. Đối với các lĩnh vực đặc biệt như tài chính, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thành lập văn phòng đại diện tại Tiền Hải để giám sát trực tiếp đồng thời phối hợp với chính quyền đặc khu này khám phá các thực tiễn mới.

Một trong những kỳ vọng của Bắc Kinh với Tiền Hải là nơi đây sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút dòng tiền nhân dân tệ từ nước ngoài cũng như là phòng thí nghiệm cho các nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền này sau hàng thập kỷ kiểm soát tiền tệ chặt chẽ. Theo bài viết "Betting on Qianhai" (Đặt cược vào Tiền Hải) trên Week in China, trong một thỏa thuận đáng lưu ý vào năm 2013, 15 ngân hàng ở Hong Kong (bao gồm HSBC) đã đồng ý cho vay xuyên biên giới với tổng số tiền lên đến 2 tỷ nhân dân tệ (320 triệu USD) đối với các công ty tại Tiền Hải.

"Điều quan trọng là chính phủ lần đầu tiên áp dụng cách tiếp cận 'rảnh tay', cho phép người vay và người cho vay tự do thực hiện các giao dịch", nhà kinh tế Wang Jianhui của tổ chức Southwest Securities nói với China Daily. Trong khi đó, China Business Journal đưa ra nhận định "Tiền Hải sẽ tạo ra kênh lớn nhất và trực tiếp nhất để dòng tiền tệ đi vào hoặc đi ra khỏi Trung Quốc một cách tự do hơn, đặc biệt là để đưa đồng nhân dân tệ quay trở lại đại lục".

Những bản phối cảnh quy hoạch Tiền Hải. Ảnh: SZQH.

Tuy vậy, theo một bài phân tích trên New York Times, Tiền Hải vẫn là một kế hoạch nhiều rủi ro với Bắc Kinh. Nhiều quốc gia đã rơi vào khủng hoảng tài chính sau khi nới lỏng kiểm soát tiền tệ và mở cửa thị trường tài chính một cách quá nhanh chóng.

Một số nhà quan sát nói rằng các lãnh đạo Trung Quốc không có nhiều lựa chọn. Họ lập luận rằng việc tiếp tục phụ thuộc vào đầu tư từ nguồn tín dụng để phát triển sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ nảy sinh những vấn đề lớn hơn trong thực tế.

Theo ông Wang Jinxia, giám đốc thông tin của chính quyền Tiền Hải, mục tiêu cuối cùng mà họ muốn đạt được là "làm việc ở Tiền Hải sẽ dần thay thế 'giấc mơ Mỹ' của nhiều người". Tuy vậy, một số nhà đầu tư đang bắt đầu tỏ ra nghi ngờ về điều này khi chỉ còn 3 năm để Tiền Hải hoàn thành mục tiêu của mình. South China Morning Post cho hay tính đến giữa tháng 6/2016, Tiền Hải đã thu hút được 100.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nhưng chỉ một số ít đi vào hoạt động do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng.

Thế hệ đặc khu kinh tế 3.0

Sau thế hệ đặc khu kinh tế (SEZ) đầu tiên bao gồm Thâm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải, Hạ Môn, 14 khu phát triển kinh tế - kỹ thuật (ETDZ, cách Trung Quốc gọi "khu công nghiệp") được thành lập ở các thành phố ven biển thuộc đồng bằng sông Châu Giang, đồng bằng sông Dương Tử và đồng bằng Mân Phúc Kiến. Năm 1988, toàn bộ tỉnh Hải Nam trở thành SEZ tổng hợp thứ năm. Đến năm 1989, 2006, khu Phố Đông ở Thượng Hải cũng như khu Tân Hải ở Thiên Tân được trao tư cách tương tự.

Bên cạnh các loại SEZ được nhắc đến ở trên, có rất nhiều loại SEZ khác ở Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm khu phát triển công nghiệp kỹ thuật cao (HIDZ), khu tự do thương mại (FTZ), khu chế xuất (EPZ) và nhiều loại khác. Theo bài viết đăng trên tạp chí Peak của ông Douglas Zhihua Zeng, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới, tính đến tháng 4/2017, Trung Quốc có 7 đặc khu kinh tế tổng hợp (như Thâm Quyến), 219 ETDZ cấp quốc gia, 156 HIDZ cấp quốc gia và rất nhiều đặc khu khác.

Trên bình diện toàn cầu, nếu xem thế hệ SEZ đầu tiên chủ yếu đi theo mô hình chế xuất là SEZ 1.0, thế hệ SEZ thứ hai - đa chức năng hơn nhưng chủ yếu vẫn định hướng sản xuất - là SEZ 2.0 thì hiện tại Trung Quốc đang hướng đến mô hình SEZ 3.0 - định hướng dịch vụ và thân thiện với môi trường hơn. Tiền Hải và FTZ Thượng Hải (ra đời năm 2013) cũng như những FTZ sau đó (tổng cộng 11 FTZ) đại diện cho nhóm SEZ 3.0. Những FTZ này đều hướng đến việc cải cách sâu hơn về hệ thống quản lý, cải cách mảng dịch vụ, đầu tư cho công nghệ cao và phát triển xanh. Theo chuyên gia Zeng, mục tiêu chính là giúp Trung Quốc nâng cấp ngành công nghiệp, chuyển đổi mô hình phát triển và tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Tiền Hải vào tháng 12/2012. Ảnh: SZQH.

Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch của ông Tập Cận Bình tại Tiền Hải là thay đổi lớn nhất trong bức tranh tài chính Trung Quốc trong hàng chục năm qua. Nhiều người nhanh chóng nhận ra và so sánh chuyến đi của ông Tập với chuyến đi Thâm Quyến của ông Đặng Tiểu Bình năm 1992. Trong thập niên 1980-1990, Đặng Tiểu Bình đã tiến hành nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước với kinh tế, sử dụng Thâm Quyến như là phòng thí nghiệm cho việc thả nổi dòng vốn.

"Trong 30 năm qua, Thâm Quyến đã đi đầu trong công cuộc cải cách mở cửa tại Trung Quốc", ông Hà Tử Quân, phó giám đốc Chính quyền Tiền Hải, nói với New York Times. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng Tiền Hải có thể tiếp tục là bãi thử nghiệm cho những cải cách mở cửa tiếp theo và chúng tôi có thể lấy đó làm hình mẫu cho mọi nơi khác".

Vũ Mạnh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bai-boi-muon-thanh-manhattan-tq-dac-khu-30-bang-dot-pha-chinh-sach-post790191.html