Bãi bỏ loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ giảm đi lựa chọn của hành khách

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vừa phối hợp với Bộ GTVT tổ chức hội thảo lấy ý kiến DN góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam góp ý về quy định quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc. Theo ông Quyền, cần bổ sung quy định về việc Nhà nước giám sát việc thu phí, thực hiện việc công khai hóa thu phí hoàn vốn.

Sau khi công trình đã hết thời gian khai thác, hoàn vốn của nhà đầu tư theo hợp đồng thì bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, khai thác; việc có thu phí nữa hay không do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, theo ông Quyền, cần bổ sung quy định việc công khai hóa về nhà đầu tư, hình thức đầu tư, tổng mức đầu tư, thời hạn thu phí hợp đồng, cập nhật lũy kế số phí đã thu được tại các trạm thu phí.

Trưởng phòng Pháp chế Viện Nhà nước và pháp luật Ngô Vinh Bạch Dương băn khoăn về qui định mọi loại hình vận chuyển hành khách dưới 9 chỗ đều bị coi là taxi, xe hợp đồng chỉ bao gồm các loại hình vận chuyển hành khách sử dụng xe trên 9 chỗ.

Ông Nguyễn Văn Quyền đề nghị bổ sung quy định về việc nhà nước giám sát việc thu phí. Ảnh: P.Thảo

Ông Nguyễn Văn Quyền đề nghị bổ sung quy định về việc nhà nước giám sát việc thu phí. Ảnh: P.Thảo

Theo ông Dương, xe hợp đồng dưới 9 chỗ là một mảng dịch vụ lớn, phục vụ một nhu cầu thực tế của xã hội. Nếu bây giờ loại hình này bị bãi bỏ, người tiêu dùng sẽ mất đi một sự lựa chọn sử dụng phương tiện phù hợp với điều kiện của mình nhất. Ví dụ, hiện nay có rất nhiều cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân không mua ô tô riêng mà tùy theo nhu cầu cụ thể vẫn đang thuê ô tô dưới 9 chỗ (bao gồm cả lái xe) để phục vụ nhu cầu đi làm, đi họp, đi công tác theo giờ, theo ngày hoặc theo tuần. trong những trường hợp này, đi taxi hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu của họ.

“Ngoài ra, việc loại bỏ loại hình hợp đồng dưới 9 chỗ là bỏ đi miếng cơm manh áo của rất nhiều đơn vị, DN vận tải nhỏ đang đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội nêu trên. Nếu loại hình này bị bãi bỏ, tất cả các DN đang hoạt động theo mô hình này sẽ phải ngừng hoạt động, và các tài xế phải chuyển sang phương thức kinh doanh bằng xe taxi, và bị áp đặt nhiều điều kiện kinh doanh khó khăn hơn, tăng chi phí tuân thủ và gây tốn kém cho xã hội. Phần lớn các đơn vị kinh doanh hợp đồng dưới 9 chỗ là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh giống như với xe taxi là bất khả thi, và sẽ làm tổn hại tới quyền tự do kinh doanh của họ”, ông Dương nói và đề nghị giữ nguyên định nghĩa kinh doanh xe hợp đồng như ở Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Bà Ngô Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lại đề nghị giữ nguyên định nghĩa trong Luật Giao thông Đường bộ hiện hành về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Theo bà Thảo, hiện nay, các DN thường chỉ tập trung vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi giá trị cung cấp dịch vụ, thay vì cung cấp toàn bộ dịch vụ. Điều này giúp DN nâng cao tính chuyên môn hóa. Tuy nhiên, với khái niệm tại khoản 1 Điều 117 Dự luật, các mô hình kinh doanh mới theo từng công đoạn bị khiên cưỡng nắn theo khuôn khổ quản lý như đối với mô hình kinh doanh truyền thống.

“Việc áp dụng tư duy quản lý cũ trong việc định nghĩa một mô hình kinh doanh mới là chưa phù hợp”, bà Thảo nhấn mạnh.

Với quy định này, theo bà Thảo, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối nếu tham gia điều hành và quyết định giá sẽ được coi là một đơn vị kinh doanh vận tải, và do đó phải tuân thủ tất cả các điều kiện, quy định kinh doanh vận tải (bao gồm cả sở hữu xe, đảm bảo yêu cầu số lượng lái xe, thuê lái xe…).

Điều này không chỉ tạo thêm gánh nặng bất hợp lý cho DN, mà còn làm biến đổi bản chất của dịch vụ mà DN cung cấp từ công nghệ trở thành kinh doanh vận tải. Điều này đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ về việc thiết kế chính sách theo hướng thúc đẩy, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, thích ứng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần 4.0.

Cũng theo bà Thảo, Nhà nước hiện đang có chủ trương hạn chế xe cá nhân tham gia giao thông. Trong bối cảnh đó, nhu cầu sử dụng xe hợp đồng dưới 9 chỗ của cá nhân, cơ quan, DN trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Việc bãi bỏ loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ giảm đi một sự lựa chọn cho hành khách và buộc họ phải quay lại sử dụng xe cá nhân.

PGS.TS. Dương Đăng Huệ - Cố vấn pháp lý Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, một số qui định trong Dự luật chưa phù hợp với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP). Cụ thể như Dự thảo qui định: “Nhà nước cho phép DN đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác đường cao tốc được kéo dài thời gian thu, tăng mức thu và các hình thức chia sẻ rủi ro khác trong trường hợp doanh thu trong việc khai thác, kinh doanh đường cao tốc bị ảnh hưởng do xây dựng đường bộ khác ảnh hưởng đến lưu lượng giao thông; thiệt hại do thiên tai; khủng hoảng kinh tế; biến động giá và các sự kiện bất khả kháng khác”.

Quy định này có nội dung không phù hợp với phương án 1 của Điều 84 Dự luật PPP (cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu). Theo đó, việc chia sẻ rủi ro về doanh thu được quy định trong dự án Luật PPP hoàn toàn khác với nội dung của dự thảo Luật Giao thông đường bộ.

“Đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu kỹ nội dung của Luật PPP để đảm bảo làm sao các quy định của Luật Giao thông đường bộ không được mâu thuẫn, chồng chéo với Luật PPP vì điều đó là bất lợi cho các nhà đầu tư”, ông Huệ nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bai-bo-loai-hinh-xe-hop-dong-duoi-9-cho-se-giam-di-lua-chon-cua-hanh-khach-196290.html