Bãi bỏ lệnh cấm chụp ảnh khỏa thân: Rào cản nghệ thuật được gỡ bỏ?

Vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 10/2016/TT-BVHTTDL sửa đổi và bãi bỏ một số điều chưa hợp lý của Thông tư 01/2016-BVHTTDL.

Trong đó, Thông tư 10/2016 sẽ bãi bỏ Khoản 1, Điều 3 của Thông tư 01/2016 quy định về hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang ; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện, phổ biến, lưu hành (quy định tại Nghị định 15/2016/NĐ-CP).

Trước đó, thông tư 01/2016 kể từ khi ban hành đã gặp phải khá nhiều ý kiến trái chiều của các nghệ sĩ cũng như dư luận. Đặc biệt, lệnh cấm chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông đã trở thành chủ đề tranh cãi của nhiều người.

Người đồng tình có nhưng người phản đối cũng không ít bởi họ cho rằng đó giống như một rào cản đối với nghệ thuật. Á hậu 1 Hoa Hậu Việt Nam 2010 – Vũ Hoàng My từng nói rằng “nude là một quyền tự do và nude nên được công nhận, tôn trọng vì đó là một nghệ thuật”, quy định cấm chụp ảnh khỏa thân khiến cô cảm thấy bị xâm phạm quyền tự do cá nhân, ảnh hưởng và hạn chế sự sáng tạo của những người làm nghệ thuật.

Á hậu Hoàng My bán khỏa thân trong bộ ảnh gây quỹ từ thiện.

Vì vậy, quy định mới của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của các Hoa hậu, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia… Nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương bày tỏ quan điểm: “Có những người khi chụp dù không hở bất cứ đâu nhưng vẫn khiến người nhìn cảm thấy dung tục. Ngược lại, có những người dù khoe trọn cơ thể lại khiến người nhìn cảm thấy hấp dẫn, mang đầy tính nghệ thuật.

Vì vậy mới nói, nghệ thuật và dung tục rất mong manh, cảm nhận là ở mỗi người. Còn việc chụp ảnh khỏa thân thì theo tôi là quyền tự do cá nhân, không thể phản đối hay cấm cản và cũng không thể nhìn vào một bức ảnh khỏa thân để đánh giá đạo đức của một cô Hoa hậu hay người mẫu. Bản thân một người khi quyết định chụp và công khai những hình ảnh khỏa thân thì họ đã phải ý thức được việc tự chịu trách nhiệm với hành động của mình, đẹp thì được khen, phản cảm sẽ phải chịu sự chê trách của dư luận”.

Nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương.

Top 11 Hoa hậu Trái đất 2016 – Nguyễn Lệ Nam Em cũng có những chia sẻ về vấn đề này. Nam Em nói rằng: “Khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành một quyết định thì chắc chắn đã có sự cân nhắc rất kĩ lưỡng, dựa trên tình hình thực tế. Khi một người quyết định chụp ảnh khỏa thân có lẽ họ sẽ có những lý do riêng của mình như lưu giữ vẻ đẹp thanh xuân, phô diễn vẻ đẹp cơ thể… mỗi người một quan điểm. Còn riêng bản thân Nam Em, Nam Em chưa từng có ý định chụp ảnh khỏa thân nên không có quá nhiều ý kiến về việc này”.

Ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục vốn mong manh, khó xác định. Đã có rất nhiều nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ thành công khi truyền tải được nội dung, thông điệp ý nghĩa đến công chúng bằng những bức ảnh khỏa thân. Nhưng cũng không ít trường hợp mượn danh nghệ thuật để thực hiện những bộ ảnh trần tục, phản cảm. Nghệ thuật hay dung tục có lẽ nằm ở cách nhìn nhận của mỗi cá nhân, tuy nhiên tất cả đều phải dựa trên những chuẩn mực của xã hội và như Alain Fleisher – nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới thì: “Plus il a d’art et moins il y a de pornDographie” (Tạm dịch: Càng có nhiều nghệ thuật thì sẽ ít tính khiêu dâm).

Hải Dương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bai-bo-lenh-cam-chup-anh-khoa-than-rao-can-nghe-thuat-duoc-go-bo-a306835.html