Bãi bỏ 421 quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm

Tổ công tác thi hành Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch.

Các quy hoạch có thời kỳ đến năm 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện đến hết năm 2020. Ảnh minh họa: Internet.

Các quy hoạch có thời kỳ đến năm 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện đến hết năm 2020. Ảnh minh họa: Internet.

Theo đó, về thực hiện chuyển tiếp các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, báo cáo cho biết, đối với các quy hoạch thuộc đối tượng bãi bỏ thuộc thẩm quyền của các Bộ, địa phương, hiện đã có 3 bộ (gồm Bộ Công Thương; Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng) và 37 địa phương ban hành Quyết định bãi bỏ 421 quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định định tại Điều 59 Luật Quy hoạch.

Đối với triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bộ, địa phương chủ yếu đang tập trung nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch.

Cụ thể, đã có 25/39 quy hoạch ngành quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia; 14/39 quy hoạch ngành quốc gia còn lại, các bộ đang hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để trình thẩm định Nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia theo quy định.

Liên quan đến một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, Tổ công tác thi hành Luật Quy hoạch cho biết, do mới triển khai Luật Quy hoạch nên một số bộ, địa phương còn lúng túng dẫn đến chậm trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Các quy hoạch có thời kỳ đến năm 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện đến hết năm 2020.

Tuy nhiên, các quy hoạch này sẽ hết hiệu lực sau năm 2020 trong khi các quy hoạch mới có thời kỳ 2021-2030 chưa thể trình phê duyệt được sẽ tạo ra khoảng trống trong quản lý nhà nước của các bộ, địa phương, gây khó khăn trong công tác đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các bộ chậm ban hành Danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, làm cho các địa phương thiếu căn cứ hoặc thiếu thông tin để nghiên cứu banh hành Danh mục các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch theo thẩm quyền của mình.

Đồng thời, việc các bộ chậm ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước khi các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực đã gây khó khăn, vướng mắc cho các địa phương khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bai-bo-421-quy-hoach-ve-dau-tu-phat-trien-hang-hoa-dich-vu-san-pham-132760.html